ClockThứ Sáu, 31/10/2014 04:26

Giá xăng giảm, giá hàng hóa không xuống

TTH - Trước đây, sau mỗi lần xăng dầu tăng giá, lập tức nhiều mặt hàng thiết yếu cũng “chạy đua” tăng giá gây khó khăn cho người tiêu dùng. Thế nhưng, sau 8 lần giảm giá xăng dầu trong vòng hai tháng qua, đến nay nhiều sản phẩm- dịch vụ vận tải vẫn giữ nguyên mức giá cũ.

Mức giá cũ

Sau lần tăng giá xăng dầu vào ngày 7-7 thêm 410đ/lít, nâng mức giá xăng A92 lên 25.640đ/lít. Đến ngày 23-10, trải qua 8 lần giảm giá, giá xăng A92 còn 22.340đ, giảm 3.300đ/lít, các loại dầu cũng được điều chỉnh. Người tiêu dùng chờ đợi các mặt hàng thiết yếu rồi đây cũng sẽ giảm theo xăng, nhưng trên thực tế giá vẫn không hề giảm, thậm chí nhiều sản phẩm thiết yếu như rau củ quả, hàng tiêu dùng còn có chiều hướng tăng giá.

Người tiêu dùng bức xúc khi giá cả nhiều mặt hàng vẫn tăng sau khi giá xăng dầu giảm mạnh

Tại chợ Đông Ba, những ngày cuối tháng 10, do thời tiết thuận lợi nên số lượng khách đến mua sắm tại chợ khá đông, trong đó khách du lịch chiếm trên 20%. Qua khảo sát giá cả một số mặt hàng thiết yếu trên địa bàn chợ thì được biết, gần như không có sản phẩm nào giảm giá theo xăng dầu, nếu có là do đang vào vụ mùa nên hàng nhiều, giá rẻ. Hiện, giá sản phẩm dầu ăn hiệu cooking Tường An 5l giá 165.000đ/bình, bột giặt Tide 4,5kg giá 120.000đ/bịch, sữa bột Grow Plus 900g 195.000đ/hộp, thịt bò 250.000đ/kg, cà chua 14.000đ/kg, gạo Bồ câu 130.000đ/bao 10 kg. - “Chị bán ở đây cả ngày nên không có thời gian đi lấy hàng, chủ yếu nhập các đại lý qua điện thoại. Còn giá cả thì phụ thuộc vào thị trường, trước đây mỗi lần giá xăng dầu tăng, các đại lý bỏ hàng bảo tăng giá lên vài %, có khi lên trên 10% tùy theo nhóm hàng do giá cước vận chuyển tăng; song đợt giảm giá xăng lần này thì vẫn giữ nguyên mức giá cũ, khiến nhiều người thắc mắc”, chị Dương Thị Tuyết, kinh doanh ngành hàng hóa, chợ Đông Ba nói.

Qua làm việc với Phòng Quản lý giá - công sản, Sở Tài chính thì được biết, chỉ số giá cả thị trường trong tháng 10 vẫn bằng tháng 9, trong đó gần 70 sản phẩm theo dõi giá, còn có một số mặt hàng giá tăng nhẹ như thịt gà, cá thu, thóc tăng 5000đ/kg; một số mặt hàng vận chuyển từ các tỉnh, TP khác về Huế tiêu thụ như rau củ quả, sữa bột, sữa tươi, thức ăn chăn nuôi, phân bón, hàng tiêu dùng vẫn giữ bình ổn. Riêng các loại cước taxi, ô tô liên tỉnh, cước xe buýt các DN đăng ký giá không thay đổi, trong đó cước taxi là 16.000đ/km đầu, ô tô liên tỉnh 60.000đ/ vé Huế đi Đà Nẵng và xe buýt 10.562đ/cự ly dưới 15km.

Tại hệ thống siêu thị ở Huế, bên cạnh các chương trình khuyến mãi, tặng quà đính kèm do nhà cung cấp triển khai thì dường như các sản phẩm vẫn giữ nguyên mức giá cũ. Chị Trương Thị Khôi Nguyên, phụ trách Dịch vụ khách hàng, Siêu thị Big C Huế lý giải: “Sở dĩ giá cả nhiều mặt hàng ở siêu thị không giảm theo giá xăng dầu là do các nhà cung cấp vẫn giữ nguyên giá bán, đồng thời các dịch vụ ăn theo như vận tải, bốc xếp… vẫn không giảm giá nên DN chỉ còn cách trích một phần từ nguồn quỹ bình ổn giá để đưa ra các chương trình khuyến mãi, giảm giá tạo điều kiện cho khách hàng mua sắm.” - “Khi xăng tăng, họ bảo cước vận chuyển tăng nên giá hàng hóa cũng tăng theo. Vậy mà khi xăng giảm hơn 3.000đ/lít, giá cả nhiều mặt hàng vẫn không hề giảm, người tiêu dùng chỉ có cách tiết giảm chi tiêu và lựa chọn thực phẩm rẻ cho gia đình” - chị Trần Thị Nhớ trú tại phường Phú Hậu nói.

