ClockThứ Bảy, 29/04/2023 10:30

Phát triển kinh tế từ làng nghề

TTH - Qua nhiều kỳ được tổ chức, Festival Nghề truyền thống Huế đã góp phần đưa các làng nghề bước qua ranh giới “tự cung tự cấp”, tiến đến thương mại hóa thành công sản phẩm.

Lung linh sắc màu đêm khai mạc Festival Nghề truyền thống Huế 2023Trưng bày 100 tác phẩm tại không gian thư pháp HuếPhô diễn tinh hoa làng nghề

leftcenterrightdel
 Du khách trải nghiệm làm hoa giấy tại Thanh Tiên

Bước qua “ranh giới”

Những ngày giữa tháng 4/2023, nhiều đoàn khách du lịch quốc tế đã trở lại Huế và lựa chọn làng hoa giấy Thanh Tiên (xã Phú Mậu, TP. Huế) để trải nghiệm. Vào các dịp cuối tuần, nhiều trường học trên địa bàn toàn tỉnh cũng lựa chọn làng hoa giấy Thanh Tiên để học sinh tìm hiểu làng nghề, những nét văn hóa truyền thống độc đáo đang được gìn giữ và phát huy. Khách đến nhiều hơn, nguồn thu nhập từ dịch vụ du lịch cũng tăng, giúp làng nghề tạo nguồn thu ổn định từ du lịch.

Hướng dẫn viên Nguyễn Đình Quyên cho biết, làng hoa giấy Thanh Tiên có sức hút rất riêng đối với du khách quốc tế. Đến đây, du khách cảm nhận một làng nghề được nâng tầm thành dịch vụ chuyên nghiệp. Những nghệ nhân không chỉ thực hiện phục dựng sản phẩm, mà có những kỹ năng phục vụ du khách chu đáo. Chính vì thế mà du khách luôn đánh giá, có những trải nghiệm trọn vẹn khi đến nơi này.

Nghệ nhân ưu tú Thân Văn Huy, làng hoa giấy Thanh Tiên chia sẻ, từ mục tiêu ngày đầu phục dựng lại làng nghề để bảo tồn nghề của ông cha, qua những lần tham gia giới thiệu, quảng bá ở các kỳ Festival và các lễ hội khác, làng nghề như bước ra ánh sáng, được du khách biết đến nhiều hơn. Từ làm sản phẩm để bán, nay chuyển sang hình thái vừa phục vụ du lịch, vừa làm sản phẩm bán cho khách hàng.

Ông Võ Lê Nhật, Chủ tịch UBND TP. Huế, Trưởng ban Tổ chức Festival Nghề truyền thống Huế 2023 đánh giá, Festival Nghề truyền thống Huế đã mang lại những tác động tích cực đến sự hồi sinh và phát triển của các làng nghề truyền thống tại Thừa Thiên Huế. So với những kỳ đầu tiên được tổ chức, đến nay, các doanh nghiệp và cơ sở kinh doanh có chuyển đổi rất lớn trong việc thay đổi mẫu mã sản phẩm để đáp ứng nhu cầu thị trường. Nhiều làng nghề từ chỗ chỉ sản xuất hàng tiêu dùng, trang trí nội, ngoại thất giờ đã phát triển thành các tour du lịch làng nghề ấn tượng, thu hút khách, như: làng hương Thủy Xuân, hoa giấy Thanh Tiên, làng nón Phủ Cam…

Làng hương Thủy Xuân, TP. Huế là minh chứng rõ nhất cho sự chuyển dịch từ một làng nghề trước đây chỉ làm ra sản phẩm phục vụ đời sống hàng ngày, nay được nâng tầm thành điểm du lịch nổi tiếng. Du khách nào đến Huế cũng đến với làng hương Thủy Xuân để “check-in”. Sự kết hợp với áo dài ngũ thân khiến làng hương trở thành “hiện tượng” mới của du lịch Cố đô khoảng 2 năm trở lại. Nhiều khách còn mua sản phẩm để mang về. Quan trọng hơn cả là thu nhập của người dân tăng lên đáng kể từ khi được chuyển hướng.

Bên cạnh những làng nghề đã bước qua được “ranh giới” từ phục vụ đời  sống, nay thành sản phẩm du lịch thì còn không ít làng nghề trên bước đường thực hiện điều đó. Bà Hồ Thị Sương Lan, Giám đốc Công ty TNHH Maries thông tin, 3 năm từ khi những sản phẩm lưu niệm từ nguyên liệu cỏ bàng như nón lá, túi xách được thị trường đón nhận, thật vui khi chuỗi cung ứng, từ những người trồng cỏ bàng ở Phong Điền, những nghệ nhân làm nón, doanh nghiệp đều được hưởng lợi.

