Học bổng Lê Văn Phúc do nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân đại diện là một trong số nhiều học bổng, trợ giúp của xã hội tiếp sức cho các học sinh, sinh viên nghèo theo đuổi học tập.
Năm nay, tình trạng học sinh bỏ học sau tết giảm. Đó quả là điều đáng vui mừng. Có được kết quả trên là nhờ sự quan tâm động viên, chăm lo sâu sát, chủ động của chính quyền các địa phương, của ngành giáo dục, của các đoàn thể xã hội v.v... đối với các đối tượng học sinh khó khăn, có nguy cơ bỏ học. Và quan trọng nữa, đó là nhờ ý thức của nhiều bậc phụ huynh nay đã thay đổi căn bản. Họ nhận ra được tầm quan trọng của con chữ; hiểu rằng, chỉ có học và học thì con em của họ mới thực sự có một sự đổi đời bền vững trong tương lai. Vậy là, dù có vất vả, khó khăn thế nào đi nữa, họ cũng đều cố gắng bằng mọi giá thúc giục, động viên con em đi học. Con em của họ cũng hiểu được tình cảm, ước mong của cha mẹ nên đã nỗ lực học chăm, học giỏi. Rất nhiều em đã được nhận các học bổng khuyến học, khuyến tài của các tổ chức, các nhà hảo tâm. Nhiều em đã ra trường, kiếm được việc làm, trở thành những công dân hữu ích, trở lại làm trụ cột cho gia đình, tham gia tài trợ cho các học bổng để tiếp sức cho lớp đàn em có điều kiện vươn lên.
Tôi có một bà cô như thế. Buôn gánh bán bưng, tối còn làm thêm đủ thứ việc, đan khăn, thêu áo... Cực nhọc trăm bề, nhưng quyết không chịu cho đứa con nào đứt gánh về chuyện học. Đến phiên anh con út thi đỗ vào Đại học Kiến trúc Tp Hồ Chí Minh, cả nhà lo sốt vó không biết lấy đâu ra tiền cho anh ăn học suốt 5 năm ở thành phố nổi tiếng đắt đỏ nhất nước. Hay là chờ thi qua trường khác, gần nhà, “dễ thở” hơn. Cô tôi không một chút đắn đo, kêu người cắt bán nửa ngôi nhà cho anh ăn học. “Sau này nó sẽ tạo lập lại nhà khác, to đẹp hơn.”- Cô qủa quyết. Và đúng thế, bây giờ anh đã ra trường, có công việc ngon lành tại Tp Hồ Chí Minh. Thu nhập cao, nhà cửa đề huề, còn gửi về giúp đỡ cha mẹ. Mấy người con khác của cô cũng vậy, thành danh thành tài cả. Bây giờ đời cô thong dong. Ai nhìn cũng phát thèm và công nhận cô sáng suốt.
Đáng buồn là một số người lại không được như cô tôi và nhiều bậc phụ huynh khác, họ không chịu nổi cảnh túng quẫn, hoặc có thể không vượt qua những cái lợi ngắn ngủi trước mắt. Thế nên, cho dù được trợ giúp từ nhiều phía, được động viên từ nhiều nguồn, vẫn “nghiến răng” đành đoạn cho con bỏ học để đi làm, kiếm tiền sớm.
“Một phụ huynh ở xã L. cho một lúc 2 con bỏ học để đi giúp việc, phụ bán hàng chỉ vì...không muốn thất hứa vì đã nhận lời người ta.”. Đó là chuyện mới xảy ra ngay sau cái tết “con khỉ” này. Đọc bài của phóng viên, tôi cứ bần thần cả buổi. Lại nhớ trường hợp một cô bé trước đây mà mình đã may mắn giúp được. Đó là một cô bé bị bệnh tim bẩm sinh, nhà nghèo, mẹ đi lấy chồng khác và bắt cô phải đi giúp việc để lấy tiền gửi về phụ nuôi những đứa em cùng mẹ khác cha. Khi cơn bệnh trở nặng, cô bé trở nên xanh xao, người như mất hồn do khiếp đảm bởi ai cũng “khủng bố” em sẽ không còn sống được bao lâu nữa. Không thể cầm lòng, tôi đã liên hệ, và tổ chức Cứu trợ trẻ em không cha mẹ (ACWP) đã tìm đến. Em được chữa lành bệnh. Sau đó ACWP còn hứa giúp em trở lại trường học để học cho hết lớp 12. Đến lúc ấy, học tiếp hoặc muốn chuyển qua học nghề, ACWP sẽ xem xét để tiếp tục có chương trình trợ giúp. Vậy nhưng, bà mẹ của em thì một hai cương quyết không chịu, “đòi” được nhận... tiền mặt. Và khi không được đáp ứng thì cương quyết bắt con trở lại làm việc cho chủ cũ để “đảm bảo nguồn thu” cho gia đình (?!!). Bây giờ, thì nghe nói cô bé đã lấy chồng, phụ giúp bán buôn lẹt xẹt gì đó ở chợ. Cuộc sống nói chung là không có gì sáng sủa. Tôi nghe, chỉ còn biết lắc đầu. Giá như người mẹ cô bé nhìn xa hơn, có lẽ bây giờ...
Mấy dòng nghĩ vụn đầu xuân, hy vọng những bậc làm cha làm mẹ sẽ đồng cảm. Và những ai lỡ “nhìn ngắn hạn” sẽ giật mình nghĩ lại cho tương lai của con em mình.
Bài, ảnh: Hiền An