Anh Nguyễn Duyên, Trưởng phòng Quản lý giá - công sản, Sở Tài chính cho biết: - “Ngoài một số mặt hàng nhiên liệu như điện, xăng dầu do Nhà nước điều tiết, còn lại giá cả các mặt hàng tiêu dùng hay dịch vụ vận tải tăng giảm theo thị trường nên không thể có mệnh lệnh hành chính yêu cầu giảm được mà sở chỉ quản lý giá để theo dõi và tham mưu để có kế hoạch bán hàng bình ổn giá hay hỗ trợ DN dự trữ hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong tỉnh.”

Nhiều lý do giá dịch vụ vận tải không giảm

Nếu như trước đây, mỗi lần giá xăng dầu tăng, các DN vận tải ngay lập tức lên tiếng và điều chỉnh tăng giá cước. Bởi, theo các DN này, trong hoạt động kinh doanh vận tải thì giá nhiên liệu chiếm từ 40- 50% giá thành cước vận tải nên nếu không tăng giá cước theo xăng, DN phải bù lỗ! Thế nhưng, sau nhiều lần giảm giá xăng dầu, đến nay các hãng taxi, dịch vụ vận tải vẫn chưa có động thái giảm với rất nhiều lý do. “Sở dĩ chúng tôi không giảm giá vận chuyển đối với khách vì mặc dù giá xăng dầu giảm nhưng giá các dịch vụ bến bãi lương tài xế vẫn giữ mức giá cũ, thậm chí đang có xu hướng tăng. Mặt khác, hiện tình trạng xe cóc bến dù xuất hiện ngày càng nhiều, trong khi lượng khách đi xe ở các bến xe ít dần do có nhiều phương tiện vận tải ra đời nên DN gặp nhiều khó khăn” - Chủ nhiệm HTX Ô tô Huế Trần Sỹ Cuộc lý giải. 

Công ty TNHH MTV Mai Linh Huế với 160 đầu xe cũng mới có động thái giảm 10% giá cước vận chuyển đối với khách hàng sử dụng dịch vụ taxi theo tuyến chứ chưa giảm giá cước đối với khách đi theo km đồng hồ. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, giám đốc công ty, ông Đoàn Văn Quang cho biết: “Mai Linh Huế hoạt động dưới sự điều hành của Tập đoàn Mai Linh chứ không thể tự quyết định việc tăng giảm giá cước. Hơn nữa, mỗi lần điều chỉnh giá cước, cho dù là tăng hay giảm phải qua nhiều thủ tục, công đoạn như sự chỉ đạo của tập đoàn, sự đồng ý của Sở Giao thông - Vận tải; lập trình đồng hồ, kiểm định đồng hồ, dán tem, niêm chì, thay đổi lô gô, đề can... và thậm chí là phải cho dừng xe để kiểm định.”

Ông Nguyễn Thanh, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (BVQLNTD) tỉnh cho biết: “Tình hình giá cả thị trường đang diễn biến phức tạp, trong đó mặc dù giá xăng dầu giảm song nhiều mặt hàng vẫn giữ nguyên mức giá cũ là thiếu công bằng với NTD. Đây là vấn đề ảnh hưởng đến quyền lợi NTD song do hội quá ít người, toàn cán bộ kiêm nhiệm nên khi có đơn phản ảnh của NTD, chúng tôi mới cử cán bộ khảo sát và xử lý; còn lực lượng quản lý thị trường chỉ có chức năng kiểm tra, giám sát và xử lý các trường hợp vi phạm về niêm yết giá, gian lận thương mại chứ không có thẩm quyền trong việc xử lý việc điều tiết giá trên thị trường”. 

Xăng dầu được xem là một trong những mặt hàng chủ lực song hành cùng đời sống hằng ngày của người dân nên cứ sau mỗi lần tăng giá, người tiêu dùng lại hoang mang lo lắng và sau khi giá xăng dầu giảm, người dân trông chờ giá hàng hóa giảm theo. Song, vấn đề này xem ra quá khó khi mà giá cả các mặt hàng trên thị trường chủ yếu do tư thương quyết định và chưa có cơ quan chức năng nào đứng ra quản lý hoạt động này!

Bài, ảnh: Thanh Hương
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh vàng

Trước những chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các đơn vị liên quan đã có nhiều hoạt động phối hợp tăng cường kiểm tra các cửa hàng, doanh nghiệp kinh doanh vàng. Theo đó, chênh lệch giữa giá vàng thế giới và trong nước đã dần thu hẹp.

Tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh vàng
Hoãn đấu thầu vàng: Doanh nghiệp không mặn mà hay đang 'nghe ngóng'?

Do không có đủ số lượng thành viên đăng ký dự thầu và chuyển tiền đặt cọc đúng quy định nên Ngân hàng Nhà nước đã hủy thông báo đấu thầu vàng vào 10h sáng nay (ngày 22/4); đồng thời, công bố sẽ triển khai đấu thầu vàng miếng vào sáng mai, thứ Ba, 23/4.

Hoãn đấu thầu vàng Doanh nghiệp không mặn mà hay đang nghe ngóng

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top