ClockThứ Bảy, 01/06/2024 22:40

Cảm xúc cùng “Phản chiếu”

TTH.VN - Trong khuôn khổ các hoạt động của Tuần lễ Festival nghệ thuật Quốc tế Huế 2024, tối 1/6, tại Nhà hát Sông Hương, Viện Pháp tại Việt Nam giới thiệu buổi biểu diễn "Relfet" (Phản chiếu) của nghệ sĩ Xuân Lê, biên đạo múa kiêm vũ công người Pháp gốc Việt.​
Phản chiếu là kết quả của sự giao thoa giữa các loại hình nghệ thuật múa đương đại, hiphop, trượt patin và nghệ thuật thị giác (Ảnh HL)

Trở lại Việt Nam lần này sau thành công của vở "Vòng lặp" năm 2019, cựu vô địch Pháp ở giải trượt slalom tự do - Xuân Lê cùng nghệ sĩ múa Shihya PENG (Đài Loan, Trung Quốc) lưu diễn tại các thành phố lớn của Việt Nam gồm: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Huế và Đà Nẵng. Trong chuyến lưu diễn này, anh giới thiệu đến công chúng và khán giả Cố đô Huế tác phẩm “Phản chiếu”. Vở diễn là kết quả của sự giao thoa giữa các loại hình nghệ thuật múa đương đại, hiphop, trượt patin và nghệ thuật thị giác.

Nhẹ nhàng trên đôi giày patin tựa như ở trạng thái không trọng lượng, bằng ngôn ngữ hình thể uyển chuyển nhưng mạnh mẽ, Xuân Lê cuốn người xem vào một dòng xoáy năng lượng mãnh liệt nhưng cũng hết sức tĩnh tại, khiến người xem tự vấn về nguồn cội và về những mối quan hệ được dệt nên trong đời sống thông qua các chuyển động. Các tương tác cùng chuyển động của nghệ sĩ đã tạo nên sự kết nối với công chúng vô cùng mãnh liệt.

Âm nhạc cuốn hút, khi dồn dập, lúc réo rắt, như tiếng gõ thời gian, cộng hưởng cùng phần biểu diễn của nghệ sĩ, lôi cuốn người xem dõi theo từng vũ điệu mĩ cảm, như sự song tấu giữa các chuyển động của múa và các âm thanh của âm nhạc. Phần lớn không gian và thời gian của vở diễn trên sân khấu chìm trong bóng tối, để làm nổi bật ngôn ngữ hình thể của nghệ sĩ Xuân Lê trong ánh sáng đèn vàng, để trí tưởng tượng của khán giả rộng mở theo từng chuyển động.

Bằng những đường trượt mềm mại và những vũ điệu tinh tế, hai vũ công đối diện, soi chiếu lẫn nhau nhưng cũng là đang đối diện với bản ngã của chính mình (Ảnh HL)

Chuyến du hành tiếp diễn với nữ nghệ sĩ múa Shihya PENG trong phần múa duo, đặt ra câu hỏi về tính hai mặt của sự tồn tại thông qua ngôn ngữ cơ thể đầy chất thơ. “Phản chiếu” kiếm tìm sự cân bằng nhưng đồng thời cũng là quá trình khám phá nội tâm. Khán giả như được bước vào tâm điểm của hành trình cảm xúc nơi hữu hình đối thoại với vô hình. Bằng những đường trượt mềm mại và những vũ điệu tinh tế, hai vũ công đối diện, soi chiếu lẫn nhau nhưng cũng là đang đối diện với bản ngã của chính mình. 

Phần cuối của vở diễn, cả khán phòng như vỡ oà cảm xúc với khung cảnh đỏ rực với khói và sự “nhảy múa của biển lửa”, thông qua nghệ thuật thị giác, hai nghệ sĩ ẩn hiện, hoà quyện cùng ánh sáng, âm nhạc và những vũ điệu.

Là kết quả của sự giao thoa giữa các loại hình nghệ thuật múa đương đại, hiphop, trượt patin và nghệ thuật thị giác, nghệ sĩ Xuân Lê cùng Shihya PENG và ekip kỹ thuật của mình đã đưa khán giả vào một thế giới vi tế và đầy cảm xúc cùng Phản chiếu.

Múa đương đại là loại hình nghệ thuật múa kết hợp giữa các yếu tố khiêu vũ hiện đại và ballet cổ điển thể hiện cảm xúc bay bổng và phát tiển khả năng sáng tạo. Trong nghệ thuật múa đương đại, những mối quan tâm tới các vấn đề xã hội và điều kiện tinh thần của con người được thể hiện. Để diễn đạt được điều đó, một tác phẩm múa đương đại còn là sự kết hợp và đối thoại của rất nhiều yếu tố nghệ thuật khác như âm nhạc, điện ảnh, văn học, hội họa… và cả những chi tiết nhỏ của đời sống thường nhật. 

LIÊN MINH
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thăng hoa trong mưa

Không phải lễ hội mưa mà gặp mưa - có lẽ đó là điều mà không ai mong muốn. Nhưng những màn mưa về trên phố Huế, từ chương trình mở màn “Rạng rỡ ngàn sau” đến đêm nhạc "Đối thoại Trịnh Công Sơn - Tình yêu tìm thấy" của Tuần lễ Festival Huế, lại như những dòng cảm xúc “kéo” mọi người gần với Huế hơn, yêu thương Huế và trân quý, thăng hoa cùng các nghệ sĩ.

Thăng hoa trong mưa
Return to top