ClockThứ Năm, 07/03/2024 09:27

Cơ hội mới cho ngành Quản lý An toàn, Sức khỏe và Môi trường

TTH - Năm nay, Khoa Môi trường, Trường Đại học (ĐH) Khoa học, ĐH Huế mở ngành học mới “Quản lý An toàn, Sức khỏe và Môi trường” (Health, Safety and Environment - HSE). Đây cũng là lần đầu tiên một trường đại học ở khu vực miền Trung – Tây Nguyên có ngành đào tạo chuyên sâu về HSE.

Thêm phương thức tuyển sinh, thêm cơ hội cho thí sinh

 PGS. TS. Hoàng Công Tín chia sẻ cho các em học sinh về ngành HSE

Thiếu nhân lực ngành HSE

Theo Luật An toàn vệ sinh lao động 2015, các doanh nghiệp thi công công trình xây dựng từ 50 lao động trở lên và các lĩnh vực ngành nghề khác từ 300 lao động trở lên, phải bố trí ít nhất 1 người làm công tác an toàn, vệ sinh lao dộng theo chế độ chuyên trách. Tại nhiều công ty hiện nay cũng đã có các phòng, ban, bộ phận chuyên trách về HSE.

“Không giống như bác sĩ, y tá chăm sóc người đã bị bệnh, đã thương tật, những người hoạt động trong lĩnh vực HSE lại làm công việc giúp đỡ người lao động ngăn ngừa tai nạn và bệnh nghề nghiệp, đồng thời bảo vệ môi trường. Đó thật sự là một hành trình “an và xanh”, ThS. Nguyễn Thị Thu Hồng, Giám đốc Công ty TNHH SHE Center Việt Nam nói về vai trò của những người hoạt động trong lĩnh vực HSE. Cùng với sự “phủ sóng” của phát triển bền vững tại Việt Nam, ngành nghề HSE bền vững theo sự phát triển của doanh nghiệp, đảm bảo sự phát triển kinh tế của doanh nghiệp đi đôi với bảo vệ môi trường và an toàn của người lao động. ThS. Lê Phước Hiếu, giảng viên tại Trung tâm Đào tạo Khu Công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh cho rằng: “HSE là nghề của sự tử tế, là nhu cầu thiết thực của xã hội đương đại, bởi với HSE, bạn bảo vệ con người. Đó là tài sản lớn nhất của doanh nghiệp và toàn xã hội”.

Nền kinh tế Việt Nam đang ngày càng hội nhập mạnh mẽ cùng bạn bè quốc tế, TP. Huế cũng đang hướng đến mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, từ đó cũng thu hút nhiều đầu tư từ các tập đoàn, doanh nghiệp quốc tế. Muốn nắm lấy cơ hội hội nhập, các doanh nghiệp từ đó cũng phải chú trọng hơn đến các quy định an toàn vệ sinh lao động nhằm đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế về an toàn, sức khỏe và môi trường. Từ đó, nhu cầu việc làm ngày càng lớn.

Theo báo cáo tình hình việc làm của sinh viên giai đoạn 2018 – 2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố năm 2023, vào năm 2019 chỉ có 62,5% sinh viên ở nhóm ngành “Môi trường và Bảo vệ môi trường” có việc làm sau khi ra trường. Tuy nhiên tỷ lệ này tăng mạnh khi đạt 92,3% vào năm 2020 và 96,3% vào năm 2021. Điều này cho thấy, các doanh nghiệp ngày càng coi trọng bộ phận HSE trong quá trình vận hành và phát triển. Bên cạnh đó, HSE là bộ phận đòi hỏi nguồn nhân lực lớn tuy nhiên hiện nay, nhiều công ty vẫn đang khan hiếm nhân lực chuyên trách.

“Hiện nay, các công ty tuyển dụng nguồn lực từ các sinh viên được đào tạo về chuyên ngành môi trường hoặc các ngành kỹ thuật. Các bạn này sẽ tiếp tục được đào tạo qua các lớp nghiệp vụ về HSE để có đủ kiến thức phục vụ công việc. Tuy vậy, có nhiều doanh nghiệp phỏng vấn rất nhiều ứng viên với thời gian kéo dài nhưng cũng không tuyển được người. Nguyên nhân bởi hiện nay không nhiều trường đại học trên toàn quốc có đào tạo về HSE”, PGS. TS. Hoàng Công Tín, Trưởng Khoa Môi trường, Trường ĐH Khoa học, ĐH Huế thông tin.

Ngành học mới, cơ hội mới

Khoa Môi trường, Trường ĐH Khoa học, ĐH Huế sẽ mở ngành học mới “Quản lý An toàn, Sức khỏe và Môi trường” trong năm 2024. Theo PGS.TS. Hoàng Công Tín, ngành học ra đời để đảm bảo đào tạo được các sinh viên có thể làm việc được trong các bộ phận về HSE trong các doanh nghiệp mà không cần phải thông qua những khóa đào tạo thêm.

Với chỉ tiêu tuyển sinh 50 sinh viên, Khoa Môi trường, Trường ĐH Khoa học, ĐH Huế dự kiến cấp học bổng của khoa, trường, các tổ chức khuyến học dành cho thủ khoa đầu vào của ngành. Top 10 em có điểm cao nhất cũng sẽ có cơ chế miễn giảm học phí. Đặc biệt, Khoa Môi trường, Trường ĐH Khoa học, ĐH Huế đã ký kết với 5 doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực HSE. Các công ty này đều cam kết nhận 10 sinh viên vào làm việc mỗi năm.

“Với ngành học mới, bên cạnh những môn học cơ sở về môi trường, các em cũng được học những môn học cung cấp kiến thức ngành như: Độc học và bệnh nghề nghiệp; sự cố các công trình xây dựng; hệ thống quản lý an toàn, sức khỏe và môi trường; quan trắc môi trường lao động… Bên cạnh đó, với sự gắn kết giữa khoa và các doanh nghiệp, các em sẽ có nhiều cơ hội thực tập tại các doanh nghiệp từ lúc còn đang đi học, đồng thời được đảm bảo vị trí việc làm sau khi ra trường”, PGS.TS. Hoàng Công Tín cho biết.

Bài, ảnh: ĐĂNG TRÌNH
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đông Nam Á: Các quỹ đầu tư tìm cơ hội mới khi tương lai dự kiến tươi sáng hơn

Trong những năm gần đây, hiệu quả hoạt động của các quỹ đầu tư tư nhân và đầu tư mạo hiểm ở khu vực Đông Nam Á đã trở nên xấu đi trong bối cảnh thị trường đầy thách thức; song, tương lai được dự báo sẽ tươi sáng hơn bởi khu vực này vẫn mang đến những cơ hội đáng kể, theo 2 báo cáo vừa được công bố.

Đông Nam Á Các quỹ đầu tư tìm cơ hội mới khi tương lai dự kiến tươi sáng hơn

TIN MỚI

Return to top