ClockThứ Bảy, 21/10/2023 07:14

An toàn, chất lượng cho bữa ăn học sinh

TTH - Ngoài việc học, bữa ăn bán trú tại trường là điều được nhiều phụ huynh quan tâm với mong muốn con được ăn no, đủ chất và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP).

Từ “mo cơm”, mơ về bữa ăn bán trúÐảm bảo bữa ăn an toàn cho học sinh bán trúKhông dễ có bữa ăn bán trú ở vùng cao

 Các quy trình nấu ăn được các trường đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm

Kiểm tra chặt ATVSTP

Chưa đến 7h sáng, nhà bếp Trường tiểu học (TH) Trần Quốc Toản, TP. Huế đã bắt đầu rộn ràng với công đoạn tiếp phẩm chuẩn bị cho bữa ăn trưa của học sinh. Ngoài 16 nhân viên cấp dưỡng, việc tiếp phẩm còn có sự giám sát của cán bộ quản lý bán trú, nhân viên y tế, kế toán và hiệu trưởng. Thực đơn hôm ấy của học sinh gồm có chả cá rim, rau củ xào thịt bò và canh bí đao. Sau khi kiểm tra thực phẩm bảo đảm tươi ngon, an toàn, thực phẩm được nhân viên cấp dưỡng tiếp nhận và đưa vào sơ chế.

Nhà bếp của trường khá rộng rãi, sạch sẽ. Dụng cụ nấu bếp, xoong chảo đều bằng inox sáng bóng. Khay ăn, muỗng của học sinh đều được hấp sấy tiệt trùng. Các khâu sơ chế, chế biến được các cấp dưỡng tiến hành kỹ lưỡng, từ ngâm rửa đến nấu nướng đảm bảo quy trình ATVSTP.

Bếp trưởng Trịnh Thị Thảo cho hay, mỗi bữa nấu cho khoảng 700 em học sinh, số lượng lớn nên chúng tôi luôn cẩn thận, từ trước đến nay chưa xảy ra sai sót. Thịt, rau đều được ngâm nước muối, rửa sạch. Mỗi bữa đều có món mặn, món rau và canh, các món ăn cũng được thay đổi liên tục, lúc thì thịt, khi thì cá, tôm, trứng… để vừa đảm bảo dinh dưỡng, vừa đỡ ngán. 

Trường TH Quang Trung, TP. Huế là một trong những đơn vị có số học sinh bán trú rất đông. Toàn trường có hơn 1.500 học sinh thì có hơn 1.300 học sinh đăng ký bán trú. Vì thế, việc chuẩn bị bữa cơm bán trú cho học sinh được nhà trường tiến hành chặt chẽ. Năm nay, nhà trường cũng đầu tư hệ thống bếp mới với trang, thiết bị, cơ sở vật chất đảm bảo tiêu chuẩn.

Ông Nguyễn Thế Sinh, Hiệu trưởng Trường TH Quang Trung cho biết, nấu ăn cho cả ngàn học sinh nên khâu ATVSTP không được để xảy ra sơ suất. Vì thế, hàng ngày, nhà trường luôn giám sát chặt chẽ tất cả các quy trình, việc tiếp phẩm, sơ chế, chế biến luôn được tiến hành cẩn thận. Thực đơn bữa ăn cũng được thay đổi hàng ngày, đảm bảo cả về lượng và chất để đảm bảo sức khỏe cho học sinh. Nhà trường cũng quán triệt giáo viên chủ nhiệm thường xuyên nhắc nhở các em rửa tay trước khi ăn, điều này rất quan trọng.

Đảm bảo đủ chất và lượng

Anh Nguyễn Xuân Duyên, một phụ huynh có con học lớp 2, Trường TH Trần Quốc Toản cho hay, thầy Hiệu trưởng và ban giám hiệu nhà trường rất quan tâm bữa ăn của học sinh, nhất là khâu ATVSTP. Vào các buổi trưa, đích thân thầy Hiệu trưởng chụp ảnh suất ăn và gửi vào nhóm zalo phụ huynh. Thời gian đầu, thực đơn chưa được phong phú nhưng sau khi phụ huynh góp ý, nhà trường đã điều chỉnh. Theo tôi, suất ăn bán trú ở trường như vậy là đảm bảo cả về chất và lượng, giá cả cũng hợp lý.

