Đến nay, Cố đô Huế đã sẵn sàng để trở thành Thành phố trực thuộc trung ương sau gần 5 năm nỗ lực và quyết liệt triển khai Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 10/12/2019 về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn 2045 với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan thân thiện với môi trường và thông minh.
Thành phố Huế trực thuộc trung ương vào năm 2025 dự kiến có 9 đơn vị hành chính cấp huyện bao gồm: Quận Phú Xuân, quận Thuận Hóa (tách ra từ thành phố Huế hiện nay), thị xã Hương Trà, thị xã Hương Thủy, thị xã Phong Điền (hiện đã đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn để trở thành thị xã), huyện Quảng Điền, huyện Phú Vang, huyện Phú Lộc (sáp nhập 2 huyện Phú Lộc và Nam Đông) và huyện A Lưới.
|
Toàn cảnh dòng sông Hương qua thành phố Huế
|
Định hướng đến năm 2045, mô hình của thành phố Huế trực thuộc trung ương vẫn giữ nguyên 9 đơn vị hành chính nhưng phát triển thành 4 quận: Phú Xuân, Thuận Hóa, Hương Thủy, Hương Trà; hai thành phố là Phong Điền (trên cơ sở thị xã Phong Điền) và Chân Mây (lấy khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô kéo dài đến thị trấn Phú Lộc); hai thị xã là Quảng Điền và Phú Vang; và huyện A Lưới.
Mô hình thành phố trực thuộc trung ương trên đã giành được sự ủng hộ đông đảo của các tầng lớp nhân dân Thừa Thiên Huế và những người yêu mến cố đô Huế từ nhiều vùng miền của đất nước, và cả bà con Việt kiều ở nước ngoài.
Tuy nhiên, cho đến nay vẫn còn một số ý kiến phân vân về việc thành phố Huế sẽ tách làm hai quận (Phú Xuân và Thuận Hóa) và trong tương lai gần sẽ không còn tồn tại tên gọi “thành phố Huế” theo nghĩa hẹp là thành phố Huế hiện nay.
Thực ra tên gọi thành phố Huế không hề mất đi mà chỉ dùng để gọi tên thành phố trực thuộc trung ương bao gồm địa giới của toàn bộ tỉnh Thừa Thiên Huế hiện nay. Nghĩa là Huế chỉ lớn lên, rộng hơn và phản ánh đúng đặc trưng văn hóa xã hội cùng ý nghĩa sâu sắc của địa danh Huế vốn có từ lâu đời. Đó chính là việc bỏ “Huế nhỏ” để thành “Huế lớn”.
|
|
Địa danh Huế đã có từ lâu đời nhưng dùng để chỉ “một thành phố lớn” được quy hoạch chỉn chu bên bờ sông Hương thì có lẽ là từ đầu thế kỷ XVII, sau khi chúa Nguyễn Phúc Lan chọn Kim Long để xây dựng thủ phủ của Đàng Trong, đồng thời cũng cho mở cảng Thanh Hà ở phía hạ lưu để mở rộng buôn bán giao thương với nước ngoài và tiếp nhận nguồn hàng hóa quốc tế từ cửa Hội An. Điều đó có nghĩa là ngay từ khi hình thành, đô thị Huế đã có quy mô lớn và được cấu trúc theo một hình thái đặc biệt: Đô thị song đôi/song sinh (Twin cities) với trung tâm chính trị đặt trên đất Kim Long - Phú Xuân và trung tâm kinh tế đặt ở Thanh Hà - Hội An. Từ năm 1744, sau khi chúa Nguyễn Phúc Khoát xưng vương, đô thị Huế càng được mở rộng, nâng cấp với tên gọi mới là Đô thành Phú Xuân.
