ClockThứ Bảy, 30/04/2016 13:44

Lê Quý Dương kể chuyện Festival

TTH - Hơn 60 bức ảnh, hiện vật đong đầy kỷ niệm sẽ được bắc cầu để đạo diễn Lê Quý Dương – người gắn bó với Festival Huế suốt 10 năm qua, chia sẻ những cảm xúc buồn, vui và hân hoan qua triển lãm “Đạo diễn Lê Quý Dương – 10 năm kể chuyện Festival Huế”. Công chúng Huế, du khách có thể đồng cảm cùng những xúc cảm ấy bằng cách đến với không gian văn hóa Tứ Phương Vô Sự suốt những ngày diễn ra Festival Huế 2016.

Những hình ảnh, hiện vật ấy gắn với 10 lễ hội lớn do đạo diễn Lê Quý Dương viết kịch bản và dàn dựng qua các kỳ Festival Huế, từ năm 2006 đến nay. Lê Quý Dương đã là đạo diễn của 6 kỷ lục Việt Nam, trong đó có 2 kỷ lục được lập tại Festival Huế, với Lễ hội “Huyền thoại Sông Hương” – Lễ hội được tổ chức lớn nhất trên sông tại Festival Huế năm 2008 và Lễ hội “Hành trình mở cõi” – Lễ hội văn hóa lịch sử lớn nhất tại Festival Huế năm 2010. Triển lãm sẽ giúp công chúng phần nào có một cảm nhận toàn cảnh sự phát triển và thăng hoa của Festival Huế trong 10 năm qua.

Sân khấu Hành trình mở cõi  - 2010. Ảnh: Lê Quý Dương cung cấp

10 năm với Festival Huế không chỉ là những kỷ niệm, là đam mê mà còn là nỗi trăn trở, đạo diễn Lê Quý Dương chia sẻ. 10 năm đó, không chỉ toàn là những câu chuyện hay, những lời có cánh mà còn có cả những giận dỗi, bực nhọc. Thậm chí, mọi cái không diễn ra một cách trôi chảy, suôn sẻ mà gặp những khó khăn rất lớn.

Đầu tiên với Đêm Hoàng cung của Festival Huế 2006, chương trình đầu tiên đạo diễn Lê Quý Dương “trình làng” công chúng và du khách Huế ở cương vị tổng đạo diễn. Cho đến nay, sau 10 năm kể từ lần đầu tiên ấy, Đêm Hoàng cung vẫn là chương trình nghệ thuật quan trọng được ban tổ chức các kỳ Festival Huế duy trì. Cũng so với chương trình đầu tiên ấy, Đêm Hoàng cung của 2016, và cả những kỳ trước nữa, đều có những đổi mới và tạo được những ấn tượng đẹp trong lòng công chúng.

“Trong sự nghiệp của mình, tôi thực sự rất biết ơn Huế. Đêm Hoàng cung 2006 chính là cú hích đầu tiên của tôi và tạo cho tôi nhiều cơ hội để tham gia nhiều festival khác trong cả nước. Đó như điểm khởi đầu tốt đẹp vậy”, đạo diễn Lê Quý Dương nói.

Với Festival Huế 2008, đạo diễn Lê Quý Dương chia sẻ câu chuyện về một trong những thành viên của đoàn thuyền ngự trong “Huyền thoại sông Hương” bị mắc cạn ở đoạn sông qua lăng Minh Mạng. Năm đó, ban tổ chức phải huy động cả lực lượng cảnh sát đường sông để cứu thuyền. “Cứu thuyền khỏi mắc cạn là việc bình thường, còn cứu thuyền để kịp giờ lên sóng trực tiếp thì đó là một câu chuyện dài rất thú vị”, đạo diễn Lê Quý Dương giới thiệu.

Trong những chương trình nghệ thuật gắn tên tuổi của đạo diễn Lê Quý Dương với Festival Huế, cho đến giờ rất nhiều người dân Huế vẫn còn nhớ đến câu chuyện hàng sứ trắng trước Kỳ đài “nhường chỗ” sân khấu.

“Cộng tác cùng Huế, mình phải nhẹ nhàng nhưng đồng thời cũng có những lúc phải quyết liệt. Nhẹ nhàng, từ từ để len sâu được lớp lớp trầm tư sâu lắng của văn hóa Huế, nhưng cũng cần sự quyết liệt để thay đổi những nề nếp, suy nghĩ đã cũ để di sản văn hóa Huế được thức tỉnh và có linh hồn. “Hành trình mở cõi 2010” là một ví dụ điển hình”, đạo diễn Lê Quý Dương nói.

