Học sinh Trường tiểu học Lê Lợi tham quan phòng tranh của họa sĩ Đặng Mậu Tựu
Thời gian qua, các trường học trên địa bàn TP. Huế tăng cường việc giáo dục di sản trong trường học. Hoạt động này đã mang lại hiệu quả thiết thực góp phần đổi mới phương pháp dạy học, gắn lý thuyết với thực tiễn và giúp học sinh hiểu hơn về di sản Huế. Cùng với chương trình này, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP. Huế đang liên kết với Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, Ban Quản lý chợ Đông Ba và các bảo tàng, phòng tranh, rạp phim…để tổ chức cho học sinh tham quan, trải nghiệm góp phần hình thành và hoàn thiện nhân cách, lối sống văn hóa, văn minh, nâng cao ý thức, trách nhiệm cho thế hệ trẻ trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa của dân tộc.
Là trung tâm mua sắm sầm uất, ngôi chợ truyền thống lớn nhất trên địa bàn tỉnh với bề dày truyền thống hơn 120 năm hình thành và phát triển, chợ Đông Ba là biểu tượng của Cố đô Huế. Tuy nhiên, dường như các thế học sinh rất ít khi được vào chợ mà chủ yếu được bố mẹ đưa đến các trung tâm thương mại, siêu thị để vui chơi, mua sắm nên nhiều em nhỏ chưa biết nhiều về chợ Đông Ba.
Nhằm nâng cao kiến thức về lịch sử, tìm hiểu về ngôi chợ truyền thống và các sản phẩm của các vùng miền, sản phẩm do người dân địa phương sản xuất, đồng thời tạo sân chơi bổ ích, sinh động cho học sinh, mới đây Trường tiểu học Trần Quốc Toản đã tổ chức cho học sinh tham quan, trải nghiệm và tìm hiểu về chợ Đông Ba. Tại đây, các em được giới thiệu và cho đi tham quan toàn bộ ngôi chợ bao gồm một khu nhà 3 tầng ở trung tâm và những dãy nhà tạo thành vành đai hình chữ U bán hàng tấp nập bao quanh lầu chuông.
Em Nguyễn Văn Phước, học sinh lớp 5 chia sẻ: “Mặc dù nhà chỉ cách chợ hơn nửa cây số, song lâu nay cháu chưa bao giờ được đến chợ mà chủ yếu được bố mẹ cho đi Siêu thị Co.opMart, Vincom và các trung tâm thương mại. Vào đây, cháu được tham quan các gian hàng, tìm hiểu về các làng nghề sản xuất ra các sản phẩm nổi tiếng ở Huế như nón bài thơ, áo dài, mây tre đan…; được tham quan các gian hàng ẩm thực và xem các bà, các mệ đổ bánh xèo, gói bánh lọc…
Cũng trong những ngày giữa tháng 9/2022, hàng chục học sinh Trường tiểu học Lê Lợi đã vỡ oà cảm xúc và không khỏi ngỡ ngàng, thú vị khi lần đầu tiên bước chân vào phòng tranh của họa sĩ Đặng Mậu Tựu. Những “khán giả nhí” đã reo hò thích thú khi thấy những trò chơi dân gian thời xưa của ông bà và bố mẹ mình hiện lên trong tranh, rồi được giao lưu và chơi trò chơi dân gian cùng với tác giả.
Trưởng phòng GD&ĐT TP. Huế, ông Nguyễn Thuận cho biết, thời gian tới, ngành GD&ĐT thành phố tiếp tục chỉ đạo các cơ sở giáo dục đẩy mạnh thực hiện mô hình “Trường học gắn với di sản văn hóa” nhằm đa dạng hóa các hoạt động giáo dục di sản với nội dung, hình thức giảng dạy phù hợp với văn hóa địa phương cũng như điều kiện thực tế của các trường học. Ngoài ra, chỉ đạo các trường học ở 36 phường, xã trên địa bàn xây dựng kế hoạch, lịch trình cụ thể về các địa điểm tham quan, trải nghiệm di sản, trung tâm mua sắm, rạp phim…, đồng thời liên hệ với các điểm đến để bố trí hướng dẫn viên, sắp xếp địa điểm để đưa học sinh tham quan các di tích lịch sử, nghe nhã nhạc cung đình, xem vẽ tranh… nhằm từng bước giáo dục học sinh phát triển toàn diện, có phẩm chất đạo đức tốt, biết giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc - văn hóa Huế, có bản lĩnh để hội nhập quốc tế.
Bài, ảnh: Hoài Thương