ClockChủ Nhật, 02/12/2018 14:29

Giá xăng giảm, giá cước vận tải vẫn không giảm

Có rất nhiều lý do doanh nghiệp đưa ra để biện minh cho việc không giảm giá cước vận tải khi giá xăng giảm, cuối cùng người tiêu dùng vẫn chịu thiệt.

Ngày 6/11, Liên Bộ Công thương - Tài chính đã điều chỉnh giá xăng E5RON92 giảm 1.082 đồng/lít, xăng RON95 giảm 1.138 đồng/lít. Đây là lần thứ 2 liên tiếp, giá xăng được điều chỉnh giảm sâu. Tuy nhiên đến hôm nay, đã là đầu tháng 12, nhưng các hãng vận tải, taxi vẫn không điều chỉnh giảm giá cho khách hàng.

Chỉ trong vòng nửa tháng, từ 22/10-6/11/2018, giá xăng đã 2 lần được điều chỉnh giảm sâu. Hiện nay, xăng E5 bán ra là 19.600 đồng/lít; mức bán lẻ xăng RON95 tối đa là 21.065 đồng/lít. Nhiều người đặt câu hỏi: Khi doanh nghiệp khó khăn vì giá xăng tăng, người tiêu dùng sẵn sàng chia sẻ bằng cách sử dụng dịch vụ taxi với giá điều chỉnh. Vậy tại sao khi giá xăng giảm nhiều như vậy mà các hãng taxi, hãng vận tải lại không chia sẻ với người tiêu dùng?

Giá xăng giảm nhưng giá cước vận tải chây ì không giảm. Ảnh: VnEconomy

“Xăng giảm giá, tôi nghĩ các hãng taxi cũng nên giảm giá cho khách hàng, không giảm cũng phải chịu thôi, nếu giảm thì tốt hơn” - anh Nguyễn Văn Khải ở phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội nói.

Đại diện một doanh nghiệp taxi cho rằng, việc giảm giá cước vận tải còn phụ thuộc vào những yếu tố khác ngoài giá xăng. Mặt khác, từ đầu năm đến nay, giá xăng đã trải qua 20 đợt điều chỉnh, trong đó 6 lần tăng giá, 2 lần giảm và 12 lần giữ ổn định. Tổng cộng, giá xăng đã tăng thêm hơn 1.000 đồng mỗi lít so với đầu năm.

“Ngày trước thì bảo xăng hạ thì giá hạ, xăng lên thì giá lên, nhưng bây giờ khó lắm. Trước đây lên xuống còn có thông báo, bây giờ thì vài hôm lại thấy lên, một vài tuần, một tháng lại thấy xuống. Ô tô mỗi lần điều chỉnh đồng hồ lại phải mất tiền, mất thời gian, mà có phải đến là làm được ngay đâu” - đại diện một doanh nghiệp taxi cho biết.

Ông Nguyễn Tiến Thỏa, nguyên Cục trưởng Cục quản lý giá, Bộ Tài chính cho rằng, lý do mà doanh nghiệp vận tải đưa ra là giá xăng không ổn định để biện minh cho việc không giảm giá cước là không đúng, bởi giá xăng tăng hay giảm phụ thuộc vào thị trường thế giới. Hiện nay, công tác quản lý Nhà nước về vấn đề này chưa chặt chẽ, khiến các doanh nghiệp lợi dụng cơ chế thị trường để trục lợi.

“Cơ quan quản lý Nhà nước nước cần có quy định để mà định hướng, khuyến cáo doanh nghiệp khi có sự giảm giá nguyên liệu đầu vào quan trọng như vậy, doanh nghiệp phải có trách nhiệm xã hội, điều chỉnh giá. Hiện nay nhiều doanh nghiệp lợi dụng việc không kiểm tra, kiểm soát để trục lợi như vậy, tôi cho rằng không hợp lý” - ông Nguyễn Tiến Thỏa nói.

Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, với mức giá xăng như hiện tại, giá cước taxi phải giảm từ 700 - 900 đồng/km là hợp lý do chi phí cho giá xăng dầu hiện nay với taxi chiếm 45 - 50%. Những nguyên nhân được các chuyên gia chỉ ra là: sự vào cuộc chưa thật sự quyết liệt của cơ quan chức năng, môi trường kinh doanh hiện nay chưa thật sự cạnh tranh, phản ứng từ phía người tiêu dùng và các phương tiện thông tin đại chúng chưa đủ mạnh, dẫn đến việc “chậm” giảm giá của các hãng vận tải, taxi.

Theo VOV

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giá cước vận tải container tăng vọt do lo ngại căng thẳng Biển Đỏ kéo dài

Các quan chức trong ngành vận tải hôm 12/1 cho biết giá cước vận chuyển container cho các tuyến đường toàn cầu quan trọng đã tăng vọt trong tuần này, khi các cuộc không kích của Mỹ và Anh vào Yemen làm dấy lên lo ngại về sự gián đoạn kéo dài đối với thương mại toàn cầu ở Biển Đỏ - một trong những tuyến đường bận rộn nhất thế giới.

Giá cước vận tải container tăng vọt do lo ngại căng thẳng Biển Đỏ kéo dài

TIN MỚI

Return to top