ClockChủ Nhật, 15/04/2012 21:10

"Những chiếc gối đỏ" bình yên

Trước khi đến Trường Du Tạ, tôi chưa hình dung được hình thức nghệ thuật âm thanh nghệ sĩ Vanessa Jousseame mang đến festival như thế nào. Lòng vòng tìm đường trong Đại Nội mất cả giờ, khi tôi đến nơi, Trường Du Tạ yên ắng kỳ lạ. Không có nhiều khán giả, nghệ sĩ biểu diễn như các chương trình khác. Tôi thất vọng khi ngỡ chương trình đã kết thúc. Thế là mất công cả buổi tối lội bộ tìm đường. Tôi định quay lưng. Chợt lắng tai, tiếng nhạc dặt dìu từ nhà thủy tạ rồi bóng dáng thấp thoáng của cô gái mặc áo đỏ mà tôi đoán là nghệ sĩ níu chân.

Bước vào ngôi nhà thủy tạ, một khung cảnh lạ lẫm hiện ra trước mắt. Khán giả nằm lặng im gối đầu trên những chiếc gối đỏ, gương mặt thanh thản, thỉnh thoảng mỉm cười. Nghệ sĩ Vanessa Jousseame trong chiếc váy màu đỏ, với nụ cười thiên thần chìa tay mời. Tôi thử nằm kê đầu lên gối. Một vài giây, tai tôi vang lên tiếng thì thầm:
“Xuân trẻ, xuân non, xuân lịch sự
Tôi đều nhận thấy trên môi em
Làn môi mong mỏng tươi như máu
Đã khiến môi tôi mấp máy thèm
Từ lúc tóc em bỏ trái đào
Tới chừng cặp má đỏ au au
Tôi đều nhận thấy trong con mắt
Một vẻ ngây thơ và ước ao…”
Bài thơ “Gái quê” được đọc bằng giọng Huế trong trẻo, nhẹ nhàng. Cái nóng, sự mệt mỏi tan biến, chỉ còn cảm giác êm ái và dịu ngọt. Những người khác đều có tâm trạng như tôi: thoải mái và thật sự thư giãn. “Trăm nghe không bằng một thấy. Khi được nằm trên gối và nghe những tiếng thì thầm, trước mắt tôi như hiện lên bức tranh chuyển động của những câu chuyện có hồn, cảm giác như mình lạc vào chốn thiên đàng. Cám ơn những chiếc gối đỏ bé nhỏ đã đem lại cho tôi sự thanh thản trong cuộc sống tất bật”, Thái Phan Vàng Anh chia sẻ. Với Bảo Hà, đó là một trải nghiệm thú vị: “Một ý tưởng sáng tạo. Không gì tuyệt vời hơn được nghe những tiếng thì thầm bên tai với những câu chuyện đẹp trong không gian lắng đọng. Cảm ơn festival đã cho tôi được trải nghiệm cảm giác thú vị này”.   

Điều kỳ diệu của "Những chiếc gối đỏ" đã đem lại sự thư giãn cho khán giả
“Những chiếc gối đỏ” là chương trình sắp đặt âm thanh để truyền tải lời thơ, câu chuyện đến khán giả. Là một thể loại nhạc kịch nhưng người nghe không nhìn thấy dáng dấp hay khuôn mặt của người nghệ sĩ ngoại trừ giọng nói của họ. Vanessa Jousseame năm nay 34 tuổi, đến từ đoàn kịch Le Lieu Dit (Pháp). Cô nảy ra ý tưởng này từ năm 2004. Vanessa Jousseame chia sẻ: “Với hình thức nghệ thuật này, tôi muốn mọi người được thư giãn ở một nơi yên tĩnh sau những giờ làm việc căng thẳng. Bạn chỉ cần gối lên, chiếc gối sẽ nói chuyện với bạn. Qua đó, tôi có thể gửi gắm đến mọi người những điều về tình yêu, cuộc sống”.
Lời chiếc gối êm dịu đầy chất thơ. Đó là các trích đoạn những câu chuyện cổ tích, lời thoại trong những vở kịch, những giai điệu du dương hòa với giọng đọc nhẹ nhàng, truyền cảm. Thơ và truyện được chọn cho “Những chiếc gối đỏ” do những người bạn ở Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội và Huế gợi ý cho Vanessa Jousseaume. Đó là 5 bài thơ trong tập “Gái Quê” của Hàn Mặc Tử, 4 bài thơ trong tập “Nếu ngày mai” của Xuân Quỳnh, trích đoạn “Lửa Hoàng Cung” của Trần Thùy Mai, “Diễm của những ngày xưa” trên nền nhạc bài hát “Như cánh vạc bay” của Trịnh Công Sơn, “Mối tình đầu” của Vanessa Jousseaume (lấy cảm hứng từ những câu chuyện tình yêu của các bạn trẻ là học viên của Trung tâm văn hóa Pháp tại Huế)… Tất cả đều được đọc bằng giọng Huế.
Vanessa Jousseaume đã từng giới thiệu nghệ thuật sắp đặt âm thanh này trong các kỳ festival ở Pháp và các nước Châu Âu. Đây là lần đầu tiên và duy nhất cô giới thiệu ở Việt Nam. Đến mỗi nước, Vanessa Jousseaume chọn văn chương về tình yêu của quốc gia đó để kể cho người nghe, vì cô quan niệm, tình yêu là câu chuyện của cả nhân loại.
Không gian yên tĩnh và điều kỳ diệu của những chiếc gối đỏ đã lôi cuốn nhiều người đến thưởng thức. Vanessa Jousseaume rất vui và hứng thú vì sự đón nhận và chia sẻ của khán giả Huế.
Trang Hiền
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đem văn hóa Tây Nguyên tham dự Festival Huế 2024

