Chương trình đào tạo ở Trường cao đẳng Nghề Du lịch Huế ngày càng hướng đến năng lực thực tiễn
Hướng đến năng lực
Tiêu chuẩn VTOS phiên bản mới cung cấp danh mục hơn 65 chứng chỉ đề xuất cho các đối tượng từ nhân viên tập sự bậc 1 đến quản lý cấp cao bậc 5. Các chứng chỉ này bao quát tất cả nghề quan trọng thuộc cả lĩnh vực khách sạn và lữ hành. Với hệ thống chứng nhận mới, không chỉ các lao động trong ngành ở các vị trí công việc, như: Nhân viên quầy bar, nhân viên pha chế hay nhân viên hành lý có thể đạt được các chứng chỉ nghề mà cả các hướng dẫn viên du lịch, quản lý lữ hành và các bếp trưởng đều có cơ hội được ghi nhận kỹ năng và năng lực làm việc, được chứng nhận trong quá trình phát triển sự nghiệp. Tiêu chuẩn VTOS cũng là thước đo để Hội đồng cấp chứng chỉ Nghiệp vụ Du lịch (VTCB) đánh giá kỹ năng nghề của người lao động thông qua các kỳ thẩm định VTOS được tiến hành trên toàn quốc.
Ông Vũ Quốc Trí, Giám đốc Dự án EU cho hay, tiêu chuẩn VTOS phiên bản mới được xây dựng tương thích với tiêu chuẩn năng lực chung về nghề du lịch trong ASEAN và đáp ứng các quy định của thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về nghề du lịch trong ASEAN, đảm bảo yêu cầu hội nhập cộng đồng kinh tế ASEAN từ năm 2016. Dự án EU cùng Hội đồng VTCB khuyến khích các doanh nghiệp và người lao động áp dụng tiêu chuẩn VTOS trong công tác đào tạo và thực hiện công việc nhằm chuẩn hóa các kỹ năng nghề, từ đó nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch.
Chương trình đào tạo ở Trường cao đẳng Nghề Du lịch Huế ngày càng hướng đến năng lực thực tiễn
Theo T.S Trần Thị Mai, nguyên Hiệu trưởng Trường cao đẳng Nghề Du lịch Huế, chuyên gia cao cấp của Dự án EU, đối tượng áp dụng VTOS 2013 có thể là cơ quan quản lý Nhà nước, các doanh nghiệp du lịch, nhân viên du lịch, học sinh sinh viên, cơ sở đào tạo du lịch. Đây là bộ tiêu chuẩn nghề du lịch linh hoạt, đáng tin cậy, chi phí thấp và tiện lợi.
Nên áp dụng rộng rãi
Bà Hồ Thị Thúy Nga, Phó Hiệu trưởng Trường cao đẳng Nghề Du lịch Huế cho biết: “VTOS 2013 phân chia thành các nhóm đơn vị năng lực. Cấu trúc của mỗi đơn vị năng lực có đầy đủ các thông tin, như tiêu chí thực hiện, yêu cầu kiến thức, kỹ năng, điều kiện thực hiện, hướng dẫn đánh giá, phương pháp đánh giá, đặc biệt có phần tham chiếu với tiêu chuẩn ASEAN nên rất thuận lợi trong quá trình giảng dạy và điều chỉnh chương trình theo xu hướng hội nhập”. Cũng theo bà Nga, việc áp dụng tiêu chuẩn VTOS 2013 nhằm tạo được năng lực thực hiện cho người học nên áp dụng phương pháp giảng dạy tích hợp là khả thi và giảm thiểu sự đơn điệu trong tổ chức giảng bài.
Tiêu chuẩn kỹ năng nghề Du lịch Việt Nam (VTOS - Vietnam Tourism Occupational Skills Standards) được xây dựng trong khuôn khổ triển khai Dự án Phát triển nguồn nhân lực Du lịch Việt Nam do Liên minh châu Âu tài trợ và đã được Hội đồng cấp chứng chỉ nghiệp vụ Du lịch (VTCB) thẩm định, phê duyệt và phát hành. VTOS được hiểu là những tiêu chuẩn thực hiện công việc cần phải đạt được và những kiến thức, kỹ năng cần thiết để thực hiện công việc hiệu quả.
|
T.S Trần Thị Mai cho rằng, VTOS 2013 cần được triển khai đào tạo theo năng lực. Bởi, đào tạo theo năng lực nâng cao năng lực cạnh tranh, khả năng hội nhập của nhân lực du lịch Việt Nam; nâng cao tính chủ động, tự tin, sáng tạo, linh hoạt; tiết kiệm được thời gian và chi phí, nâng cao cơ hội việc làm cho học viên. Đồng thời, đáp ứng tốt nhu cầu tuyển dụng lao động, tiết kiệm chi phí đào tạo cho doanh nghiệp.
Việc áp dụng VTOS 2013 cũng gặp những rào cản khi kỹ năng thực hành, kinh nghiệm thực tiễn và trình độ ngoại ngữ của đội ngũ giáo viên còn hạn chế. Các cơ sở đào tạo thiếu cơ sở thực hành, nguồn lực đầu tư cho hoạt động đào tạo còn thấp; thiếu cơ chế phối hợp giữa các cơ sở đào tạo với các doanh nghiệp kinh doanh du lịch. Vì vậy, cần thí điểm xây dựng cơ sở đào tạo dựa vào VTOS 2013 theo hướng tiếp cận năng lực, chia sẻ học tập kinh nghiệm của các trường quốc tế; thành lập tổ biên soạn chương trình, tài liệu giảng dạy dựa vào VTOS 2013 tại mỗi trường có sự tham gia của doanh nghiệp; tổ chức bồi dưỡng nâng cao năng lực cho giáo viên…
Nhiều doanh nghiệp du lịch cũng đang áp dụng VTOS 2013 vào việc nâng cao năng lực cho đội ngũ lao động. Bà Nguyễn Hoàng Thụy Vy, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Du lịch, Giám đốc Khách sạn Mường Thanh Huế cho rằng: “Tiêu chuẩn này phù hợp với khả năng tiếp cận của chúng tôi, mang lại những kết quả nhất định để nâng cao hơn nữa năng lực, chất lượng nguồn nhân lực du lịch”.
Theo ông Vũ Quốc Trí, Bộ tiêu chuẩn VTOS 2013 là công cụ tốt để phát triển nguồn nhân lực. Vấn đề còn lại là cách sử dụng công cụ ấy. Sự hợp tác, đối thoại giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp du lịch là yếu tố then chốt đảm bảo thành công trong việc phát triển nhân lực du lịch. “Đề nghị các doanh nghiệp tiếp tục nghiên cứu VTOS 2013 để phục vụ ngay cho công việc. Các cơ sở đào tạo áp dụng bộ tiêu chuẩn tham khảo để xây dựng chương trình đào tạo sử dụng phương pháp đánh giá năng lực cho sinh viên”, ông Trí đề xuất.
Bài, ảnh: Minh Hiền