ClockThứ Bảy, 19/06/2021 12:33

Học lịch sử qua di sản

TTH - Giáo dục di sản là giải pháp quan trọng trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản, bổ trợ hiệu quả cho công tác giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử tại trường học.

Rung chuông vàng tìm hiểu lịch sửKhu vườn lịch sửChuyên toán nhưng mê sử

Học sinh Trường THCS Chu Văn An tham quan các di sản (Ảnh chụp trước thời điểm bùng phát dịch COVID-19) 

Sáng tạo của học sinh

Hai học sinh lớp 8 Trường THCS Chu Văn An là Nguyễn Đại Phúc và Hồ Hà Phương Trinh gây được sự chú ý đặc biệt khi tham gia Hội thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh năm 2021 với đề tài “Tìm hiểu sự vinh danh người học tại Văn miếu - Quốc Tử Giám Huế”. Sản phẩm dự thi gồm 1 video clip về Văn miếu – Quốc Tử Giám Huế và kèm theo sổ tay sưu tầm tổng hợp nội dung 32 tấm bia tiến sĩ tại Văn miếu Huế.Với nỗ lực ấy, đề tài của hai em đã đoạt giải nhì tại Hội thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh năm 2021 và được chọn dự thi cấp quốc gia sắp đến.

Cậu học trò nhỏ Nguyễn Đại Phúc chia sẻ: Nhà trường tổ chức đi tham quan học tập lịch sử địa phương tại Văn miếu - Quốc Tử Giám Huế, em suy nghĩ và đặt nhiều câu hỏi, nhất là khi quan sát và tìm hiểu về các tấm bia tiến sĩ. Khó là, các bạn đều không thể đọc và hiểu được nội dung của những tấm bia vì được khắc bằng chữ Hán và rất mờ. Chính điều đó càng thôi thúc chúng em muốn được biết, được tìm hiểu và nghiên cứu về những người đã được vinh danh ở đây từng học tập ở đâu và trải qua các kỳ thi nào, thế là chúng em bắt đầu nghiên cứu về đề tài. Suốt 9 tháng, Phúc và Trinh đã có những ngày tháng trải nghiệm thật thú vị ở Văn miếu - Quốc Tử Giám Huế và bài học về lịch sử dân tộc cứ thế thấm dần giúp các em thực hiện đề tài một cách gần gũi với học sinh. 

Đại Phúc và Phương Trình tìm hiểu lịch sử ở Văn miếu - Quốc Tử Giám

Tôi đã xem clip của Phúc và cô bạn Phương Trinh, thực hiện dưới sự hướng dẫn của cô giáo dạy sử Phạm Thị Mỹ Hạnh. Đó là một clip được chuẩn bị công phu, có bố cục mạch lạc và hình ảnh đẹp. MC cũng chính là 2 tác giả, tuy còn hạn chế nhiều nhưng với chất giọng Huế đã thu hút được nhiều người xem. Văn miếu và Quốc Tử Giám được giới thiệu sinh động với nhiều góc nhìn đa dạng và phong phú, từ lịch sử hình thành đến những đổi thay trong quá trình phát triển, từ thực trạng với không ít biểu hiện đáng lo đến các hoạt động văn hóa giáo dục đương đại, như việc tổ chức vinh danh học sinh toàn trường lần đầu tiên tại Huế mới đây.

Sổ tay còn là bộ sưu tập công phu tổng hợp nội dung 32 tấm bia tiến sĩ tại Văn miếu, không chỉ được sử dụng làm đồ dùng học tập cho quá trình tìm hiểu lịch sử dân tộc và địa phương của học sinh Trường THCS Chu Văn An, mà còn có thể chia sẻ cho các trường học trong và ngoài tỉnh.

Phúc và Trinh cho biết, cái khó nhất của cả hai khi làm cuốn sổ tay là cần sưu tầm tài liệu. Nhóm em phải xin giấy giới thiệu của nhà trường và ý kiến của nhiều bên rồi phải qua Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế mượn sách. Thời gian nghiên cứu đề tài rất gấp rút, phải đi nghiên cứu thực tế nhiều, trong khi nhóm em phải đảm bảo cả việc học ở lớp.

Học từ di sản

Tổ chức cho học sinh tham quan, trải nghiệm rồi làm các đề tài nghiên cứu như 2 học sinh Trường THCS Chu Văn An, được xem là một trong những phương thức sử dụng di sản trong trong dạy học. Đáp ứng đa dạng hóa các hình thức tổ chức dạy học, tăng cường hoạt động trải nghiệm gắn học tập với thực tiễn, những năm qua, Sở GD&ĐT đã triển khai phương thức này ở trường phổ thông và đang được nhiều trường trung học vận dụng hiệu quả, chủ yếu ở các môn học: lịch sử, địa lý, âm nhạc.