Theo Hiệu trưởng Trường TH Trần Quốc Toản Dương Quang Nam, bữa ăn bán trú của học sinh luôn có sự thống nhất giữa nhà trường và phụ huynh trong phiên họp đầu năm với hội cha mẹ học sinh. Ông nói: “Mọi thứ đều được công khai, minh bạch để phụ huynh yên tâm. Suất ăn của các em mỗi ngày là 26.500 đồng và đảm bảo ăn đủ, kể cả bữa lỡ. Mỗi ngày, tôi đều đến nhà bếp kiểm tra, chụp ảnh suất ăn gửi cho nhóm Hội cha mẹ học sinh để họ theo dõi, góp ý. Hàng ngày, trước 8h sáng, nhà trường nắm số lượng, em nào ốm nhẹ, đau răng không ăn cơm được, nhà bếp nấu cháo, phục vụ chu đáo cho học sinh. Thực đơn luôn cân bằng giữa các món ăn, thay đổi món ăn thường xuyên”.

Một suất ăn ở các trường tiểu học thường dao động từ 25.000-27.000 đồng, tính cả chi phí tiền ga. Mỗi ngày, ngoài bữa chính, học sinh còn được ăn bữa phụ và uống sữa. Theo các mẹ tính toán, một suất ăn gồm có món mặn, rau củ và canh thì giá cả như vậy là hợp lý. Thực đơn ở các trường cũng được thay đổi phong phú, đảm bảo cả về lượng và chất. Ở Trường TH Quang Trung, nhà trường đã xây dựng thực đơn gồm nhiều món, 2 tuần mới lặp lại 1 lần, trong đó chú ý cân đối các món để đảm bảo dinh dưỡng.

Việc triển khai bán trú được các trường thực hiện chặt chẽ để đảm bảo ATVSTP. Đầu tiên là lựa chọn nhà cung cấp thực phẩm đảm bảo an toàn, hàng phải tươi sống, không dùng hàng đông lạnh. Theo hợp đồng với nhà trường, đơn vị cung cấp phải cam kết nguồn thực phẩm đảm bảo chất lượng, an toàn. Hàng năm, nhà trường khám sức khỏe, tập huấn cho nhân viên cấp dưỡng về ATVSTP. Hàng ngày, y tế nhà trường cũng thường xuyên kiểm tra khâu vệ sinh nhà bếp, nhắc nhở nhân viên cấp dưỡng mang khẩu trang, giữ gìn vệ sinh, làm đúng các quy trình của bếp ăn. Mẫu thức ăn trong ngày đều được lưu lại niêm phong phòng khi xảy ra sự cố. Nhờ các trường luôn kiểm tra chặt chẽ nên chưa xảy ra các sự cố nghiêm trọng liên quan đến nhiễm khuẩn, ngộ độc thực phẩm.

Bài, ảnh: MINH HIỀN
ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giáo dục pháp luật cho học sinh qua phiên tòa thực tế

Nhằm nâng cao kiến thức về pháp luật cho học sinh, chiều 6/12, Trường THPT Nguyễn Huệ tổ chức cho học sinh tham dự một phiên tòa xét xử thực tế tại Tòa án Nhân dân TP. Huế. Đây là một hoạt động bổ ích nhằm nâng cao hiểu biết pháp luật và ý thức trách nhiệm của học sinh trong cuộc sống.

Giáo dục pháp luật cho học sinh qua phiên tòa thực tế
Tiếp sức cho học sinh, sinh viên đến trường

Nguồn vốn tín dụng từ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Phú Lộc đã hỗ trợ cho nhiều học sinh, sinh viên (HSSV) có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục theo đuổi ước mơ học tập, kiến tạo tương lai.

Tiếp sức cho học sinh, sinh viên đến trường

TIN MỚI

Return to top