|
Từ cuối thế kỷ XVIII, Đô thành Phú Xuân có quy mô hoành tráng, phồn thịnh
|
Năm 1776, sau khi tận mắt chứng kiến quy mô hoành tráng cùng mức độ phồn thịnh, sôi động của Đô thành Phú Xuân, Lê Qúy Đôn đã ghi lại trong sách Phủ biên tạp lục: “Dinh Phú Xuân đất rộng, bằng như lòng bàn tay, độ hơn 10 dặm, ở trong là Chính dinh, đất cao, bốn bề đều thấp, tức là chỗ nổi bật ở giữa đất bằng ngồi vị càn (tây bắc), trông hướng tốn (đông-nam), dựa ngang sống đất, trông xuống bến sông; đằng trước là quần sơn, chầu về la liệt, toàn thu nước ở bên hữu, vật lực thịnh giàu”.
“...Ở trên thì các phủ thờ ở Kim Long, giữa thì cung phủ hành lang, dưới thì nhà cửa ở phủ ao, Nguyễn Phúc Khoát xưng vương hiệu, đổi tên, đề biển, có điện Kim Hoa, Quang Hoa, Trung Hòa, Di Nhiên, đài Sướng Xuân, các Dao Trì, các Triêu Dương, các Quang Thiên, đình Thụy Vân, hiên Đồng Lạc, am Nội Viện, đình Giáng Hương, công đường, trường học và trường súng. Ở thượng lưu về phía nam có phủ Dương Xuân và phủ Cam. Ở trên nữa có phủ Tập Tượng, lại dựng điện Trường Lạc, hiên Duyệt Võ, mái lớn nguy nga, đài cao rực rỡ, mà giải võ, tường bao quanh, cửa bốn bề, chạm khắc vẽ vời, khéo đẹp cùng cực... Ở thượng lưu và hạ lưu Chính dinh đều là quân bày hàng như bàn cờ. Những nhà của thủy quân lại ở đối ngạn. Xưởng thuyền và kho thóc thì các xã Hà Khê, Thọ Khang trên thượng lưu còn nhà vườn của các công hầu quyền quí thì chia bày ở hai bờ thượng lưu sông Phú Xuân, cùng hai bờ sông con bên hữu Phủ Cam. Ở thượng lưu, hạ lưu phía trước chính dinh thì chợ phố liền nhau, đường cái đi ở giữa, nhà cửa chia khoảng tiếp nhau, đều là mái ngói. Cây to bóng mát, tả hữu thành hàng. Thuyền buôn bán, đò dọc ngang đi lại như mắc cửi”.
(Lê Qúy Đôn-Phủ biên tạp lục)
Một điểm nữa cũng cần lưu ý là, khi ấy lăng tẩm dành cho chúa Nguyễn đã được quy hoạch ở phía Tây, ở hai bên bờ sông thượng nguồn sông Hương. Xem bản đồ Giáp Ngọ niên Bình nam đồ của Bùi Thế đạt (1774), chúng ta đã thấy lăng mộ của chúa Nguyễn Hoàng, Nguyễn Phúc Nguyên nằm đúng trên các vị trí hiện tại. Và ngay từ hồi đó, đô thị Phú Xuân đã được quy hoạch gắn liền với các yếu tố địa lý tự nhiên, yếu tố phong thủy rất hoàn hảo. Lê Qúy Đôn đã hết sức thán phục khi nhận xét:
“Dinh Phú Xuân có năm lần hổ thủy (nước về phía hữu) ôm đằng trước: một là nguồn Hữu -trạch chảy xuống là sông Phú-xuân, hai là sông nhỏ An-nông, ba là nguồn Hưng-bình chảy vào đầm Hà-trung, bốn là nguồn Phúc-âu chảy qua Cao-đôi mà vào phá Hà-trung, năm là nước tự đèo Mệt-mỏi chảy xuống đèo Cảnh-dương. Có ba lần long sa (cát ở bên tả) ngăn bên tả: một là phố Thanh-hà ở bên tả sông cầu Lạc-nô, hai là các xã Thuận-phước Thuận-hòa ở bên tả thượng lưu sông con ngã ba Sình, ba là các xã Bình-trị Thai-dương ở bên tả hạ lưu phá Tam-giang thẳng đến cửa Eo”.
