Ký túc xá Trường Bia của ĐH Huế
Mới chỉ đáp ứng 6%
Xa nhà để học, nhưng N.H. (sinh viên một trường thuộc ĐH Huế) lại chọn ở trọ và phải chắt bóp chi tiêu cho các khoản sinh hoạt. Hỏi về lý do không chọn ký túc xá, N.H. cho biết: “Do chi phí thấp hơn phòng trọ nên đầu năm học các KTX luôn đủ người. Khi đến đăng ký thì quản lý các KTX thông báo đã hết phòng”.
Ông Đào Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Phục vụ sinh viên ĐH Huế thừa nhận, thực tế trên xảy ra ngay với năm học này. Đầu năm học 2020 - 2021, rất nhiều sinh viên tìm đến hỏi chỗ ở KTX nhưng đã hết phòng, dù đã dành một lượng phòng cho tân sinh viên.
Theo các khảo sát của Trung tâm Phục vụ sinh viên và các đơn vị của ĐH Huế, nhu cầu chỗ ở KTX khá cao. Tuy nhiên, thực tiễn chỉ đáp ứng một phần rất nhỏ. Ông Hải phân tích, nếu tính trung bình mỗi phòng 4 sinh viên thì KTX Trường Bia chỉ đáp ứng tối đa 2.100 chỗ ở, KTX Tây Lộc khoảng 250 chỗ. Quy mô sinh viên toàn ĐH Huế hệ chính quy (chưa tính học viên sau ĐH và sinh viên hệ vừa làm vừa học) là hơn 40.000, trong khi con số trên mới chỉ đáp ứng khoảng 6%.
Trên thực tế, nếu so sánh với quy mô KTX của các ĐH, trường ĐH trong nước, con số trên thực sự còn rất “khiêm tốn”. Trong đó, KTX ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh có sức chứa hơn 40.000 sinh viên. Ngay tại các KTX ĐH Đà Nẵng, sức chứa cũng đã đạt khoảng 7.000 sinh viên.
Theo đại diện lãnh đạo ĐH Huế, nguồn tuyển sinh viên ĐH Huế đến từ khu vực miền Trung – Tây Nguyên, đời sống còn khó khăn nên nhu cầu chỗ ở giá rẻ nhiều hơn các vùng khác, đồng nghĩa nhu cầu về KTX rất lớn. Tuy nhiên, vấn đề trên cũng chỉ là trăn trở.
Thiếu chỗ ở nội trú nảy sinh nhiều khó khăn. TS. Nguyễn Công Hào, Trưởng ban Đào tạo và Công tác sinh viên ĐH Huế đánh giá, tỷ lệ sinh viên ở nội trú thấp dẫn đến những khó khăn trong công tác quản lý, hỗ trợ sinh viên. Đối với sinh viên ở trọ bên ngoài, chỉ có thể nắm được thông tin địa chỉ chỗ ở các em qua cơ quan chức năng theo đăng ký tạm trú, việc quản lý, hỗ trợ sinh viên, trong đó có cả hỗ trợ trong mùa bão lụt cũng khó khăn. Trái lại, môi trường KTX theo hướng quy củ, nề nếp vừa thuận tiện nắm bắt tình hình sinh viên vừa tạo điều kiện nâng cao ý thức cho sinh viên hơn nhưng nguồn cung chưa thể đáp ứng, dù cả cán bộ, giảng viên và sinh viên đều mong muốn.
Kinh phí lớn, cần xã hội hóa
Đặt câu hỏi về việc xây dựng KTX, đại diện lãnh đạo ĐH Huế cho rằng, vấn đề khó nhất liên quan đến kinh phí. Theo lãnh đạo ĐH Huế, nguồn ngân sách có hạn trong khi kinh phí để xây dựng KTX không hề nhỏ. Hằng năm, chỉ có thể phân bổ một phần kinh phí duy tu, sửa chữa các KTX và đáp ứng thêm cơ sở vật chất, để xây dựng thêm KTX bằng nguồn lực của ĐH Huế gần như không thể.
ĐH Huế đang hướng đến ĐH Quốc gia, trong đó mô hình KTX hiện đại đối với các ĐH lớn là rất cần thiết. Với sự tăng trưởng quy mô ngành nghề đào tạo cũng như số lượng sinh viên, học viên nên nhu cầu nơi ăn ở rất nhiều đòi hỏi phải có chiến lược đầu tư dài hạn và kịp thời để tạo điều kiện tốt chỗ ăn ở, giải trí, môi trường đạt tiêu chuẩn cho sinh viên yên tâm học hành và nghiên cứu khoa học.
Theo PGS.TS. Huỳnh Văn Chương, Phó Giám đốc ĐH Huế, xu hướng trên thế giới, sinh viên ở KTX mang lại nhiều lợi ích cho họ và thuận lợi trong công tác quản lý hơn. Xây dựng thêm KTX cũng là mong muốn của ĐH Huế nhưng để làm rất cần có sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và kêu gọi xã hội hóa.
“Theo xu hướng chung ở các thành phố lớn của Việt Nam như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đà Nẵng cũng như nhiều nước trên thế giới, KTX rất cần sự quan tâm của chính quyền địa phương cùng với doanh nghiệp đầu tư và hỗ trợ, vì thực tế sinh viên ở KTX cũng mang lại nguồn thu cho địa phương cũng như doanh nghiệp và thuận lợi cho công tác quản lý sinh viên”, PGS.TS. Huỳnh Văn Chương nhấn mạnh.
Thực ra, quỹ đất để xây dựng KTX vẫn có. Ông Ngô Văn Tuấn, Phụ trách Ban Kế hoạch, Tài chính và Cơ sở vật chất ĐH Huế cho biết, trong khu quy hoạch đô thị ĐH Huế, vẫn dành khoảng 2,3 ha để xây dựng KTX. Ngoài ra, khu đất gần Trường ĐH Luật để làm dự án nhà ở sinh viên (đến nay chưa thực hiện được do chủ đầu tư không đáp ứng các điều kiện theo quy định) vẫn còn khoảng 2,5 ha. Vấn đề quan trọng ở kinh phí xây dựng, cần các nguồn lực, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư.
Theo PGS.TS. Huỳnh Văn Chương, hiện ĐH Huế đang nỗ lực và ưu tiên kêu gọi các nhà đầu tư tham gia các dự án đầu tư, xây dựng KTX hiện đại cho sinh viên. Đồng thời, cũng có những kiến nghị, đề xuất liên quan đến các ban, ngành chức năng của tỉnh để hỗ trợ, thu hút doanh nghiệp đầu tư, đáp ứng nhu cầu chỗ ở cho người học trong bối cảnh ĐH Huế đang xây dựng và phát triển thành ĐH Quốc gia.
Bài, ảnh: Hữu Phúc