ClockThứ Bảy, 14/05/2016 14:13
TRƯỜNG DÂN TỘC NỘI TRÚ:

Mô hình được bà con “ưng bụng”

TTH - Thừa Thiên Huế hiện có hai trường dân tộc nội trú cấp huyện đào tạo cấp trung học cơ sở (THCS) một tại Nam Đông, một tại A Lưới và một trường trung học phổ thông (THPT) DTNT cấp tỉnh đặt tại Huế.

Học sinh Trường DTNT Nam Đông với các hoạt động ngoại khoá

Tuyển sinh chặt chẽ

Hệ thống trường  DTNT của tỉnh hiện được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị như các trường THCS, THPT theo quy định đối với trường chuẩn quốc gia. Ngoài ra còn được đầu tư khu nhà ở nội trú, nhà ăn cho học sinh, nhà công vụ cho giáo viên, nhà sinh hoạt, giáo dục văn hóa dân tộc, được giáo dục hướng nghiệp, dạy nghề phổ thông theo hướng chuẩn hoá. Hàng năm, CSVC của các trường được ưu tiên tu sửa. Riêng ở A Lưới, chuẩn bị cho năm học tới, Trường DTNT của huyện mới nhận bàn giao đưa vào sử dụng dãy nhà hiệu bộ gồm 5 phòng và thư viện được đầu tư xây dựng đạt chuẩn quốc gia. Ông Trần Duy Nguyên, Trưởng phòng GD&ĐT cho biết, mô hình DTNT đã và đang được bà con dân tộc A Lưới đánh giá cao, ai cũng mong muốn con em mình được học.

Công tác tuyển sinh vào trường luôn tiến hành chặt chẽ, có 98% học sinh của trường là người dân tộc thiểu số (Bộ quy định 95%). Ở Nam Đông, mặc dù tỷ lệ học sinh người dân tộc thiểu số thấp hơn, nhưng tại trường DTNT của huyện, tỷ lệ tuyển sinh vẫn ưu tiên đúng đối tượng là người dân tộc thiểu số (học sinh người Kinh không quá 5%).

Hiện, mỗi trường chỉ có từ 8 đến 10 lớp với 200 đến dưới 240 học sinh theo đối tượng. Hai trường cấp huyện mỗi năm tuyển từ 40 đến 60 chỉ tiêu, trường tỉnh tuyển 100 chỉ tiêu, là con em các dân tộc thiểu số của hai huyện Nam Đông, A Lưới, Hương Trà, Phú Lộc và Phong Điền. Đây là con số khá khiêm tốn so với nhu cầu, nhưng cho thấy sự cần thiết phải nghiêm túc trong tuyển sinh để bảo đảm chất lượng đào tạo theo đúng mục tiêu. Các trường DTNT hiện thực hiện kế hoạch giáo dục theo mục tiêu, chương trình của các cấp học phổ thông tương ứng, có bổ sung kiến thức về lịch sử, địa lý, ngôn ngữ, văn hóa dân tộc thiểu số và địa phương. Học sinh của các trường được tham gia nhiều hoạt động giáo dục hướng nghiệp, giáo dục nghề phổ thông; dạy nghề truyền thống phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của các dân tộc trong môi trường ưu việt hơn.

Tại các trường DTNT, học sinh được nuôi dưỡng trong môi trường khá chuyên biệt để phát triển toàn diện, được hưởng chế độ ưu tiên để học tập trưởng thành và có ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc mình. Các em sau khi tốt nghiệp THCS, THPT ở Trường phổ thông DTNT được ưu tiên xét đào tạo tiếp theo chế độ cử tuyển và sẽ là nguồn đào tạo cán bộ cho các vùng đặc biệt khó khăn.

Thời điểm này, công tác tuyển sinh vào các trường DTNT của tỉnh được triển khai đến từng đối tượng. Công tác tuyển sinh sẽ diễn ra vào cuối tháng 6 với hình thức xét tuyển kết hợp kiểm tra đầu vào hai môn toán và tiếng Việt, bảo đảm quy chế chung của Bộ GD&ĐT và kế hoạch tuyển sinh hàng năm do Sở GD&ĐT và UBND tỉnh quyết định trên cơ sở quy hoạch đào tạo. Điều kiện dự tuyển đầu tiên là phải có đủ sức khỏe để học tập và công tác lâu dài, trong độ tuổi quy định và có hồ sơ hợp lệ. Ngoài hồ sơ theo quy định hiện hành của Quy chế tuyển sinh, học sinh dự tuyển còn phải có các giấy tờ gồm đơn xin học có xác nhận của UBND xã, phường, thị trấn. Lý lịch do UBND cấp xã xác nhận. Phiếu khám sức khỏe do bệnh viện cấp huyện trở lên cấp.

Nét mới

Tiến sĩ Phạm Văn Hùng, Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết, theo quy định mới của Bộ, năm nay công tác tuyển sinh vào các trường DTNT có những nét mới chủ đạo như: Các học sinh dân tộc Kinh cũng như các dân tộc khác, nếu có hộ khẩu 36 tháng liên tục tại vùng đặc biệt khó khăn sẽ được dự tuyển sinh (trước đây, học sinh người dân tộc thiểu số là 36 tháng, người dân tộc Kinh phải 60 tháng). Con em các xã Xuân Lộc (Phú Lộc), Hồng Tiến (Hương Trà), Phong Mỹ (Phong Điền) năm nay không xét tuyển theo chỉ tiêu mà đăng ký dự tuyển (xét tuyển kèm thi tuyển)  như mọi thí sinh các vùng khác nếu đủ điều kiện quy định. Ông Hùng cho biết, đây là một thay đổi nhằm đảm bảo công bằng, tránh khiếu nại về việc giao chỉ tiêu nhiều hay ít. Đặc biệt, từ 1/7/2016, hệ thống trường DTNT thay vì trực thuộc sở sẽ trực thuộc phòng GD&ĐT các huyện. Sự thay đổi này, theo lãnh đạo các trường, sẽ giúp các trường hoà vào nhịp độ hoạt động, phát triển chung của bậc học một cách thuận tiện hơn.

Bài, ảnh: Hương Giang

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tay đào, tay xoài

Rẽ vào con đường nhỏ gần chợ thị trấn A Lưới, khu vườn của ông Đào Trọng Ninh khiến nhiều người đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Ít ai biết được có cơ ngơi như ngày hôm nay là hành trình hơn 20 năm gắn bó gieo mầm xanh trên vùng đất này.

Tay đào, tay xoài
A Lưới đảm bảo điều kiện thoát nghèo trong năm 2024

Sau 2 năm (2022 - 2023) thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG), đến nay “bộ mặt” huyện A Lưới đã có nhiều khởi sắc, công tác giảm nghèo bền vững đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, đảm bảo điều kiện thoát khỏi tình trạng nghèo trong năm 2024.

A Lưới đảm bảo điều kiện thoát nghèo trong năm 2024
Đầu tư cho huyện nghèo A Lưới và 7 xã đặc biệt khó khăn

Để thực hiện thành công mục tiêu đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo tinh thần Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị, một trong các chỉ tiêu cần đạt được đến năm 2025 là tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều toàn tỉnh giảm còn 1,84%. Để đạt tỷ lệ này, tỉnh ưu tiên tập trung nguồn lực giảm nghèo cho huyện nghèo A Lưới và 7 xã đặc biệt khó khăn.

Đầu tư cho huyện nghèo A Lưới và 7 xã đặc biệt khó khăn
Return to top