Tiến sĩ Lê Nguyên Phương. Ảnh: Trọng Thủy
Và giữa tháng 9 vừa rồi, hai tập sách vinh dự đạt giải sách hay 2018 ở hạng mục sách giáo dục do Viện Giáo dục IRED - một viện nghiên cứu độc lập và phi lợi nhuận hoạt động vì một nền giáo dục khai minh bình chọn. Trong cuộc gặp gỡ mới đây, tiến sĩ (TS) Lê Nguyên Phương đã có cuộc trò chuyện với Thừa Thiên Huế Cuối tuần.
Tại sao lại là “Dạy con trong hoang mang” mà không phải là một tiêu đề khác, thưa TS?
Trong những chuyến về Việt Nam, trò chuyện với nhiều bạn bè, lắng nghe các phụ huynh trong buổi nói chuyện, quan sát các chương trình tập huấn cho phụ huynh và tham khảo các sách về giáo dục, tôi nhận thấy các phụ huynh Việt Nam đang bối rối và thậm chí lo âu tìm kiếm một phương pháp dạy con tối ưu. Tôi nghĩ mình cần phải làm gì từ kiến thức chuyên môn của mình để hỗ trợ cho những phụ huynh đang hoang mang trong mê cung lý thuyết, phương pháp, và kinh nghiệm dạy con của Việt Nam, của Tây. Một nhân duyên trực tiếp hơn có lẽ là lời yêu cầu và thuyết phục của chị Ngô Phương Thảo, Giám đốc Công ty sách Anbooks. Từ ý muốn đến hành động đôi khi cần một nhân duyên quyết định thúc đẩy tại một thời điểm chín muồi của những ý tưởng.
Tiến sĩ Lê Nguyên Phương trong một lần ra mắt sách và trò chuyện với phụ huynh ở Huế. Ảnh: P. Thành
Từ khi thai nghén cho đến khi viết, rồi đến tay độc giả chắc hẳn là một hành trình dài. Ông có thể chia sẻ độc giả về hành trình này?
Từ khi nhận lời viết cuốn sách đến khi bắt đầu viết, để rồi các chương sách cứ tiếp nối nhau xuất hiện trên màn hình máy tính, tôi đã tốn gần 9 tháng. Có nghĩa là, tôi mất 9 tháng để thử nghiệm, nhưng sau đó thật ra tôi chỉ mất 1 tháng rưỡi để hoàn tất cuốn “Dạy con trong hoang mang 1”. Khi đã vượt qua được cái ngưỡng, cái nút chặn 9 tháng đó thì sau đó tôi mất 1 đến 2 ngày cho một chương sách. Thời gian đó là để tìm các nghiên cứu về chủ đề cũng như hệ thống hóa những gì mình đã suy nghĩ về đề tài của chương sách, và để nhập vào một trạng thái tâm lý nào đó để tìm ra giọng điệu của mình.
Cái khó cho một người hoạt động chuyên môn khi viết loại sách này là tìm được một giọng văn và hàm lượng kiến thức phù hợp cho quảng đại quần chúng, nhưng vẫn giữ được nội dung học thuật và tư tưởng của mình. Có lẽ cản trở lớn nhất là cái “superego” (siêu ngã) của mình cứ chằm chằm nhìn vào những gì mình viết rồi tự phê bình chỉ trích, sợ một công chúng giả tưởng nào đấy sẽ chê cuốn sách của mình.
Tôi tin một tác phẩm viết trong trạng thái nhất tâm, viết như trải lòng mình ra, chân thật với người đọc, không cốt để gây ấn tượng gì với ai cả, mới có tác dụng chuyển hóa không chính cho cả người đọc mà còn cả người viết.
Mỗi câu chuyện trong tập sách đều mang đến một thông điệp cho các bậc phụ huynh. Nhưng nếu nói một thông điệp tổng thể thì đó là gì, thưa ông?
Chúng ta bối rối hoang mang bởi vì có quá nhiều thông tin nhiễu, từ sách báo lẫn chuyên gia thật giả khó phân
|
Thông điệp tổng thể là “chuyển hóa chính mình để giáo dục con cái.” Chuyển hóa để đừng dạy con theo phản xạ suy nghĩ và cảm xúc bất thiện đã được điều kiện hóa bởi những trải nghiệm mà mình đã không tỉnh thức trong quá khứ. Không tách rời khỏi thông điệp chính đó chính là những giá trị phổ quát thiết yếu của nhân loại, vốn là kết quả của sự tỉnh thức trong đời sống. Và, chỉ bằng sự tỉnh thức này, cha mẹ sẽ tìm thấy nguồn nội lực để dạy con, để cho con những giá trị sống, một cách nhẹ nhàng và bình an.