Đồng tác giả của đề tài “Tìm hiểu sự vinh danh người học tại Văn miếu - Quốc Tử Giám Huế”, Nguyễn Đại Phúc cũng tỏ ra rất chín chắn trong suy nghĩ khi cho rằng, tham gia thực hiện công trình là do đam mê môn lịch sử. Em cảm thấy thoải mái khi được học tập và nghiên cứu lịch sử, bởi giúp em hiểu được giá trị văn hoá và lịch sử hào hùng của dân tộc ta để qua đó, phấn đấu học tập trở thành người có ích cho đất nước sau này. Em muốn học tốt môn lịch sử để chứng minh đây không phải là môn phụ mà là môn học dạy cho chúng ta nhiều điều bổ ích cả trong quá khứ và hiện tại. Còn Phương Trinh tiết lộ bí quyết học tốt môn sử do xem các video tóm tắt về lịch sử và lúc học về môn này cũng bằng sơ đồ tư duy vì sẽ giúp em nhớ lâu hơn và dễ thuộc bài.

Theo ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở GD &ĐT, từ nhận thức đúng đắn về di sản trong dạy học, giáo viên các trường THCS, THPT đã tích cực sử dụng di sản trong các bài học cụ thể, các hoạt động ngoài giờ lên lớp, hay tổ chức học sinh học trải nghiệm tại di sản. Thông qua đó, năng lực của nhiều giáo viên đã được nâng cao, thể hiện ở khả năng thiết kế tiến trình dạy học và tổ chức hoạt động nhận thức của học sinh một cách phong phú và sinh động. Các bài học được xây dựng phù hợp với việc sử dụng di sản trong dạy học, đảm bảo dựa theo chuẩn kiến thức kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông.

Cô Lê Thị Hồng Giang, Hiệu trưởng Trường THCS Chu Văn An cho hay, để tạo điều kiện cho các em trong quá trình nghiên cứu, nhà trường đã tổ chức cho học sinh đi tham quan Văn miếu - Quốc Tử Giám Huế. Qua đó, giúp học sinh trong trường hiểu biết nhiều hơn về Văn miếu - Quốc Tử Giám. Cuối năm học 2020 - 2021, nhà trường sẽ tổ chức vinh danh những học sinh có thành tích xuất sắc, đặc biệt là những học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi các cấp về các bộ môn nói chung và bộ môn lịch sử nói riêng.

Nhiều học sinh cho biết, các em đều chờ đợi đến các giờ học được tiếp cận và tìm hiểu nội dung bài học thông qua các di sản. Mỗi bài học là một trải nghiệm thú vị, khơi gợi được niềm đam mê, tạo động lực để các em học tập và sáng tạo. Học tập thông qua di sản đã giúp các em phát triển kỹ năng học tập, tự chiếm lĩnh kiến thức, kích thích hứng thú nhận thức, phát triển trí tuệ và nhân cách của học sinh. Bên cạnh đó, còn góp phần phát triển một số kỹ năng mềm như giao tiếp, lắng nghe tích cực, trình bày suy nghĩ ý tưởng …

Còn để nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục di sản, theo nhà sử học Lê Văn Lan, giải pháp vẫn là tìm được cách làm, chương trình phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế cũng như đặc trưng, câu chuyện của di sản để phát triển. Lợi thế rõ rệt khi Thừa Thiên Huế được mệnh danh là vùng đất di sản.

Bài: Huế Thu - Ảnh: Đại Phúc

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

ĐẠI HỌC HUẾ HƯỚNG ĐẾN ĐẠI HỌC QUỐC GIA:
Nhiều tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu

Trong tiến trình xây dựng và phát triển, đặc biệt kể từ sau 30 năm tái thành lập, Đại học Huế (ĐHH) đã cơ bản đạt các tiêu chuẩn, tiêu chí để trở thành Đại học Quốc gia theo quy định.

Nhiều tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu
Trò đến lớp, thầy vui!

Bên cạnh dạy học, thầy cô giáo ở vùng cao A Lưới còn phụ trách thêm công tác vận động học sinh đến trường. Thấy học sinh nghỉ học dài ngày, có nguy cơ bỏ học, sau giờ dạy, giáo viên lại tìm đến nhà tìm hiểu, động viên, nhắc nhở. Niềm vui giản dị của các nhà giáo nơi đây là được thấy học sinh trở lại trường.

Trò đến lớp, thầy vui
Hơn 16.000 bài dự thi Đại sứ văn hóa đọc năm 2024

Được phát động từ tháng 4 đến nay, cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc năm 2024 thu hút 16.358 bài dự thi đến từ 120 trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh tham gia.

Hơn 16 000 bài dự thi Đại sứ văn hóa đọc năm 2024
Chăm lo lưu học sinh Lào

Là trường cao đẳng duy nhất trên địa bàn tỉnh đào tạo và cấp chứng chỉ năng lực tiếng Việt cho lưu học sinh (LHS) Lào, Trường Cao đẳng Huế đã và đang thực hiện tốt nhiệm vụ vừa nâng cao chất lượng đào tạo, vừa tích cực chăm lo cho LHS.

Chăm lo lưu học sinh Lào
Return to top