ClockThứ Tư, 29/05/2024 17:44

Giáo dục đại học tham gia thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

TTH - Lâu nay, khi nói về cơ sở giáo dục đại học, thường chỉ nhấn mạnh là nơi cung cấp nguồn nhân lực có chuyên môn cho đất nước, khu vực và các địa phương. Hiện nay, vai trò của giáo dục đại học được thể hiện trên nhiều hơn khía cạnh của đời sống, đặc biệt là đóng góp cụ thể cho sự phát triển kinh tế - xã hội.

Tổ chức ôn thi tốt nghiệp THPT phù hợp đối tượng học sinhNgành giáo dục có vai trò quan trọng trong quá trình xây dựng, phát triển Thừa Thiên HuếNghiên cứu và giáo dục di sản tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế

 Đánh giá tính hiệu quả của mô hình trồng sắn có khả năng kháng bệnh khảm lá do Trường đại học Nông Lâm triển khai

Thúc đẩy ngành nông nghiệp hữu cơ

Mới đây, Trường đại học Nông Lâm, Đại học Huế đã chuyển giao thành công kỹ thuật sản xuất phân hữu cơ từ rơm theo phương pháp sản xuất nông nghiệp tuần hoàn cho Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp An Lỗ, xã Phong Hiền, huyện Phong Điền. Rơm rạ sau khi thu hoạch được ủ, trộn đều và bổ sung thêm các vi sinh vật cần thiết. Sau đó, phân được đóng bao để thuận tiện vận chuyển và cung cấp cho người nông dân, cũng như các cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp.

GS.TS. Hoàng Thị Thái Hòa, Trưởng khoa Nông học, Trường đại học Nông Lâm, Đại học Huế cho biết, việc sản xuất phân hữu cơ từ rơm với công nghệ sinh học và cơ giới hóa sản xuất rút ngắn thời gian ủ phân (45 – 60 ngày), bằng một nửa thời gian so với phương thức ủ thủ công truyền thống. Điều này làm tăng số lượng phân hữu cơ được sản xuất. Chất lượng phân hữu cơ được nâng cao, góp phần phát triển nền nông nghiệp hữu cơ, tăng thu nhập và bảo vệ môi trường.

Ông Nguyễn Ba, Giám đốc HTX Nông nghiệp An Lỗ đánh giá, HTX đang sản xuất khoảng 44ha lúa/vụ; trong đó, có 12ha sản xuất theo hướng hữu cơ, nên việc sản xuất và đưa phân hữu cơ vào sản xuất tại HTX là rất cần thiết. Điều này giúp HTX hoàn thiện quy trình sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, khép kín, chủ động được các nguồn cung ứng nguyên, vật liệu, vật tư nông nghiệp sản xuất hữu cơ tại HTX. Đây chính là vấn đề mà lâu nay HTX vẫn đang loay hoay tìm phương án.

Cũng tại Trường đại học Nông Lâm, Đại học Huế, hàng năm luôn có những nghiên cứu khoa học không chỉ mang tính học thuật, phục vụ học tập mà còn áp dụng vào thực tế, thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển. Chỉ trong tháng 4/2024 vừa qua đã có hai đề tài về nông nghiệp có tính cấp thiết được đánh giá và hoàn thiện để áp dụng vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đó là “Ứng dụng khoa học và công nghệ xây dựng mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm có giá trị cao từ cây Atiso đỏ tại Phong Điền” và “Quản lý tổng hợp bệnh khảm lá sắn tại tỉnh Thừa Thiên Huế”.

Theo PGS.TS. Nguyễn Văn Toản, Trưởng khoa Cơ khí và Công nghệ, Trường đại học Nông Lâm, dự án đã thiết lập thành công bản đồ phân bố vùng trồng cây Atiso đỏ, xây dựng 2 quy trình kỹ thuật về sản xuất giống, 4 quy trình kỹ thuật về chế biến, bảo quản và tiêu thụ từ cây Atiso đỏ; đào tạo 5 kỹ thuật viên, 100 lượt nông dân đủ trình độ kỹ thuật, kỹ năng sản xuất, chế biến, bảo quản và tiêu thụ các sản phẩm chế biến từ Atiso đỏ theo tiêu chuẩn VietGAP. Dự án đã thực hiện theo chuỗi từ trồng trọt đến chế biến sản phẩm, vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao vừa có ý nghĩa về mặt xã hội, môi trường sản xuất đảm bảo xanh, sạch và có khả năng nhân rộng, đáp ứng tiêu chuẩn của chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới.