Ông có thể nói rõ hơn?
Muốn việc giáo dục con cái trở nên nhẹ nhàng và hiệu quả hơn, cha mẹ cần bình an và tỉnh thức. Muốn bình an và tỉnh thức, cha mẹ phải hóa giải những khổ đau, thành kiến, sợ hãi, tham lam, mặc cảm... đã tích lũy suốt cả cuộc đời. Muốn hóa giải được những điều này cần phải nghĩ mình sẽ chuyển hóa chính mình.
Dạy con ngày nay có khó hơn ngày trước không, thưa ông?
Không phải khó mà là quá khó. Cha mẹ hiện phải đối diện với những giá trị của dân tộc cũng như những giá trị phổ quát thiết yếu của nhân loại nên khó phân loại cái nào tốt cái xấu, cái nào phù hợp cái nào không. Chúng ta bối rối hoang mang bởi vì có quá nhiều thông tin nhiễu, từ sách báo lẫn chuyên gia thật giả khó phân. Rồi vì mới thoát cảnh đói nghèo, chúng ta không khỏi thèm muốn những tiện nghi vật chất, công nghệ...
Trải nghiệm kỹ năng sống ở Nông trại giáo dục Hoa Sen. Ảnh: Quốc Nhật
Chúng ta mong con cái thông minh hơn, tài giỏi hơn, giàu có hơn. Sự mong ước đó vốn không xấu, nhưng cái xấu nằm ở chỗ chúng ta đã lẫn lộn những cái đó là thành công và hạnh phúc, và chúng ta lại hy sinh hạnh phúc và bản sắc của con cái cho dục vọng của mình, cái dục vọng vốn xuất phát tự những mặc cảm của chính mình.
Vậy, ông có thể chia sẻ phương pháp để tránh những sai lầm đó?
Tôi chẳng đề cao một phương pháp nào cả vì tôi không tin một loại thuốc có thể chữa bá bệnh. Tôi chỉ đề cao một định hướng và từ đó sẽ dẫn tới một hành động, đó là mỗi phụ huynh cần phải hóa giải những nội kết của mình để thực sự sống trong bình an và tỉnh thức. Rồi từ đó họ sẽ biết phương pháp nào là phù hợp, là hữu hiện đối với từng đứa con của mình. Tôi tin mỗi phụ huynh Việt Nam, dù họ không có học vấn cao, không giàu có, chỉ cần họ yêu con, có tâm tốt họ sẽ nuôi dạy con tốt.
Ông có lời khuyên nào cho những người chuẩn bị hành trình nuôi dạy con?
Thay vì dạy con vì những tập quán bất thiện và vô minh, chúng ta hãy dạy con trong tỉnh thức và bình an. Nói theo kiểu Huế mình thì, “con vô dạ, mạ đi tu.” Nói theo Phật giáo là chúng ta hãy chuyển nghiệp thành nguyện. Thay vì dạy con trong sân hận, chúng ta sẽ dạy con trong từ bi. Thay vì dạy con trong tham lam, chúng ta sẽ dạy con trong hỉ xả. Thay vì dạy con trong vô minh, chúng ta sẽ dạy con bằng trí tuệ.
TS. Lê Nguyên Phương nhận bằng thạc sĩ tâm lý giáo dục và chứng chỉ hành nghề tâm lý học đường tại Đại học California State Long Beach và bằng TS. lãnh đạo giáo dục chuyên ngành tâm lý giáo dục tại University of Southern California (USC). Ông đã hoàn tất chứng chỉ thực hành điều trị tâm lý bằng liệu pháp chánh niệm nhận thức và chứng chỉ cao cấp liệu pháp thân nghiệm. Ông từng là chuyên gia tâm lý học đường của Học khu Long Beach và giảng viên của chương trình cao học bộ môn tâm lý học đường tại Đại học Chapman. Ông cũng là chuyên gia Fulbright của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và là người sáng lập tổ chức Liên hiệp Phát triển tâm lý học đường tại Việt Nam (năm 2009).
|
PHAN THÀNH (thực hiện)