ClockThứ Hai, 30/09/2024 05:47

Bạn bè một thuở

TTH - Huế sáng nay vui hẳn. Là điểm hẹn gặp gỡ của lớp Văn K4 và Sử K4 niên khóa 1980-1984, Trường đại học Tổng hợp Huế (nay là Trường đại học Khoa học Huế) sau 40 năm xa cách. Cuộc gặp mặt đầy xúc động. Đa số các bạn đều trẻ trung hơn về tâm hồn và phong cách so với tuổi trên 60. Có những người xa nhau biền biệt cả 40 năm, nay gặp lại đầy cảm động.

Phát động Chiến dịch “Tôi yêu Thừa Thiên Huế năm 2024”Trao hơn 420 triệu đồng học bổng cho tân sinh viênỨng dụng công nghệ xanh để phát triển bền vững

 Lớp Sử K4 và thầy cô giáo cũ

Năm 1980, chúng tôi thi đậu vào Trường đại học Tổng hợp Huế, lòng đầy tự hào, kiêu hãnh. Ngày ấy, hai lớp Văn, Sử cùng chung một khoa Văn - Sử. Sinh viên rất hiếm. Mỗi khóa chỉ có một lớp. Lớp Sử có 21 bạn. Lớp Văn có 25 bạn. Học chung nhau một vách tường, ở chung ký túc xá, nên sinh viên thân thiết, yêu thương nhau. Sau 4 năm học, mọi người bồi hồi chia tay nhau, đi khắp nơi trên đất nước để thực hiện ước mơ của mình. Ngày còn sinh viên, các bạn chơi cũng nhiều, nhưng học nghiêm chỉnh, kiến thức vững, nên đa số thành đạt trong công tác. Có bạn làm lãnh đạo tỉnh. Giờ gặp lại trong tâm trạng những người con xa nhà trở về. Những cái ôm thật chặt, những ánh mắt yêu thương không nói hết cảm xúc ngày gặp mặt. 

40 năm trôi qua, dẫu có những thay đổi về hình thức, nhưng đa số các bạn vẫn nhận ra nhau. Bởi họ luôn nghĩ về nhau, nhớ nhau và mong ngày gặp lại. Về lại mái trường xưa, thăm lại thầy cô, nắm chặt tay nhau, mắt ai cũng rưng rưng. Bao kỷ niệm xưa lần lượt trở về. Ngày ấy, còn bao cấp, sinh viên sống rất khó khăn. Thịt, cá trong bữa ăn là chuyện hiếm. Đa số ăn cơm với “canh toàn quốc”. Bữa nào cũng ăn đói. Có bạn chỉ có một bộ áo quần, mặc chung với các bạn trong phòng, nhưng họ sống vô tư, luôn đầy ắp niềm vui. Các mối tình sinh viên trong lớp và giữa hai lớp đều nên duyên vợ chồng. Các bạn sống với nhau hạnh phúc. Giờ đưa nhau về gặp mặt, họ vẫn thể hiện tình yêu thương nhau như ngày đầu.

40 năm trước, các cô, cậu sinh viên mới 18 tuổi. Cuộc đời còn nhiều ước mơ, hoài bão và những bồng bột, dại dột đáng yêu. Giờ về thăm lại mái trường xưa, mọi người bồi hồi thương nhớ vì không còn gặp lại một số thầy và các bạn sinh viên giờ đã trở thành người thiên cổ. Thầy Thảng, thầy Việt (Khoa Văn), thầy Liễn, thầy Thịnh (Khoa Sử)... là những thầy có chuyên môn vững vàng và luôn yêu quý học trò, đã  ra đi vì tuổi già, vì bạo bệnh, để lại trong lòng sinh viên niềm tiếc thương sâu sắc. Bạn Phê, bạn Giang là những người lính từ chiến trường chống Mỹ trở về cùng bạn Cung, bạn Đông, sinh viên lớp Sử K4 bị bạo bệnh, từ giã cõi đời rất sớm.

Đằng đẵng 40 năm, giờ gặp lại. Người còn, người mất. Người ở lại lòng tê buốt, nhớ thương. Lớp Sử gặp mặt thầy, cô giáo đã dạy dỗ. Một buổi gặp đầy xúc động. Các thầy, cô tuổi đã cao, nhưng khi nhận tin vui ngày gặp mặt, đều đến đông đủ. Những mái tóc  xanh xưa kia, giờ nhường chỗ cho những mái đầu bạc trắng. Giờ bụi phấn không còn rơi trên mái tóc thầy cô, nhưng mãi in đậm trong trái tim thầy cô và học trò. Có những thầy, cô như cô Tân, sau  40 năm mới gặp lại sinh viên, vẫn nhớ tên, nhớ mặt từng người. Cô bảo: “Sinh viên ngày ấy quá hiếm. Lại học hành cũng rất nghiêm chỉnh. Các em luôn để lại ấn tượng tốt trong lòng thầy cô”. Thầy, cô vui vì sự trưởng thành, thành đạt của mỗi học trò. Học trò cũ nhìn thầy cô với sự biết ơn sâu sắc. Giờ chia tay, cả thầy cô đều bịn rịn.

