Kết hợp âm nhạc Đông - Tây
Trong Festival Huế 2018, nhóm nhạc Đường chân trời mang đến cho khán giả không gian âm nhạc mới lạ đầy màu sắc khi kết hợp âm nhạc Đông -Tây, kết hợp nhạc cụ và dân ca dân tộc với âm hưởng thế giới. Vẫn là những làn điệu dân ca quen thuộc, như: “Trống cơm”, “Lý chiền chiện” và các làn điệu ca Huế nhưng khán giả nghe thấy có cả chất pop và jazz trong đó.
Đường chân trời mang đến cho Festival Huế 2018 không gian âm nhạc mới mẻ
Nhạc sĩ Nguyễn Thắng, người sáng lập và là nhóm trưởng của Đường chân trời cho biết: “Đường chân trời theo xu thế âm nhạc thế giới đang phát triển là world music, tức là âm nhạc pha trộn. Chúng tôi kết hợp giữa âm nhạc dân gian là bộ hơi của sáo và đàn tranh với nhạc cụ phương Tây. Tuy vậy, vẫn tôn vinh được vẻ đẹp của những làn điệu dân ca và nhạc cụ dân tộc Việt Nam, từ giai điệu, các cung quãng và cả những đoạn solo đàn dân tộc”.
Đường chân trời còn thử nghiệm hòa âm để làm mới các làn điệu dân ca Huế. Hai làn điệu “Lý mười thương” và “Lý ngựa ô” vẫn là những giai điệu dân ca cổ truyền, nhưng có thêm yếu tố mới là contrabass, có phần hợp âm của piano và có những đoạn solist của guitar, đàn tranh… Đây là sự táo bạo của ban nhạc khi chuyển soạn hai làn điệu này với ngôn ngữ phối khí rất khác, có cả hòa âm của rock, của jazz và rất nhiều cầu nối của âm nhạc.
Tôn vinh âm nhạc dân tộc
Đường chân trời là nhóm nhạc world music của các nghệ sĩ đến từ Hà Nội, được thành lập từ năm 2014. Nhóm gồm các thành viên: nhạc sĩ, nghệ sĩ sáo Nguyễn Thắng, nhạc sĩ, nghệ sĩ piano Trần Lưu Hoàng, nghệ sĩ đàn tranh Phạm Thu An, Đào Minh Pha (contrabass), Đỗ Mạnh Thắng (trống), Lê Minh Đức (organ, piano), Nguyễn Quốc Linh (guitar)…
Hướng tới thể loại âm nhạc kết hợp, âm nhạc thể nghiệm trong chất liệu, tiết điệu, âm nhạc của nhóm mà tiêu biểu là những sáng tác của Nguyễn Thắng và Trần Lưu Hoàng là sự kết hợp của giai điệu và hòa âm Đông - Tây, các loại nhạc cụ bộ hơi phong phú, đàn tranh Việt Nam, piano, trống cajon – Djembe, contrabass. Với ý tưởng pop hóa nhạc cụ dân tộc, các thành viên của nhóm sáng tác và chuyển soạn lại những giai điệu dân gian Việt Nam, tạo nên sự mới mẻ, gần gũi với khán giả yêu âm nhạc trong nước và quốc tế.
Nhạc sĩ Nguyễn Thắng chia sẻ: “Là nghệ sĩ sáo trúc, trải qua hơn 20 năm biểu diễn, tôi muốn pop hóa nhạc cụ dân tộc, để đưa âm nhạc dân tộc dễ nghe và gần gũi với khán giả hơn, nhất là khán giả quốc tế. Đó là cách để chúng tôi tôn vinh giai điệu dân tộc.
Sân khấu Tây Thái Hòa kín khán giả trong đêm diễn của Đường chân trời
Trong thời gian 60 phút, chương trình biểu diễn 7 tiết mục: Lý chiền chiện, Về miền ca dao mẹ, Inh lả ơi, Trống cơm, Lý mười thương và Ngựa ô Huế... Tham gia Festival Huế lần này, nhóm đã chuẩn bị đến 20 tác phẩm để giới thiệu bản sắc riêng của âm nhạc dân tộc trong không gian lễ hội văn hóa quốc tế này. Nhạc sĩ Nguyễn Thắng kể lại: “Được biểu diễn trong Festival Huế 2018 là một mối duyên để chúng tôi được thể hiện ở một sự kiện giao lưu văn hóa lớn. Chúng tôi quyết định đặt tên chương trình là “Cất cánh” với ý tưởng sẽ mang những nét đẹp trong âm nhạc tới đông đảo công chúng”.
Sự xuất hiện lần đầu tiên của Đường chân trời mang đến một âm hưởng mới cho Festival Huế 2018. Ngoài hai đêm 28 và 29/4 trình diễn ở sân khấu Cung An Định và Tây Thái Hòa, nhóm Đường Chân trời tiếp tục biểu diễn chương trình âm nhạc đường phố vào các buổi chiều 30/4 và 1/5.
Bài, ảnh: Minh Hiền