Với anh, “Hành trình mở cõi” cũng là chương trình “ngàn cân treo sợi tóc”, khi anh đã “đánh cược” vào đó tất cả uy tín, danh dự, niềm tin và trình độ kiến thức của bản thân. Nếu chỉ cần sai lệch thì cái giá phải trả là sự buông bỏ, thậm chí không còn cơ hội về Huế làm festival nữa.

Khi nhìn ra Kỳ đài Huế giống hệt một mũi thuyền khổng lồ hướng thẳng về phía Nam, đạo diễn Lê Quý Dương đã bị “máu nghề” thôi thúc chọn địa điểm đó để dựng sân khấu cho “Hành trình mở cõi”. Việc này vừa tiết kiệm được hàng tỷ đồng kinh phí làm sân khấu, vừa giúp Huế có được sân khấu hoành tráng nhất từ trước đến nay với 5 tầng sân khấu từ mặt nước Hộ Thành Hào tới chân cột cờ để dàn dựng chương trình. Nhưng để làm được điều đó, Huế đã phải hy sinh di chuyển hàng cây sứ. Câu chuyện ấy gây tranh cãi rất nhiều trong dư luận.

“Nếu không làm “Hành trình mở cõi” ở Kỳ đài thì Kỳ đài mãi mãi vẫn là Kỳ đài với những bức tường rêu phong. Nhưng nhiều người đã chia sẻ với tôi rằng, họ vẫn thường nghĩ đến “Hành trình mở cõi” mỗi lần đi qua Kỳ đài Huế. Tôi cho rằng, đó cũng là sự thành công khi nhiều năm qua, tôi luôn cố gắng để làm cho di sản Huế sống động bằng cách đưa đời sống, tâm thức của hiện đại vào trong chất liệu di sản và thể hiện qua những chương trình nghệ thuật”, đạo diễn Lê Quý Dương cho biết.

“Tại sao anh lại quyết định chia sẻ những kỷ niệm vui buồn về Festival Huế vào lúc này?”. Đạo diễn Lê Quý Dương nhẹ nhàng: “Trong sự nghiệp, 10 năm có thể là dài, nhưng với tầm nhìn và kỳ vọng Huế trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn từ di sản hiện có, thì lại rất ngắn. Sau tất cả, tôi vẫn thấy rằng mình mới sử dụng khoảng 10% trữ lượng văn hóa Huế. Phải mất rất nhiều “10 năm” nữa, Huế mới có thể thức dậy được phần văn hóa đang ngủ yên. Quan trọng nữa là chúng ta cần cách tiếp cận di sản mới hơn. Riêng tôi, 10 năm qua là một chặng đường vất vả, đầy khó khăn nhưng đẹp!”

ĐỒNG VĂN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Giá trị lý luận và thực tiễn xây dựng, phát triển văn hóa, con người tại Thừa Thiên Huế

Hội thảo khoa học "Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Giá trị lý luận và thực tiễn xây dựng, phát triển văn hóa, con người tại Thừa Thiên Huế" do Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp Hội Khoa học Lịch sử Thừa Thiên Huế, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Huế) tổ chức chiều 22/11 tại TP. Huế. Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương Nguyễn Khoa Điềm; Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh Nguyễn Thị Ái Vân, cùng đại diện lãnh đạo các sở ban ngành, đông đảo các chuyên gia, nhà nghiên cứu tham dự.

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Giá trị lý luận và thực tiễn xây dựng, phát triển văn hóa, con người tại Thừa Thiên Huế
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với cách mạng miền Nam

Hơn 100 hình ảnh, tài liệu, trong đó có nhiều tài liệu lần đầu tiên đã được giới thiệu, công bố đến công chúng tại triển lãm chuyên đề “Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với cách mạng miền Nam”, khai mạc sáng 15/11 tại Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế (7 Lê Lợi, TP. Huế).

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với cách mạng miền Nam
“Trước nhà có cây hoàng mai” du hành phương Bắc

Tập tùy bút, ghi chép “Trước nhà có cây hoàng mai: Những ghi chép về Huế - xứ sở phong rêu kiêu sa” (NXB Phụ Nữ Việt Nam) đã được tác giả - nhà báo Minh Tự giới thiệu đến công chúng, những người yêu sách tại Phố sách Hà Nội (Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).

“Trước nhà có cây hoàng mai” du hành phương Bắc
Return to top