Trường giờ xây dựng đẹp và hiện đại hơn xưa. Hàng cây bàng trồng ở cư xá đã lớn lên theo năm tháng. Cư xá xưa giờ không còn nữa, nhường chỗ cho những phòng học tiện nghi, hiện đại. Các bạn tìm lại dấu tích xưa. Cứ tiếc hoài kỷ niệm đẹp ở đây 40 năm về trước. “Tìm lại căn phòng các bạn nữ. Ngày trước bọn mình đói quá, cứ tối lại đến níu cửa sổ phòng các bạn nữ xin chút chi nhét vô bụng”. Các bạn nam vừa nói vừa cười mà nước mắt ngân ngấn. Tìm lại phòng y tế xưa, với chị y tá tên Dâu, anh y sĩ tên Nhỏ. Đau những bệnh thông thường, lên khám là chị Dâu cho thuốc xuyên tâm liên, nên sinh viên cả trường gọi chị ấy là chị xuyên tâm liên! Ra cổng trường, các bạn nam lại hồi tưởng nhớ quán bà Gái, bà Hoa. Nơi một thời họ đã cầm cố tài sản. Chỉ là cái áo lạnh, chiếc quần dài, chăn, màn, bất cứ thứ gì dùng được để cứu cánh cho những bữa đói. Chao ôi! Thuở đi học xa nhà. Đang tuổi ăn, tuổi lớn. Ăn bao nhiêu cũng thấy đói. Cầm đồ rồi thì mặc chung áo, quần với bạn. Đêm ngủ đắp chung chăn với bạn. Nên tình bạn càng keo sơn! “Nhờ vậy, mà tau với mi thân thiết nhau đến tận bây giờ”. Nhìn bạn Dũng và bạn Nam cười nói với nhau, ai cũng thấy lòng mình ấm áp.

Huế những ngày gặp mặt nhiệt độ cao, không khí oi nóng. Đi chơi nhiều nhưng các bạn không mệt so với tuổi. Vẫn nhí nhố, xưng hô mi, tau thân thiết như thời sinh viên. Các bà nội, bà ngoại diện áo dài tím Huế, trông cứ như thiếu nữ. Các bạn nam áo phông, quần tây nhìn cũng phong độ không kém. Đại Nội, Rú Chá, đầm phá Tam Giang... lại in đậm dấu chân, kỷ niệm của cựu sinh viên hai lớp Văn, Sử, khoa Văn - Sử , Trường đại học Tổng hợp Huế. “Huế là ma lực, ở thì thương, đi thì nhớ. Hầu hết những người không phải quê, không sinh ra ở Huế, nhưng khi đến học ở đây, khi ra trường đều nhớ không nguôi, quay lại thăm Huế” - nhiều bạn nói với nhau như thế.

40 năm chờ đợi, chỉ gặp mặt được hai ngày rồi vội vã chia tay. Ai cũng về nhà vì còn trông cháu nội, cháu ngoại. Tạm biệt Huế thương! Mỗi người ra về, mang trong lòng tình cảm sâu đậm với Huế không chỉ bây giờ mà của cả 40 năm trước. Chúc nhau sức khỏe an yên để mùa sau gặp lại.

Bài, ảnh: Đinh Hoàng Xuân Hồng
ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Triển khai 932 nhiệm vụ khoa học và công nghệ đạt chất lượng cao

Sáng 21/12, Trường đại học Y - Dược, Đại học Huế (ĐHH) tổ chức hội thảo tổng kết khoa học và công nghệ (KHCN) giai đoạn 2019-2024 và xây dựng chiến lược phát triển nhiệm kỳ 2025-2030. Đến dự hội thảo có đại diện lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ, ngành liên quan và các nhà khoa học, lãnh đạo Trường đại học Y - Dược, ĐHH.

Triển khai 932 nhiệm vụ khoa học và công nghệ đạt chất lượng cao
Cơ hội và thách thức trong quản lý đô thị di sản của TP. Huế trực thuộc Trung ương

Với tính chất là đô thị di sản, trong chiến lược lâu dài, Thừa Thiên Huế sẽ được cấu trúc thành chùm đô thị đa trung tâm. Sự phát triển sẽ dựa trên các điều kiện về sự phân bổ dân số, điều kiện tự nhiên, sông ngòi, đầm phá, biển, khoáng sản…và đặc biệt các thế mạnh của tài nguyên văn hóa. Điều này cũng đặt ra nhiều cơ hội kèm thách thức một khi Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Cơ hội và thách thức trong quản lý đô thị di sản của TP Huế trực thuộc Trung ương
Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế

Con người Huế có tính cách và lối sống đặc trưng, thể hiện qua sự kín đáo, ý tứ, trầm lặng, hoài cổ, hướng nội, nền nếp gia phong… Đó là đặc trưng của gia đình truyền thống Huế. Các gia đình Huế ngày nay vẫn giữ được sâu đậm thuần phong mỹ tục, nền nếp trong quan hệ gia đình. Đó là nhận định của PGS.TS. Nguyễn Văn Mạnh - nguyên Trưởng khoa Lịch sử, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế khi bàn về gia đình truyền thống Huế trong xã hội hiện đại.

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế
Văn hóa, thể thao và du lịch năm 2024 đạt kết quả rõ nét

Sáng 18/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 của ngành văn hóa, thể thao và du lịch với chủ đề: “Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc - Động lực phát triển Đất nước trong kỷ nguyên mới – Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.

Văn hóa, thể thao và du lịch năm 2024 đạt kết quả rõ nét
Return to top