ClockThứ Ba, 23/01/2024 14:14

Nguồn lực từ cựu sinh viên

TTH - Trong quá trình xây dựng Đại học Huế trở thành Đại học Quốc gia, cần tận dụng tối đa các nguồn lực, trong đó có các cựu sinh viên (CSV).

Trường đại học Ngoại ngữ trao bằng tốt nghiệp cho 250 nghiên cứu sinh, học viên, sinh viên Trường đại học Sư phạm có Chủ tịch hội đồng trường

 Trường đại học Sư phạm trao tặng xe máy cho sinh viên nghèo từ nguồn hỗ trợ của cựu sinh viên

Hỗ trợ thế hệ sau

Hơn một tháng qua, Cù Huy Ước, sinh viên năm nhất, ngành Giáo dục tiểu học, Trường đại học Sư phạm, Đại học Huế đã di chuyển đến trường nhanh, thuận lợi hơn. Em cũng đã có thêm điều kiện để về nhà thường xuyên khi được nhận học bổng là một chiếc xe máy mới. Em và một sinh viên khác là hai sinh viên nghèo vượt khó được một CSV của nhà trường trao tặng xe máy, với mong muốn giúp con đường đến trường của các em gần hơn. Xa hơn là giúp con đường đến tương lai của các em phần nào được rút ngắn lại. Cù Huy Ước chia sẻ, ngày nhận thông tin được tặng xe máy từ CSV nhà trường, em đã không ngủ được. Món quà là tài sản có giá trị, em chỉ biết cảm ơn và quyết tâm sẽ học tập chăm chỉ hơn nữa, để không phụ lòng tin tưởng của thầy, cô và CSV đã trao tặng học bổng.

Những ngày Huế mưa lạnh cuối năm 2023, ThS. Đặng Thị Trà, Chủ tịch Hội đồng trường, Hiệu trưởng Hệ thống Giáo dục Chu Văn An Quảng Bình, CSV khóa 1, Khoa Giáo dục tiểu học, Trường đại học Sư phạm đã vượt chặng đường gần 200km trở về mái trường xưa, với mong muốn hỗ trợ cho những thế hệ sau. Theo đó, CSV này trao tặng 250 triệu đồng vào quỹ học bổng của CSV Trường đại học Sư phạm. Số tiền này sẽ được trao trong vòng 5 năm, mỗi năm là 50 triệu đồng. Tuy không lớn, song nguồn kinh phí này phần nào động viên, khuyến khích tinh thần học tập của các sinh viên, nuôi dưỡng tình yêu của các em với nghề giáo, nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý.

ThS. Đặng Thị Trà chia sẻ, tuy ở xa, nhưng chị vẫn luôn dõi theo trường từng ngày qua kênh truyền thông. Những thông tin được cập nhật liên tục, kịp thời là cầu nối giữa CSV với nhà trường. Thấy được sự tận tâm không biết mệt mỏi của thầy cô dành cho lớp lớp thế hệ sinh viên, khiến chị tự hào hơn về nơi đã giúp chị có được thành công ngày hôm nay.

Theo PGS.TS. Nguyễn Thành Nhân, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường đại học Sư phạm, Đại học Huế, đáng quý là các CSV vẫn luôn nhớ về trường xưa, dành trọn tình yêu, sự kính trọng đối với thầy, cô giáo. Những năm qua, từ sự hỗ trợ, góp sức của các CSV, hàng ngàn sinh viên đã được tiếp sức. Hàng vạn sinh viên đã từ giảng đường Sư phạm Huế tỏa đi khắp mọi miền của Tổ quốc để thực hiện sứ mệnh trồng người. Nay họ trở về, tiếp thêm nguồn lực để các thế hệ sau tiếp nối con đường mà họ đã đi. Đó là truyền thống tốt đẹp của sinh viên nhà trường.