Hướng đến đóng góp nhiều hơn

Đại học Huế vừa tổ chức liên tiếp 2 hội thảo quốc tế với chủ đề “Đô thị xanh: Ứng dụng công nghệ thông minh trong phân loại và xử lý rác” và “Giới và vai trò của phụ nữ trong thành phố thông minh và thích ứng với biến đổi khí hậu”. Cả hai hội thảo đều hướng đến mục tiêu đóng góp những sáng kiến, giải pháp để bảo vệ môi trường sống bền vững; hỗ trợ phụ nữ, hay người dân trong tỉnh phát triển kinh tế…

Tại một trong hai hội thảo, ông Hoàng Sơn Công, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp và chuyển giao công nghệ ngành bán lẻ Việt Nam thẳng thắn góp ý, ông đã đến chợ Đông Ba, nhà vệ sinh nhiều mùi hôi, rác thải còn nhiều và phân loại rác chưa tốt. Vì vậy, ông đã tư vấn giải pháp đối với các nhà vệ sinh có thể sử dụng men vi sinh kết hợp với hệ thống phun sương sẽ sạch, khắc chế mùi hôi và tiết kiệm. Về rác thải, chợ có thể hướng đến tái chế rác tại chỗ và làm phân hữu cơ.

Theo Đại học Huế, một trong một lĩnh vực mà Đại học Huế xác định sẽ thúc đẩy và qua đó góp phần cho sự phát triển địa phương nhiều hơn là thúc đẩy nghiên cứu khoa học, đẩy mạnh chuyển giao công nghệ vào lĩnh vực kinh tế; giúp chuyển đổi mô hình sản xuất, tăng lợi thế cạnh tranh, năng suất lao động. Như vừa qua, Đại học Huế có 26 sản phẩm khoa học và công nghệ được chuyển giao cho các địa phương, doanh nghiệp; 5 sản phẩm được thương mại hóa phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

PGS.TS. Lê Anh Phương, Giám đốc Đại học Huế đánh giá, trên thế giới và trong nước hiện nay, giáo dục đại học không chỉ là đơn vị đào tạo, mà phải đóng góp nhiều hơn trong phát triển kinh tế - xã hội. Đó cũng là lý do mà Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội - Đại học Huế được thành lập. Viện có vai trò nghiên cứu, đánh giá toàn diện một cách độc lập. Mới nhất, Đại học Huế đã có nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội toàn diện toàn tỉnh. Trong thời gian đến sẽ có nhiều nghiên cứu để đóng góp cho sự phát triển của tỉnh, khu vực và trong nước được triển khai.

Bài, ảnh: ĐỨC QUANG
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đưa Festival đến với bệnh nhân

Chiều 10/6 là một buổi chiều hè rộn rã hơn thường lệ đối với hàng trăm bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế. Họ được thưởng thức nét văn hóa độc đáo xứ sở hoa anh đào từ Đoàn nghệ thuật Múa trống Eisa Urakaji tham gia Festival Huế 2024.

Đưa Festival đến với bệnh nhân
Câu lạc bộ Guitar Y - Dược và đêm nhạc Giao

Tối 8/6 tại trường Đại học Y Dược Huế diễn ra đêm nhạc “Giao” thuộc chuỗi chương trình “Guitar Đam mê” do Câu lạc bộ (CLB) Guitar Đại học Y - Dược phối hợp CLB Guitar Fingerstyle Huế và ĐA: MÊ Café tổ chức thường xuyên.

Câu lạc bộ Guitar Y - Dược và đêm nhạc Giao

TIN MỚI

Return to top