Nghề giáo luôn được tôn vinh
Trong phong tục tập quán của người Việt, Tết chủ đạo gồm 3 ngày, trong ngày mùng 3 Tết, các học trò thường đến chúc tết thầy cô giáo của mình để tỏ sự kính trọng, lòng biết ơn đối với thầy cô, cũng là để thăm hỏi, chúc mừng nhân dịp đầu năm mới.
Cô giáo Trần Thị Minh, về hưu hơn 20 năm nhưng mỗi lần Tết đến là cô chuẩn bị khá kỹ lưỡng. Cô bảo, mình là giáo viên dạy tiểu học. Học trò mình giờ đã thành đạt nhiều nhưng mỗi năm cứ đến mùng 3 Tết là các trò lại đến thăm. Đám học trò cứ tự phục vụ bánh kẹo, rồi ngồi quây quần tâm sự, nghe thầy cô hỏi chuyện và thông báo cho thầy cô về công việc, gia đình năm qua cũng như những dự định sắp tới… Mùng 3 Tết thầy trôi qua trong bầu không khí đầm ấm tình thầy trò như vậy đã trở thành nét đẹp truyền thống. Tôi thực sự xúc động và thấy nghề giáo thời nào cũng được tôn vinh.
Cô giáo Trương Thị Khánh Hòa, dạy môn Ngữ Văn, Trường THPT A Lưới chia sẻ: Kỷ niệm với học trò thì rất nhiều, nhưng có lẽ tình cảm của các bạn học sinh dành cho thầy cô giáo thân thương nhất. Cứ đến Tết các em ngắt hoa dại ven đường, hái búp măng rừng, thậm chí mang cả quả bầu, bí của nhà trồng đến tặng thầy cô.
Học trò cũ đến thăm thầy giáo ở làng Phước Tích
Còn nhớ Tết năm trước, tôi có dịp về làng Phước Tích (Phong Điền), ngôi làng chỉ có vỏn vẹn hơn 120 hộ, trên 450 nhân khẩu nhưng có đến hơn 300 nhà giáo. Trò chuyện với thầy giáo Lê Trọng Đào, cựu giáo viên trong làng, thầy cho biết gia đình thầy có đến 6 giáo viên. "Tết năm nào tôi cũng chuẩn bị nhiều món ngon. Cứ mùng 3 Tết, học trò ở quanh quẩn trong làng ăn mặc rất đẹp đến chúc Tết thầy. Có nhiều nhà, cha mẹ, con cái đều do tôi dạy cả nên cứ mùng 3 Tết cả nhà đến thăm thầy như đi trẩy hội", thầy kể.
Dẫu Tết thầy thời nay có nhiều thay đổi, nhưng trong tâm thức mỗi người Việt, nhớ về người thầy trong những ngày vui Tết là truyền thống không bao giờ mất. Có hơn 25 năm đứng lớp, cô Lê Thị Thuận, giáo viên dạy Toán ở một trường THPT trên địa bàn TP. Huế trải lòng, thế hệ trẻ ngày nay không như chúng tôi thời xưa, các em thoải mái thể hiện tình cảm với thầy, cô qua mạng xã hội. Ngày Tết cũng không là ngoại lệ, các em nhớ đến ai sẽ chúc mừng thầy, cô qua tin nhắn, điện thoại, Zalo, Facebook…
Cũng theo cô Thuận, học trò thời nay khá thoải mái, tự nhiên, gần gũi khi thể hiện tình cảm với thầy cô trong suốt năm học. Dù chúc qua Facebook, zalo hay đến trực tiếp thì vẫn đáng trân trọng vì đó là tình cảm chân thành của các em học sinh. Nhiều bạn thể hiện tình cảm với thầy cô trên Facebook thường hay dùng “icon” dễ thương như “bắn tim”, “thả tim”, biểu tượng yêu mến là bình thường. Qua Facebook, thầy cô trở thành người bạn lớn, kiêm nhà tư vấn tâm lý cho các em ở độ tuổi mới lớn. Hơn nữa, giáo viên sẽ hiểu thêm về tính cách, cuộc sống gia đình, bạn bè của học trò.
Vẫn muốn giữ cho con nét đẹp về Tết thầy, chị Nguyễn Thị Ái Mỹ, phụ huynh có con học tiểu học cho hay: Năm nào tôi cũng đến thăm thầy cô cũ của mình để những em bé trong gia đình cũng được học, tiếp nối truyền thống Tết Thầy. Đơn giản chỉ là những lời chúc Tết, có thể kèm theo phong bao chúc lì xì nếu như thầy cô đã cao niên. Nhưng nếu năm bận quá không đi thăm thầy cô được, tôi lại gửi lời chúc, nhắn gửi qua Facebook cho cô giáo của mình. Quan trọng, tôi vẫn muốn các con hiểu về ý nghĩa của việc giữ gìn truyền thống Tết thầy, luôn thể hiện tấm lòng chân thành tri ân người dạy dỗ mình.
Bài, ảnh: Huế Thu