Đến với Festival Huế 2024, Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh KonTum sẽ giới thiệu chương trình nghệ thuật sáng tạo, quảng bá bản sắc văn hóa các dân tộc Tây nguyên nói chung và Kon Tum nói riêng đến với nhân dân trong cả nước và bạn bè quốc tế.

Đem văn hóa Tây Nguyên tham dự Festival Huế 2024
Cảm xúc cùng “Phản chiếu”

Trong khuôn khổ các hoạt động của Tuần lễ Festival nghệ thuật Quốc tế Huế 2024, tối 1/6, tại Nhà hát Sông Hương, Viện Pháp tại Việt Nam giới thiệu buổi biểu diễn "Relfet" (Phản chiếu) của nghệ sĩ Xuân Lê, biên đạo múa kiêm vũ công người Pháp gốc Việt. ​

Cảm xúc cùng “Phản chiếu”
Chương trình dân ca Quan họ sẽ tham dự Festival Huế 2024

Đến với Festival Huế 2024, Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh sẽ thể hiện những điệu hát giao duyên. Những liền anh trong trang phục truyền thống khăn xếp, áo the và những liền chị duyên dáng trong bộ áo mớ ba, mớ bảy, đầu đội nón thúng quai thao, cùng nhau hát đối những câu ca mộc mạc, đằm thắm, cách hát theo lối truyền thống không cần nhạc đệm mà vẫn đầy chất nhạc, thể hiện nét văn hóa tinh tế của người Quan họ.

Chương trình dân ca Quan họ sẽ tham dự Festival Huế 2024
“Du hành cùng Satie"

Nhân sự kiện Tuần lễ Festival nghệ thuật quốc tế Huế 2024, trong chuyến công diễn đến Huế vào ngày 20/6, Nghệ sĩ Dương cầm David Greilsammer (Pháp) sẽ đưa công chúng Việt Nam vào chuyến “Du hành cùng Satie” thông qua các kiệt tác của nhà soạn nhạc vĩ đại người Pháp Erik Satie.

“Du hành cùng Satie
Nhà hát Cao Văn Lầu mang văn hóa Nam Bộ tham gia Festival Huế

Tham dự Tuần lễ Festival nghệ thuật Quốc tế Huế 2024, Nhà hát Cao Văn Lầu sẽ biểu diễn các tiết mục cổ điển, truyền thống cho đến hiện đại như: Dạ cổ hoài lang, Ca nhạc “Bạc Liêu khúc hát nghĩa tình”, “Bạc Liêu rực sáng trời tương lai”, “Tiếng đờn kìm”, tân cổ “Ai ra xứ Huế”, trích đoạn “Kẻ sĩ Thăng Long”, ca cổ “Đêm Huế”, “Tình anh bán chiếu”, trích đoạn cải lương “Một thời để nhớ”.

Nhà hát Cao Văn Lầu mang văn hóa Nam Bộ tham gia Festival Huế
Return to top