(Lê Qúy Đôn-Phủ biên tạp lục)
|
Đầu thế kỷ XIX, triều Nguyễn đã kế thừa trọn vẹn ý tưởng quy hoạch đô thị có từ thời chúa Nguyễn nhưng mở rộng quy mô
|
Như vậy, đô thị Huế dưới thời các chúa Nguyễn đã có quy mô to lớn, vượt xa phạm vi, quy mô của thành phố Huế hiện nay.
Đầu thế kỷ XIX, sau khi thống nhất đất nước và chọn Huế làm kinh đô, triều Nguyễn đã kế thừa trọn vẹn ý tưởng quy hoạch đô thị có từ thời chúa Nguyễn nhưng mở rộng quy mô hơn nhiều để kinh thành Huế xứng đáng với vị thế là kinh đô của nước Việt Nam rộng lớn nhất trong lịch sử:
“Kinh sư là nơi miền núi miền biển đều hợp về, đứng giữa miền Nam miền Bắc, đất đai cao ráo, non sông phẳng lặng, đường thủy thì có cửa Thuận An, cửa Tư Hiền sâu thẳm, đường bộ thì có Hoành Sơn, cửa Ải Vân ngăn chặn. Sông lớn giăng phía trước. Núi cao giữ phía sau, rồng cuộn hổ ngồi, hình thế vững chãi, ấy là do trời đất xếp đặt, thật là thượng đô của nhà vua”.
(Quốc Sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, Tập 1: Kinh sư)
|
Cho đến nay, phần lớn các di sản gắn liền với các phức hệ kiến trúc được bảo tồn và trở thành những bộ phận cấu thành nên Quần thể di tích cố đô Huế
|
Các sử quan của Quốc Sử quán triều Nguyễn đã phân cấu trúc đô thị Huế thành 9 hệ thống: Thành trì, Đàn miếu, Sơn lăng, Uyển hựu, Đài tạ, Phủ đệ, Quan thự-đồn lũy, Đền thờ và Chùa quán. Đó là một phức hệ kiến trúc hoàn chỉnh liên kết với nhau trong một khoảng không gian thống nhất và rộng lớn, kéo dài từ chân núi Trường Sơn đến phá Tam Giang, ra biển Đông và chạy dọc về phía nam đến Cầu Hai - Lăng Cô. Cho đến nay, phần lớn các di sản gắn liền với các phức hệ kiến trúc trên vẫn được bảo tồn và trở thành những bộ phận cấu thành nên Quần thể di tích cố đô Huế - Di sản thế giới đầu tiên được UNESCO công nhận và vinh danh từ năm 1993. Nguyên Tổng Giám đốc UNESCO, ngài Amadou Mahtar M’Bow đã nhận rõ điều này và từng ngợi ca:
“Những người đầu tiên xây dựng Huế đã có dụng ý đóng khung Huế trong phong cảnh kỳ diệu từ núi Ngự Bình đến đồi Vọng Cảnh, đến phá Tam Giang và Cầu Hai. Và chính nhờ thế, họ đã sáng tạo ra một kiến trúc tinh vi, trong đó mỗi nhân tố bắt nguồn từ cảm hứng thiên nhiên gần gũi. Thành phố Huế, chính là nghệ thuật được vẻ đẹp của thiên nhiên bổ sung, tô điểm thêm”.
