Không thể nào quên những năm tháng các thầy, cô đi lao động ở Nam Đông, Hải Cát và một số nơi khác, rất vất vả nhưng tràn đầy niềm vui của tuổi trẻ. Chúng tôi nhường cho nhau những chiếc lốp xe đạp, tấm vải… trong hoàn cảnh kinh tế bao cấp, chế độ tem phiếu của cả nước những năm sau khi đất nước thống nhất. Chính trong gian khó của cuộc sống, của dạy và học đó, tình cảm đồng nghiệp, đồng môn, thầy trò càng gắn bó, gần gũi hơn. Và như thế, tất cả chúng tôi trưởng thành, chung sức xây dựng Khoa, đào tạo từ khóa I đến khóa 39, 40 hôm nay.
Hơn 40 năm qua, kể từ 1976 đến nay, nhìn lại cảnh và người, thầy và trò đã có nhiều thay đổi: một số thầy, cô đã mất, một số người chuyển công tác khác, nhiều thầy, cô nghỉ hưu và số đông hiện nay là CBGD chủ chốt của khoa. Một số thầy, cô có trình độ chuyên môn cao và và được phong tặng danh hiệu cao quý như PGS, NGƯT; có thầy đã giữ chức vụ cao của Đảng ở cấp tỉnh. Những anh chị em sinh viên các khóa, hầu hết đã trưởng thành, công tác ở nhiều lĩnh vực khác nhau ở miền Trung, Tây Nguyên và nhiều nơi khác trong cả nước. Trong số đó, một số người đã và đang giữ những chức vụ cao về Đảng, chính quyền cấp tỉnh, thành phố; giám đốc các đài phát thanh truyền hình, các sở; tổng biên tập các báo, tạp chí; nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu... Sự thành đạt của các thế hệ sinh viên, trước hết là ở năng lực bản thân, môi trường làm việc và những điều kiện khác, nhưng chắc chắn những kiến thức được đào tạo ở Khoa Ngữ văn cũng góp phần quan trọng để vào đời. Điều này khẳng định chất lượng đào tạo và quảng bá thương hiệu Khoa Ngữ văn, ĐHKH Huế với xã hội.
Thời gian tiếp nối các thế hệ sinh viên ra trường, chắc có người đã nghỉ hưu, thành ông, thành bà, có người đang công tác. Nhưng, những kỷ niệm của một thời đầy hoài bão, ước mơ, hồn nhiên có lẽ chẳng ai quên được. Làm sao không nhớ những ngày sinh viên K2, K4, K5 rồi K13 của Khoa say sưa với những vở diễn: Nghêu, Sò, Ốc, Hến; Tự do thiêng liêng. Đó là những vở diễn được chuyển thể từ tác phẩm văn học dân gian Việt Nam, văn học Nga, vừa giúp sinh viên hiểu sâu hơn nhân vật, câu chuyện, vừa là một hoạt động của phong trào văn nghệ. Những vở diễn này đã từng công diễn tại Nhà văn hóa Trung tâm Huế (trước đây), sân Hổ Quyền (Thủy Biều), xã Triệu Phước (Triệu Phong, Quảng Trị), Điện Bàn, Hội An (Quảng Nam) và một số nơi khác. Không ai trong đội văn nghệ của Khoa thời đó quên những đêm diễn ở xã Triệu Phước trong khung cảnh trời mưa phải che tăng bạt và dùng máy phát điện thuê từ Đông Hà về; rồi diễn ở sân Hổ Quyền dưới ánh đèn mờ ảo… do điện yếu.
Cũng không thể quên được, nơi những căn nhà cấp 4 ở cư xá 27 Nguyễn Huệ, sáng sáng thầy trò gọi nhau dậy tập thể dục. Những chuyến đi thực tập, thực tế ở Điện Bàn, Hội An (Quảng Nam - K2), An Nhơn, Phú Cát (Bình Định - K5), Mộ Đức, Đức Phổ (Quảng Ngãi - K16) và một số nơi khác của các khóa cũng để lại nhiều kỷ niệm cho thầy trò và bà con địa phương.
Năm tháng sẽ qua đi, các thế hệ thầy, cô và sinh viên Khoa Ngữ văn, ĐHKH Huế đã, đang và sẽ trưởng thành, già đi rồi theo quy luật sinh tử của tạo hóa. Nhưng, Khoa Ngữ văn, ĐHKH Huế vẫn mãi trường tồn theo năm tháng và luôn là chiếc nôi đào tạo, trưởng thành, là một chốn đi về không thể nào quên của thầy trò chúng ta.
Hà Văn Lưỡng (Khoa Ngữ văn, Trường ĐHKH Huế)