Tận dụng các nguồn lực

GS.TS. Nguyễn Vũ Quốc Huy, Hiệu trưởng Trường đại học Y – Dược đánh giá, sự trở về của CSV là rất quan trọng, nhất là trong lĩnh vực y khoa. Những y, bác sĩ ngày nào giờ là những giáo sư, phó giáo sư, bác sĩ đầu ngành. Với những kinh nghiệm qua quãng thời gian miệt mài học tập, nghiên cứu, đến thực hành trong và ngoài nước, các CSV nhà trường đã quay về, mang những vốn kiến thức quý giá truyền lại cho các thế hệ bác sĩ trẻ, giúp họ sớm trưởng thành. Qua đó, tạo sự uy tín, thương hiệu cho nhà trường.

Tiền thân của Đại học Huế là Viện Đại học Huế được thành lập năm 1957, là đại học đầu tiên và lâu đời nhất khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Hàng trăm ngàn sinh viên của Đại học Huế đã ra trường. Rất nhiều người trở thành chính khách, doanh nhân nổi tiếng; nhiều người cũng trở thành những nhà khoa học, với những nghiên cứu làm thay đổi xã hội…

Lãnh đạo Đại học Huế đánh giá, không dừng ở đó, các nguồn lực từ vật chất, đến tinh thần mà các CSV mang lại cho các trường là tiền đề để các trường có thêm nguồn lực quan trọng để xây dựng chiến lược phát triển. Nhận thấy được tầm quan trọng của mối quan hệ giữa nhà trường với các CSV đó, Đại học Huế, các trường thành viên, khoa trực thuộc Đại học Huế đều tăng cường, củng cố mối quan hệ này.

PGS. TS. Lê Anh Phương, Giám đốc Đại học Huế nhấn mạnh, Đại học Huế đang phát huy tối đa nội lực để xây dựng Đại học Huế thành Đại học Quốc gia theo Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị. Nội lực không chỉ gói gọn cơ sở vật chất, giảng viên, nghiên cứu khoa học… đang có của Đại học Huế mà còn ghi nhận sự đóng góp của lực lượng CSV. Các CSV cũng chính là nguồn nội lực quan trọng để Đại học Huế cụ thể hóa mục tiêu quan trọng này khi biết tận dụng hiệu quả. Đại học Huế đang triển khai nhiều giải pháp, kêu gọi sự trở về các CSV để cùng xây dựng Đại học Quốc gia.

Bài, ảnh: ĐỨC QUANG
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

ĐẠI HỌC HUẾ HƯỚNG ĐẾN ĐẠI HỌC QUỐC GIA:
Nhiều tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu

Trong tiến trình xây dựng và phát triển, đặc biệt kể từ sau 30 năm tái thành lập, Đại học Huế (ĐHH) đã cơ bản đạt các tiêu chuẩn, tiêu chí để trở thành Đại học Quốc gia theo quy định.

Nhiều tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu
Tổ chức xóa nhà tạm, nhà dột nát phải đồng bộ, đa dạng hóa nguồn lực

Sáng 10/11, chủ trì Phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước (Ban Chỉ đạo), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng ban Chỉ đạo cho rằng, Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát là chương trình nhân văn sâu sắc, phải được triển khai với tinh thần trách nhiệm cao, cảm xúc mạnh mẽ, với tư duy đổi mới; nhấn mạnh thời gian, trí tuệ và sự quyết tâm, quyết liệt là yếu tố mang tính quyết định của Phong trào.

Tổ chức xóa nhà tạm, nhà dột nát phải đồng bộ, đa dạng hóa nguồn lực
Nhật Quyên với “Trường học ‘không tường’”

Tại giải thưởng Kiến trúc Xanh sinh viên năm 2024 – SGA 2024, Khoa Kiến trúc, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế vinh dự có 2/19 đồ án được trao giải. Đồ án tốt nghiệp “OTT – Trường học ‘không tường’ – Không gian trải nghiệm hành trình xanh” của sinh viên Nguyễn Hoàng Nhật Quyên (sinh năm 2001) nhận được nhiều sự khen ngợi từ ban giám khảo và giành giải Nhì toàn quốc.

Nhật Quyên với “Trường học ‘không tường’”

TIN MỚI

Return to top