Tuy nhiên từ sau năm 1885, khi kinh đô Huế thất thủ, người Pháp áp đặt sự đô hộ lên đất nước ta, vai trò vị thế của kinh đô Huế cũng thay đổi. Tròn 125 năm trước, ngày 38/8/1899, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định chuẩn y việc thành lập thị xã Huế với phạm vi tương đối hẹp, chỉ bao gồm 9 phường nằm ngoài Kinh thành, từ phường Đệ Nhất đến phường Đệ Cửu. Ngày 22/12/1929, thị xã Huế được nâng cấp lên thành thành phố Huế. Sau năm 1945, thành phố Huế bao gồm cả các phường nội và ngoại kinh thành và trở thành tỉnh lỵ của tỉnh Thừa Thiên; và từ sau năm 1989, trở thành tỉnh lỵ của tỉnh Thừa Thiên Huế.
|
Việc mở rộng đơn vị “thành phố Huế” hiện nay để thành lập Thành phố Huế có quy mô toàn tỉnh Thừa Thiên Huế là hoàn toàn phù hợp với lịch sử hình thành và phát triển của đô thị Huế
|
Như vậy, thực chất “Thành phố Huế” mới chính thức ra đời cách đây 95 năm (1929-2024) và nếu có tính cả mốc thành lập thị xã Huế thì cũng mới chỉ có 125 năm, là đơn vị hành chính ra đời muộn hơn rất nhiều và có quy mô, phạm vi nhỏ hơn nhiều so với đô thị Huế vốn được thành lập từ năm 1636.
Cũng vì vậy, việc giải thể đơn vị “thành phố Huế” hiện nay để thành lập nên một Thành phố Huế có quy mô toàn tỉnh Thừa Thiên Huế là hoàn toàn phù hợp với lịch sử hình thành và phát triển của đô thị Huế, đồng thời mới kế thừa trọn vẹn các di sản lịch sử, văn hóa phong phú đa dạng và có quy mô rất lớn mà chúng ta đang gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị.
Có một điều rất đặc biệt đã trở thành một trong những đặc trưng của người dân Thừa Thiên Huế đó TÂM THỨC HUẾ mà ai cũng sẵn có trong mình và luôn tự hào. Không chỉ là người ở thành phố Huế hiện nay mà dù là người Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà, Hương Thủy hay Phú Lộc, Phú Vang, thậm chí là người ở các huyện miền núi Nam Đông, A Lưới thì họ vẫn luôn nghĩ và nhận mình là NGƯỜI HUẾ, xem Huế là quê hương, nhất là mỗi khi đi xa hoặc làm ăn, sinh sống ở một địa phương khác.
|
Thành phố Huế trực thuộc trung ương trong tương lai sẽ là một đô thị phát triển đa dạng
|
“Tâm thức Huế” này không phải ngẫu nhiên mà có, mà là kết tinh của lịch sử hình thành phát triển của vùng đất cùng lịch sử xây dựng, phát triển đô thị Huế với sự chung tay đóng góp của bao thế hệ người dân Thừa Thiên Huế.
Bởi vậy, trong lịch sử, có rất nhiều nhân vật nổi tiếng luôn được xem là NGƯỜI HUẾ dù họ không phải là người có nguyên quán hay sinh sống ở địa bàn thành phố Huế hiện nay, tiêu biểu trong thời Nguyễn thì có Lê Quang Định (quê huyện Phú Vang), Nguyễn Văn Thành (quê huyện Quảng Điền), Nguyễn Tri Phương (quê huyện Phong Điền), Đặng Huy Trứ (quê huyện Quảng Điền), Nguyễn Đình Chiểu (quê huyện Phong Điền),… Thời hiện đại và đương đại thì có Tố Hữu (quê huyện Quảng Điền), Hoàng Anh (quê huyện Phong Điền), Nguyễn Chí Diểu (quê huyện Phú Vang), Nguyễn Chí Thanh (quê huyện Quảng Điền), Lê Đức Anh (quê huyện Phú Lộc), …
|
Thành phố Huế chính là nghệ thuật được vẻ đẹp của thiên nhiên bổ sung, tô điểm
|
Từ “Tâm thức Huế” đó đã chuyển thành khát vọng và quyết tâm của cả hệ thống chính trị cùng tất cả các tầng lớp nhân dân để xây dựng cả tỉnh Thừa Thiên Huế thành một Thành phố Huế có quy mô rộng lớn - thành phố trực thuộc trung ương, có vị thế tầm vóc xứng đáng là một trong những đô thị trung tâm của đất nước và khu vực Đông Nam Á và châu Á về văn hóa và du lịch (Nghị quyết số 04-NQ/TU của Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế ban hành ngày 24/5/2021).
