ClockThứ Hai, 23/05/2022 07:00

Giải pháp tận gốc cho rác thải

Cuối tuần qua, một loạt sự kiện liên quan đến giải pháp xử lý rác thải đã diễn ra ở Huế. Khởi đầu là chương trình làm việc của lãnh đạo tỉnh với đoàn công tác của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (WWF).Thông điệp tốt đẹp tại buổi làm việc là WWF cho rằng, Huế là thành phố hình mẫu trong quản lý rác thải. Trong khi lãnh đạo tỉnh kỳ vọng, sự hợp tác - thông qua các dự án - sẽ thay đổi tận gốc, chuẩn hóa quy trình xử lý rác tại Huế. Câu chuyện về triển vọng hợp tác này cũng là cơ hội để nhìn nhận sâu hơn bài toán xử lý rác thải ở Huế.

Với quyết tâm xây dựng Huế thành đô thị sáng - xanh - sạch, không ít mô hình xử lý rác thải đã được triển khai. Nhỏ là các tiểu dự án như thu gom pin đã sử dụng được triển khai ở một vài khu chung cư; phân loại rác tại các tổ dân phố. Hay mô hình đổi rác lấy cây xanh, làm phân vi sinh từ hộ gia đình; thu gom và bán rác thải nhựa gây quỹ của các cấp hội phụ nữ... Lớn hơn là phong trào Ngày Chủ nhật xanh được triển khai, lan tỏa trên diện rộng với mục tiêu thay đổi nhận thức và hành động về bảo vệ môi trường trong người dân và các cấp. Từ thực tiễn, một vài mô hình về tái sử dụng rác cũng đã manh nha, hình thành...

Nhiều mô hình, nhiều biện pháp truyền thông, nhưng sâu xa, giải quyết vấn đề rác thải ở Huế đến nay vẫn đang loay hoay ở phần ngọn. Không ít mô hình, dù rất hay nhưng chỉ phát huy hiệu quả khi có “bầu sữa” dự án. Khi hết được tài trợ kinh phí, hỗ trợ nhân lực từ dự án, các mô hình cũng khó lòng duy trì. Ngay phong trào Ngày Chủ nhật xanh, dù đã có sức lan tỏa nhưng nếu không được thường xuyên khuấy động, nhắc nhở, đôn đốc... thì cũng khó giữ lửa.  

Một cơ hội không nhỏ là hiện nay, từ tài trợ của Na Uy, Huế đang được thụ hưởng dự án để trở thành đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam. Mục tiêu dự án hướng tới là hỗ trợ TP. Huế bảo vệ các dòng sông; hệ sinh thái các vùng đất ngập nước, ven biển không bị ô nhiễm rác thải nhựa để đến năm 2024, Huế trở thành đô thị giảm nhựa với 70% chất thải rắn được phân loại tại nguồn, thu gom và xử lý, đồng thời rác tái chế từ bãi chôn lấp được đẩy mạnh thu hồi. Chắc chắn, từ dự án, Huế sẽ được thụ hưởng sự hỗ trợ về chuyển giao công nghệ trong phân loại rác tại nguồn, thu gom, xử lý, tái chế... Trước mắt, trong khuôn khổ dự án, 468 thùng lưu chứa rác để triển khai, thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn TP. Huế vừa được trao. 

Cơ hội đã rõ. Vấn đề là tỉnh, thành phố sẽ tận dụng dự án “mồi” này như thế nào để có chiến lược, quyết sách lâu dài, bền vững về ngân sách, con người, cơ chế hỗ trợ, kêu gọi đầu tư... cho bài toán giải quyết rác thải tận gốc. Đây là bài toán đòi hỏi chuỗi giải pháp đồng bộ, rộng khắp, chuyên sâu - từ phân loại rác tại nguồn đến thu gom, xử lý, tái chế - chắc chắn tốn kém ngân sách và đầu tư nhân lực.

Với tài nguyên di sản, cảnh quan và môi trường như Thừa Thiên Huế, giải quyết rác thải tận gốc chính là giải pháp bảo vệ sự trong lành cho các dòng sông, các bãi biển trải dài và hệ đầm phá lớn nhất Đông Nam Á. Bảo vệ sự trong lành của những môi sinh này trước sự xâm lăng của rác thải chính là bảo vệ sức khỏe và sinh kế lâu dài cho người dân cũng như sự phát triển, thịnh vượng bền vững của địa phương. Kể cả việc tính đến lộ trình tạo nguồn thu như thế nào từ rác khi tại không ít quốc gia, người ta có thể làm giàu từ hoạt động tái chế rác.

KIM OANH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khánh thành Nhà máy Điện rác Phú Sơn

Chiều 6/4, Nhà máy Điện rác Phú Sơn tổ chức lễ khánh thành đi vào hoạt động. Tham dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung; cùng đại diện các bộ, ban ngành Trung ương. Về phía tỉnh có ông Lê Trường Lưu, UV Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND, Trường đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; ông Nguyễn Văn Phương, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh và các huyện, thị xã..

Khánh thành Nhà máy Điện rác Phú Sơn
Giải pháp thực hiện bền vững chính sách tiền lương mới

Chính sách tiền lương là một chính sách đặc biệt quan trọng của hệ thống chính sách kinh tế-xã hội; liên quan trực tiếp các cân đối lớn của nền kinh tế, thị trường lao động và đời sống người hưởng lương. Ðây là nguồn lực, là động lực thúc đẩy sự phát triển của đất nước, góp phần xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, trong sạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Giải pháp thực hiện bền vững chính sách tiền lương mới
Tập huấn tái chế rác thải nhựa

Hoạt động trên được Hội LHPN TP. Huế phối hợp với Hội LHPN tỉnh tổ chức ngày 27/3 nhằm phát huy vai trò của phụ nữ trong việc chung tay bảo vệ môi trường, giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa.

Tập huấn tái chế rác thải nhựa

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top