Học sinh Trường THPT chuyên Quốc Học trong một tiết học. Ảnh: Hữu Phúc
Được thành lập từ năm 1886 theo chỉ dụ của vua Thành Thái, Quốc Học Huế là một trong những ngôi trường trung học ra đời sớm nhất ở Việt Nam. Sau năm 1975, Quốc Học Huế là trường có hệ chuyên sớm nhất so với các trường trung học ở miền Nam, bắt đầu là lớp chuyên toán được thành lập từ năm học 1976 -1977. Trường trung học phổ thông (THPT) chuyên Quốc Học là nơi ươm mầm cho bao thế hệ học sinh tài năng không chỉ của riêng Huế mà còn cho cả nước. Chỉ trong 7 năm (1978 - 1983), học sinh Quốc Học nổi đình, nổi đám ở các kỳ thi Olympic Quốc tế môn toán với các tên tuổi, như Hồ Đình Duẩn, Huy chương đồng 1978; Lê Bá Khánh Trình, giải đặc biệt năm 1979; Ngô Phú Thanh, huy chương bạc năm 1982; Nguyễn Văn Lượng, huy chương bạc và Hoàng Ngọc Chiến, huy chương đồng năm 1983. Chưa kể đến cái tên Lê Tự Quốc Thắng, huy chương vàng năm 1982, vốn xuất thân từ “lò” Quốc Học. Từ ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước đến nay, trường có gần 20 huy chương Olympic Quốc tế và khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có đến 11 huy chương của kỳ thi Olympic Quốc tế.
Theo ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, hướng đến Trường THPT chuyên Quốc Học sẽ được đầu tư để trở thành trường chất lượng kiểu mẫu của toàn quốc. Ngôi trường không chỉ nổi tiếng đào tạo có chất lượng về văn hóa mà còn có môi trường giáo dục tốt khi học sinh được rèn luyện nhiều kỹ năng. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, việc đầu tư để Quốc Học trở thành trường kiểu mẫu sẽ phù hợp với tình hình hiện nay.
Trường THPT chuyên Quốc Học Huế là một trong 15 trường trung học phổ thông chuyên trên cả nước được đầu tư ngang tầm quốc tế theo Quyết định số 959/QĐ-TTg ngày 24/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Đề án Phát triển Hệ thống trường trung học phổ thông chuyên, giai đoạn 2010-2020”. Nhờ đó, có nguồn kinh phí để xây dựng thêm 2 dãy nhà mới với các phòng học đầy đủ trang thiết bị hiện đại, các phòng thí nghiệm đạt chuẩn quốc tế. Điều mà không ít trường chuyên làm được là một số bộ môn đã được dạy bằng tiếng Anh; ứng dụng các công nghệ phòng học không có phấn. Trong năm 2019, tỉnh đã bố trí kinh phí rất lớn để xây dựng những phòng học thông minh (gần 1 tỷ đồng/phòng), đầu tư các trang bị tốt nhất để đảm bảo việc học và dạy của thầy và trò.
Đội ngũ giáo viên trường chuyên đã được chú trọng đến chất lượng, chuẩn hóa đầu vào cũng như có chính sách cho giáo viên ra nước ngoài học tập. Với những quy định riêng, ưu tiên cho giáo viên nguyên là học sinh Quốc Học cũng như tuyển chọn những giáo viên có năng lực ở các trường sau khi trải qua các vòng thi tuyển khắt khe. Trường THPT chuyên Quốc Học có 140 giáo viên; trong đó, có đến 82 thạc sĩ. Một số giáo viên trẻ có nhu cầu học tập cũng đã tự “săn” học bổng để nâng cao trình độ, đầu tư giáo án tốt hơn. Khi những học sinh tham gia vào các giải khu vực và quốc tế, giáo viên Quốc Học cũng phải kề vai, sát cánh với các em ra Hà Nội để dạy bồi dưỡng.
Mỗi năm, có khoảng 30% học sinh Quốc Học được đào tạo tại các lớp cử nhân tài năng, kỹ sư chất lượng cao của nhiều trường đại học uy tín trong nước và cả ở nước ngoài. Bình quân, có 30 em đi du học theo chương trình hợp tác với các trường trong khu vực và quốc tế. Kỳ thi học sinh giỏi năm học 2019 -2020 cho thấy, chất lượng học sinh giỏi ở Thừa Thiên Huế đã được cải thiện khi số học sinh đạt giải cao tăng hơn so với năm trước. Hiện nay, Trường THPT chuyên Quốc Học đứng thứ 15/63 tỉnh, thành. Ở miền Trung đứng thứ 3, sau Hà Tĩnh và Nghệ An.
Những năm gần đây, tỉnh có chính sách riêng trong việc bồi dưỡng học sinh giỏi. Mới đây nhất, mức thưởng của các em cũng được nâng lên, với 52 em đoạt giải quốc gia, số tiền khen thưởng lên gần 1 tỷ đồng. Mức thưởng tăng cho cả học sinh và giáo viên. Ngoài chế độ theo quy định của trường chuyên, Trường THPT Quốc Học có nguồn kinh phí riêng trong việc bồi dưỡng học sinh giỏi khi huy động nguồn hỗ trợ từ cựu học sinh Quốc Học. Khách quan mà nói, đầu tư cho giáo dục mũi nhọn ở Thừa Thiên Huế vẫn còn hạn chế, chủ yếu vẫn là phát huy giáo dục truyền thống của vùng đất hiếu học. Thế hệ vàng giáo viên chuyên luyện “gà chọi” đang vắng dần và dường như Quốc Học đang bị “khuyết” những người có tài, có tâm huyết và kinh nghiệm thật sự để tiếp tục tạo nên “cú hích” ở những đấu trường trí tuệ lớn. Đào tạo như thế nào, thắp lửa đam mê, tâm huyết vào từng bài giảng, bài luyện cho học sinh đang là bài toán cần tìm lời giải...
Quốc Học muốn đi xa hơn cần huy động nguồn lực xã hội hóa để thực hiện các chính sách đặc thù về chương trình giảng dạy, phương thức tuyển dụng, chính sách thu hút giáo viên; đầu tư nhiều nguồn lực cho cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, ứng dụng công nghệ thông tin kết nối với các trường trung học, đại học danh tiếng trên thế giới…, thầy giáo Nguyễn Phú Thọ, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Quốc Học cho biết.
Huế Thu