Sinh viên tại thư viện Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP HCM Ảnh: HOÀNG TRIỀU
“Có lẽ sinh viên (SV) bây giờ lười đi thư viện hơn ngày xưa. Ngày đó, chúng tôi đi rất xa, lặn lội đến thư viện rồi tự tìm tòi, dịch thuật. Thế nhưng, giờ các em không còn tinh thần đó nữa” - TS Nguyễn Ngọc Thơ, Trưởng Phòng Quản lý Khoa học - Dự án Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP HCM, trầm tư. Nhiều giảng viên cho rằng trong thời đại E-book (sách điện tử), SV trích dẫn, sao chép dễ dàng, nhanh chóng hơn nhiều.
Hai mặt của sách điện tử
Đi đôi với việc phát triển thư viện trực tuyến, các chuyên gia cho rằng việc tiếp cận thông tin phong phú, dễ dàng trên mạng cũng mang đến 2 mặt: Sẽ rất quý giá nếu SV biết cách khai thác, tham khảo nhưng trở nên vô nghĩa nếu SV lười biếng sao chép nguyên vẹn. Các giảng viên cho biết nhiều SV đăng ký thư viện trực tuyến chỉ để tìm kiếm, sao chép luận văn, tiểu luận của các anh chị khóa trước.
Theo ThS Đặng Hoàng An, giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP HCM, sự phát triển của công nghệ thông tin và số hóa của một số thư viện hiện nay đã tạo ra cuộc cách mạng giúp SV tiếp cận nguồn tài liệu học tập dễ dàng hơn. Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy không ít SV làm bài tiểu luận hay luận văn sử dụng tài liệu trên mạng quá nhiều. “Tài liệu trên mạng quá phong phú, đa dạng, chỉ cần vài giây tìm kiếm sẽ cho ra những nội dung cần tìm. Tài liệu mạng có những thông tin nguồn trích dẫn không rõ ràng, không chính thống. Khi tìm được tài liệu cần sử dụng, có nhiều bạn cứ vô tư sao chép kiến thức mà không biết cách chọn lọc, “chế biến” làm cho bài làm thiếu chất lượng” - ThS An nói.
GS-TS Bùi Khánh Thế, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP HCM, cho rằng SV hiện nay có nhiều công cụ để tiếp cận thông tin, trong đó kênh lớn nhất là mạng internet nên các em ít quan tâm sách in. Việc có nhiều kênh thông tin vừa là ưu thế vừa là khó khăn cho các em. “Tôi cho rằng một trong những nguyên nhân khiến SV lười đọc sách in và siêng sao chép trên mạng ngoài sự phát triển của internet còn có sự truyền đạt, hướng dẫn của giảng viên hoặc SV không có thời giờ do bận học các môn khác, đi làm thêm…” - ông Thế nhận định.
GS-TS Bùi Khánh Thế nhấn mạnh điều quan trọng nhất giúp SV tìm đến thư viện nhiều hơn là nhà trường, thầy cô phải giúp các em tìm được hứng thú trong việc đọc sách, hiểu rằng đọc sách là quá trình lâu dài chứ không phải một học phần hay vài năm ngồi trên giảng đường.
Nghiêm khắc hơn với việc sao chép online
Theo TS Nguyễn Ngọc Thơ, để khuyến khích SV đọc sách, giảng viên cần nghiêm khắc trong lúc hướng dẫn, đặc biệt trong những bài tiểu luận, đề tài nghiên cứu khoa học. Cách duy nhất là giảng viên phải có chế tài. Thầy cô đặt ra yêu cầu cụ thể cho SV, ra đề tài gợi mở, nhận file bên cạnh giấy để dễ dàng kiểm tra, tránh việc sao chép. Giáo viên phải nghiêm khắc hơn nhằm rèn luyện cho các em nền nếp, thói quen tiếp cận với những thông tin chính thống. Ngoài ra, các thư viện phải không ngừng cải thiện về sách vở, không gian, cơ sở thiết bị để thu hút SV.
TS Trần Hoàng Nga, giảng viên Khoa Luật Thương mại, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin - Thư viện Trường ĐH Luật TP HCM, cho rằng để tăng lượng SV đến thư viện đọc sách, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa giảng viên và thư viện. Giảng viên cần khuyến khích các em thực hành kỹ năng tìm kiếm, chọn lọc và xử lý thông tin. Cụ thể, giảng viên nên hướng dẫn SV đến thư viện để tự học, như là nội dung đó sẽ nằm ở tài liệu nào, trang nào là uy tín. Cần khuyến khích SV thực hành việc tự tìm kiếm thông tin trên mạng và biết cách chọn lọc thông tin cũng như lựa chọn nguồn thông tin chính thống để sử dụng.
“Khi sử dụng tài liệu trên mạng, cần ghi rõ trích nguồn từ đâu để rèn luyện tính trung thực. Giảng viên cần nghiêm khắc hơn với việc SV lấy tài liệu từ mạng để cho vào bài của mình. Trường ĐH Luật TP HCM sẽ thành lập tổ chuyên môn thực hiện quy chế chống đạo văn nhằm thẩm định bài của SV có lấy tư liệu hay photocopy từ một nguồn tài liệu khác” - TS Nga cho biết.
Khi sử dụng tài liệu trên mạng cần ghi rõ trích nguồn từ đâu để rèn luyện tính trung thực. Giảng viên cần nghiêm khắc hơn với việc sinh viên lấy tài liệu từ mạng để cho vào bài của mình.
Theo NLĐ