ClockThứ Tư, 06/01/2021 17:33

Mo cau lên bàn ăn

TTH - Ý tưởng độc đáo ấy được thầy trò Trường THPT Phú Bài (TX. Hương Thủy) nghĩ ra, bắt tay vào thực hiện. Bằng say mê nghiên cứu khoa học, cộng với băn khoăn giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ rác thải nhựa, họ đã thành công.

Tạo cơ hội cho các ý tưởng khởi nghiệp tiềm năngKhởi nghiệp từ những điều đơn giảnKhởi nghiệp từ… đất sét

Huỳnh Thị Phương Liên và Võ Tá Thành Minh giới thiệu sản phẩm từ mo cau

Nhiều ưu điểm

“Qua việc tìm hiểu về các vấn đề ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa gây ra, chúng em bắt đầu nghiên cứu các chất hữu cơ có thể thay thế đồ dùng nhựa. Mo cau là một chất liệu như thế: an toàn, có thể phân hủy trong đất sau 3 tháng. Chính vì vậy, em và bạn Võ Tá Thành Minh chọn lựa hướng đi này, đặt tên đề tài là “Nghiên cứu quy trình sản xuất chén, dĩa từ mo cau thay thế chén, dĩa nhựa sử dụng một lần”, gửi tham dự Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc lần thứ 16 - 2020” - Huỳnh Thị Phương Liên, học sinh lớp 10B4, Trường THPT Phú Bài, cho biết.

Đề tài được đánh giá rất cao, vì nhiều ưu điểm. Thứ nhất, đã thay thế được máy ép thủy lực bằng sản phẩm máy ép chén dĩa từ mo cau với hiệu quả tương đương 60-70% máy ép thủy lực, nhưng giá thành rẻ hơn nhiều lần. Thứ hai, thay thế được quá trình chiếu tia UV khử trùng bằng bước ngâm mo cau trong dung dịch H2O2 15% với hiệu quả khử trùng, làm trắng tương đương nhưng vẫn đem lại an toàn cho người sử dụng, đồng thời chi phí xử lý, khử trùng bằng phương pháp ngâm trong dung dịch hydro peoxide 15% cũng rẻ hơn rất nhiều so với phương pháp chiếu tia UV của nhiều nơi hiện nay.

Theo đánh giá, chén dĩa làm từ mo cau có thể thay thế các sản phẩm nhựa sử dụng 1 lần, có thể sử dụng làm đồ đựng thức ăn tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm, đồ uống... đảm bảo các tiêu chí bền, chắc, đẹp, giá rẻ và an toàn đối với sức khỏe của người tiêu dùng và quan trọng là không phát hiện độc tố Aflatoxin (một loại độc tố vi nấm, tác nhân gây ung thư) theo kết quả kiểm nghiệm.

Võ Tá Thành Minh chia sẻ: “Đề tài tận dụng được nguồn nguyên liệu phế phẩm thải là mo cau, có thể tiết kiệm được nguyên liệu và hoá chất trong quá trình thực hiện. Từ đó có thể áp dụng vào quy mô sản xuất công nghiệp lớn hoặc ứng dụng để sản xuất trong các hộ gia đình. Giá thành ước tính đưa vào thị trường khoảng 700 đồng/1 sản phẩm, rẻ hơn so với dĩa chén thông thường. Quy trình sản xuất trải qua 4 giai đoạn: rửa sạch mo cau, đem ngâm trong dung dịch H2O2, sấy khô, sau đó đưa vào máy để ép ra thành phẩm. Trong quá trình sản xuất, không sử dụng bất kỳ loại hóa chất nào nên sản phẩm sau khi hoàn thiện không chỉ đảm bảo an toàn cho người sử dụng mà còn giữ được mùi thơm nguyên thủy của mo cau. Đối với máy ép, chúng em xây dựng dựa trên nguyên tắc gia công bằng lực, sau đó gia nhiệt để sản phẩm thành hình”.