Như vậy, việc chia thành phố Huế hiện tại thành 2 quận Phú Xuân và Thuận Hóa là phương án rất phù hợp để đưa Huế phát triển đúng tầm, xứng đáng với quy mô, vị thế của một đô thị có lịch sử lâu đời từng là thủ phủ của Đàng Trong, kinh đô của nước Việt Nam thống nhất trong hàng trăm năm.
Hai quận Phú Xuân và Thuận Hóa chưa bao gồm đầy đủ vùng lõi của đô thị Huế mà phải tích hợp thêm cả hai thị xã Hương Thủy và Hương Trà. Đây là hai vùng đất nằm ở hai phía tả, hữu ngạn sông Hương từ đầu nguồn đến hạ du vốn đã được xác định trong quy hoạch đô thị Huế từ thời các chúa Nguyễn.
|
Việc mở rộng “Huế nhỏ” để thành “Huế lớn” - thành phố trực thuộc Trung ương sẽ tạo ra sự ảnh hưởng và sức bật mới không chỉ cho thành phố Huế
|
Điều này rất phù hợp với định hướng phát triển và mở rộng các đô thị vệ tinh nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Huế trực thuộc Trung ương, theo tầm nhìn đến năm 2045 trong đó nhấn mạnh mục tiêu thành lập quận Hương Thủy, quận Hương Trà trên cơ sở thị xã Hương Thủy, Hương Trà.
Đồng thời sẽ thành lập hai thành phố Phong Điền (trên cơ sở thị xã Phong Điền) và Chân Mây (gồm khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô và phần mở rộng đến thị trấn Phú Lộc, các xã ven biển huyện Phú Lộc hiện hữu) và xây dựng huyện Quảng Điền và huyện Phú Vang đạt tiêu chí đô thị loại IV, để trở thành các thị xã.
Như vậy, thành phố Huế trực thuộc trung ương trong tương lai sẽ là một đô thị phát triển đa dạng nhưng hoàn bị, bao gồm 4 quận, 2 thành phố, 2 thị xã và 1 huyện miền núi.
|
Sự phát triển của Huế cũng là sự đóng góp thiết thực cho vùng kinh tế Trung Trung Bộ và cho sự phát triển chung của đất nước
|
Việc mở rộng “Huế nhỏ” để thành “Huế lớn”- thành phố trực thuộc Trung ương sẽ tạo ra sự ảnh hưởng và sức bật mới không chỉ cho thành phố Huế mới (bao gồm toàn tỉnh Thừa Thiên Huế) phát triển mà còn giúp cho việc gìn giữ bảo tồn tốt hơn kho tàng di sản văn hóa phong phú mà cố đô đang sở hữu. Sự phát triển của Huế cũng là sự đóng góp thiết thực cho vùng kinh tế Trung Trung Bộ và cho sự phát triển chung của đất nước. Theo đó, thành phố Huế sẽ trở thành động lực phát triển cụm ngành kinh tế biển Trung Trung bộ, đến năm 2030 sẽ trở thành một trong những trung tâm kinh tế biển phát triển mạnh, mang tầm quốc tế hàng đầu ở Đông Nam Á, và xa hơn là của cả khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
|
Thành phố Huế trực thuộc Trung ương sẽ trở thành một trung tâm đô thị cấp quốc gia, khu vực và quốc tế
|
Thành phố Huế trực thuộc Trung ương sẽ nhanh chóng trở thành một trung tâm đô thị cấp quốc gia, khu vực và quốc tế, một trong những trung tâm kinh tế, văn hoá, khoa học - công nghệ, y tế, đào tạo lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á, trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh” theo tinh thần Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị.
Nội dung: PHAN THANH HẢI
Ảnh: HOÀNG HẢI
Thiết kế: QUANG THIỀU