Xây dựng chuỗi dịch vụ

Bà Hồ Thị Sương Lan trải lòng, để làng nghề “sống tốt” với sản phẩm của mình không phải dễ. Đó là những thách thức từ tập quán sản xuất của người dân; thiếu các kỹ năng về quảng bá, bán sản phẩm; những cạnh tranh khốc liệt của những sản phẩm hiện đại… Vì vậy, nuôi dưỡng và phát huy những giá trị của truyền thống, của làng nghề cần nhiều thứ, quan trọng nhất là sản phẩm phải nuôi được những con người. Các làng nghề truyền thống là nơi mà có những ngôi nhà hạnh phúc, ngôi làng thịnh vượng...

Ông Đinh Mạnh Thắng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh cho rằng, Huế từng là Kinh đô của triều đại phong kiến cuối cùng nên tất cả các làng nghề, những người thợ lành nghề trên khắp cả nước tập trung về. Qua các chặng đường lịch sử thì nhiều làng nghề mất dần đi vị thế là điều khó tránh khỏi. Với xu hướng phát triển, để làng nghề tồn tại và phát triển thì cần khai thác theo hướng sản phẩm du lịch.

“Chỉ bán sản phẩm làng nghề sẽ không nuôi sống người dân, nhưng khi kết hợp du lịch về thì có thêm nguồn thu. Khi hai nguồn thu kết hợp lại sẽ bổ sung cho nhau và nuôi sống làng nghề bền vững. Do đó, cần tập trung thành những khu làng nghề, khách vừa tham quan, vừa trải nghiệm và mua sản phẩm. Qua gần 10 kỳ tổ chức, Huế cần tận dụng cơ hội này để tập hợp được các làng nghề trong cả nước lại và phát triển thành trung tâm làng nghề của cả nước. Khi đó, xây dựng những tour du lịch làng nghề độc đáo, phát triển kinh tế từ chính làng nghề”, ông Thắng nêu giải pháp.

Bí thư Thành ủy Huế - Phan Thiên Định thông tin, tại Festival Nghề truyền thống Huế năm nay, thành phố hình thành không gian làng nghề tại địa chỉ 15 Lê Lợi. Sau này, đây sẽ là không gian trưng bày sản phẩm sáng tạo, sản phẩm làng nghề; trong đó sẽ lựa chọn một số sản phẩm làng nghề trên địa bàn để trưng bày, kết nối giao lưu thương mại với các tỉnh, thành phố, như: áo dài, mộc mỹ nghệ, mây tre đan, hoa giấy… duy trì các hoạt động trải nghiệm văn hóa Huế thông qua việc tổ chức đưa học sinh các trường đến tham quan và trải nghiệm ở các làng nghề.

Theo Ban tổ chức Festival Nghề truyền thống Huế 2023, lễ hội năm nay tiếp tục ưu tiên phát triển nghề và làng nghề gắn với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế kết hợp dịch vụ văn hóa, du lịch. TP. Huế sẽ nâng cao giá trị sản phẩm gắn liền với phát triển dịch vụ du lịch, tập trung phát triển các sản phẩm thuộc chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tiểu thủ công nghiệp gắn việc phát triển các ngành nghề nông thôn và làng nghề. Cùng với đó hỗ trợ đào tạo nghề cho các nghệ nhân để tạo thêm các mẫu thiết kế sản phẩm đa dạng, mang tính nghệ thuật và thẩm mỹ cao, kết hợp sản xuất các sản phẩm quà tặng, lưu niệm phục vụ nhu cầu của du khách.

Festival Nghề truyền thống Huế 2023 quy tụ 21 nhóm nghề, gồm: dệt; nghề mộc mỹ nghệ, điêu khắc, chạm khảm, sơn mài, sơn son thếp vàng; kim hoàn; mây tre đan, tre mỹ nghệ; nón lá; hương trầm; bánh tét, bánh chưng; mè xửng… với sự tham gia của 69 làng nghề, cơ sở nghề và trên 350 nghệ nhân, bàn tay vàng đến từ các làng nghề nổi tiếng trong cả nước.

Bài, ảnh: Quang Sang
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát triển các dịch vụ nông thôn thông minh

Trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, việc áp dụng công nghệ trong dịch vụ nông thôn giúp nâng cao hiệu quả và chất lượng cuộc sống của người dân, đồng thời thúc đẩy sự phát triển bền vững và hiện đại hóa khu vực này. Để làm được điều này, mô hình xã nông thôn mới thông minh là lựa chọn tối ưu.

Phát triển các dịch vụ nông thôn thông minh
Thương mại của Trung Quốc với APEC đạt kỷ lục mới trong 10 tháng đầu năm 2024

Ghi nhận trong 10 tháng đầu năm 2024, thương mại của Trung Quốc đạt được với các nền kinh tế thành viên của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) chạm mốc cao kỷ lục, vượt 21 nghìn tỷ NDT (2,91 nghìn tỷ USD). Kết quả này đã nhấn mạnh sự hội nhập kinh tế sâu rộng và kết nối thương mại mạnh mẽ giữa các bên.

Thương mại của Trung Quốc với APEC đạt kỷ lục mới trong 10 tháng đầu năm 2024

TIN MỚI

Return to top