Triển vọng

Thầy Phan Châu Bình, giáo viên Trường THPT Phú Bài - người sát cánh cùng Liên và Minh trong quá trình sáng tạo cho biết, sản phẩm chén, dĩa sản xuất từ mo cau sau khi đem đi kiểm nghiệm, được cấp chứng nhận đạt các tiêu chí “An toàn đối với bao bì, dụng cụ bằng nhựa tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm” theo quy chuẩn của Bộ Y tế.

“Trong các công đoạn, khó khăn nhất là tạo khuôn, cần kinh phí nhiều hơn. Lúc đầu, thầy trò mong muốn tạo ra nhiều sản phẩm khác nhau, để có thể đưa sản phẩm phong phú cho người sử dụng chọn lựa. Nhưng vì kinh phí hạn hẹp, đề tài chỉ dừng lại ở chén, dĩa. Nếu được quan tâm phát triển đề tài, chắc chắn họ sẽ thành công hơn nữa”, thầy Bình nói.

Mọi công sức đều được đền đáp xứng đáng. Tại lễ tổng kết và trao giải Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc lần thứ 16 - 2020, đề tài được trao giải ba. “Chúng em rất vui, cảm thấy mình may mắn khi đạt giải. Hiện tại, chúng em mong muốn sản phẩm được đưa ra thị trường, góp phần chung tay bảo vệ môi trường, bảo vệ an toàn cho người sử dụng”. Phương Liên chia sẻ thêm.

Liên tục từ năm 2015 đến nay, Trường THPT Phú Bài luôn đơn vị nằm trong top đầu tại các cuộc khoa học kỹ thuật, sáng tạo thanh niên nhi đồng cấp thị xã, cấp tỉnh và quốc gia. Kết quả trên cho thấy hướng đi đúng của lãnh đạo nhà trường trong việc ưu tiên đẩy mạnh nghiên cứu khoa học cho học sinh ngay khi các em bước vào đầu cấp học. Từ đó, góp phần khuyến khích các em mạnh dạn nghiên cứu khoa học, sáng tạo kỹ thuật và vận dụng kiến thức của các môn học vào giải quyết những vấn đề trong thực tiễn.

Thầy Hà Văn Trí, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Phú Bài cho biết, sản phẩm đạt giải của trường đã được các doanh nghiệp, công ty kết nối, đặt vấn đề mua lại. Trước mắt, họ đầu tư xây dựng phòng sáng chế với đầy đủ trang thiết bị, cơ sở vật chất cho các em nghiên cứu. Mặt khác, thời gian tới, nhà trường tiếp tục tổ chức các cuộc thi bài bản, hướng đến đạt kết quả cao hơn, tạo điều kiện tốt nhất cho thầy cô giáo yên tâm nghiên cứu, tạo điều kiện cho học sinh về mặt kinh phí, cơ sở vật chất để đẩy mạnh phong trào sáng tạo của thầy lẫn trò trong trường.

Bài, ảnh: Hàn Đăng

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ươm mầm cho những ý tưởng khởi nghiệp đột phá

Sáng 6/10, Đại học Huế (ĐHH) tổ chức cuộc thi và trao giải chung kết cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo ĐHH lần thứ VII, năm 2024” với mong muốn đem lại giá trị thiết thực cho cộng đồng.

Ươm mầm cho những ý tưởng khởi nghiệp đột phá
THÔNG TIN DOANH NGHIỆP:
Khám phá các tours du lịch địa phương độc đáo cùng Culture Pham Travel

Khi nói đến việc khám phá chiều sâu văn hóa, lịch sử và ẩm thực độc đáo của Việt Nam, Huế luôn là điểm đến không thể bỏ qua. Là cố đô của Việt Nam, thành phố này tự hào với nét đẹp truyền thống và các di tích cổ kính. Culture Pham Travel chuyên cung cấp những trải nghiệm đáng nhớ thông qua các tour khám phá vùng nông thôn, ẩm thực và văn hóa Huế, được dẫn dắt bởi các hướng dẫn viên am hiểu và nhiệt huyết.

Khám phá các tours du lịch địa phương độc đáo cùng Culture Pham Travel
Return to top