Trao học bổng cho học sinh nghèo vượt khó
Hỗ trợ học tập
Đầu năm 2020, Đại học Huế phối hợp với Quỹ Y tế Giáo dục và Văn hóa Việt Nam (VNHELP), Trung tâm Giáo dục nhân đạo Huế và Hội Khuyến học tỉnh tổ chức lễ trao học bổng Nguyễn Trường Tộ lần thứ 17 cho sinh viên. Đây là năm thứ 17, Quỹ Y tế Giáo dục và Văn hóa Việt Nam (VNHELP) đồng hành cùng sinh viên Đại học Huế. Năm nay, VNHELP trao cho sinh viên Đại học Huế 170 suất học, trị giá mỗi suất là 200 USD.
Thông qua hợp tác quốc tế, ngoài Học bổng Nguyễn Trường Tộ, Đại học Huế và các trường thành viên còn tiếp nhận nhiều nguồn học bổng trong và ngoài nước. Tiêu biểu như các học bổng: Vừ A Dính, Phuc’s Fond, Vallet, AMA, Công ty Samsung Việt Nam, Keidanren & JBAV Nhật Bản… Kinh phí từ các nguồn tài trợ hằng năm lên tới trên 4 tỷ đồng.
Cùng với học bổng hỗ trợ sinh viên học tập, Đại học Huế triển khai thực hiện tốt chế độ, chính sách cho sinh viên nghèo vượt khó, có thành tích học tập cao; hỗ trợ miễn giảm học phí cho sinh viên người dân tộc thiểu số theo quy định. Đại học Huế cũng chỉ đạo các đại học thành viên, đơn vị trực thuộc thực hiện chi ít nhất 8% tổng nguồn thu học phí để cấp học bổng cho sinh viên. Trung bình 5 năm gần đây nhất là 27 tỷ đồng. Hằng năm, trích gần 200 triệu đồng để khen thưởng cho sinh viên.
Khuyến khích phát triển tài năng
Đại học Huế là một trong ba đơn vị trên toàn quốc tổ chức thí điểm xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong trường đại học thuộc Đề án 1665 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đại học Huế cũng tổ chức nhiều hoạt động về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hình thành mạng lưới cố vấn hỗ trợ cho các dự án khởi nghiệp của sinh viên, tổ chức cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đại học Huế. Các dự án khởi nghiệp của sinh viên Huế đã đạt các giải cao tại các cuộc thi khởi nghiệp, trong đó có giải nhất cuộc thi Business Ideas toàn quốc năm 2019.
Thực hiện chủ trương hợp tác quốc tế và nghiên cứu đào tạo, Đại học Huế đang thực hiện 23 dự án, 2 chương trình VLIR - IUC và VLIR - NET WOK được tiếp tục thực hiện giai đoạn 2 đến năm 2023. Đại học Huế cũng bắt đầu tham gia 2 mạng lưới đại học khu vực Đông Nam Á và châu Á - Đài Loan để trao đổi khoa học, hợp tác đào tạo và phát triển công nghệ. Hằng năm, thông qua hợp tác quốc tế, trên 200 cán bộ, giảng viên được đi đào tạo và bồi dưỡng; trên 100 sinh viên đi trao đổi, học tập và nghiên cứu ở nước ngoài.
Là một trong những giải pháp quan trọng nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng Đại học Huế trở thành cơ sở giáo dục trọng điểm quốc gia, việc thực hiện các chế độ, chính sách khuyến học ở Đại học Huế vẫn còn gặp một số khó khăn. Đa số sinh viên đều xuất thân từ các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên nên có số lượng lớn nghèo trong khi nguồn tài chính để hỗ trợ cho sinh viên hạn chế. Công tác khuyến học và khuyến tài ở Đại học Huế do vậy rất cần sự hỗ trợ, quan tâm của các tổ chức thiện nguyện.
Hội Khuyến học Thừa Thiên Huế tiếp tục tạo điều kiện để có nhiều hình thức khuyến học cho người học và cả đội ngũ giảng viên, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng, phát triển Đại học Huế và sự nghiệp giáo dục và đào tạo tỉnh Thừa Thiên Huế.
Bài, ảnh: AN NHIÊN