ClockThứ Tư, 17/07/2019 12:45
TĂNG CƯỜNG TIẾNG VIỆT CHO TRẺ VÙNG DÂN TỘC THIỂU SỐ:

Cần môi trường học tập & tấm lòng yêu trẻ

TTH - Qua triển khai thực hiện tăng cường tiếng Việt, chất lượng học tập của học sinh mầm non dân tộc thiểu số ở Thừa Thiên Huế chuyển biến tích cực. Các em đã mạnh dạn, tự tin và thích đến trường.

Tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu sốTăng cường tiếng Việt cho trẻ vùng dân tộc thiểu sốTăng cường dạy tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số

Giao lưu tăng cường tiếng Việt cho trẻ vùng dân tộc thiểu số

Ghi nhận từ Hồng Bắc

Giúp trẻ Pa cô học tốt môn tiếng Việt, Trường mầm non Hồng Bắc (huyện A Lưới) quan tâm tổ chức việc dạy và học linh hoạt và sinh động. Hiệu trưởng Trần Thị Nghiêu chia sẻ: Để có những bài giảng hay và hiệu quả, các cô giáo phải sưu tầm đồ dùng dạy học gần gũi với cuộc sống của trẻ, tận dụng những nguyên vật liệu sẵn có của địa phương để làm hình ảnh minh họa sinh động, thông qua các tiết kể chuyện bằng tiếng Việt. Qua những tiết học như vậy, trẻ hứng thú hơn với việc học tiếng Việt, tự tin giao tiếp với cô giáo và các bạn trong lớp. Thế nên, sau khi hoàn thành chương trình giáo dục mầm non, hầu hết các trẻ ở Hồng Bắc đều có tâm thế sẵn sàng bước vào lớp 1.

Khó khăn về giao tiếp tiếng Việt là rào cản lớn nhất của trẻ vùng dân tộc thiểu số khi vào lớp 1 và đó chính là lý do UBND tỉnh phê duyệt Kế hoạch thực hiện đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non và học sinh tiểu học vùng DTTS giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến 2025”. Hồng Bắc là một trong số 31 trường mầm non ở Thừa Thiên Huế có trẻ dân tộc thiểu số, được đánh giá là nơi thực hiện tốt đề án quan trọng, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc này.

Đầu tư từ nhiều phía

Báo cáo của Sở GD & ĐT cho biết, triển khai thực hiện đề án, cơ sở vật chất, trường lớp, trang thiết bị, đồ dùng dạy học ở các cơ sở giáo dục mầm non vùng dân tộc thiểu số được quan tâm đầu tư. Hầu hết các đơn vị đều xây dựng được môi trường tăng cường tiếng Việt cho trẻ, có đủ đồ dùng, đồ chơi, tài liệu bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số tại địa phương…

100% cán bộ quản lý và giáo viên dạy trẻ vùng dân tộc thiểu số được bồi dưỡng phương pháp tăng cường tiếng Việt; 200/242 giáo viên dạy trẻ dân tộc thiểu số được bồi dưỡng tiếng dân tộc tại địa phương. Cán bộ quản lý xác định việc thực hiện đề án là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và đã chủ động xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện nội dung tăng cường tiếng Việt. Giáo viên chú trọng xây dựng môi trường giao tiếp, cho trẻ tập nói tiếng Việt trong hoạt động phát triển ngôn ngữ và lồng ghép tích hợp mọi lúc mọi nơi, biết lựa chọn nội dung phù hợp với đặc điểm vùng miền, tâm sinh lý lứa tuổi và dân tộc của trẻ.

Thật ấn tượng khi có 600 cha mẹ trẻ là người dân tộc thiểu số tham gia hướng dẫn cách hỗ trợ tăng cường tiếng Việt tại nhà. Các bậc phụ huynh đã phối hợp với các trường mầm non trong việc hướng dẫn, cùng tham gia với cô giáo để giúp trẻ lĩnh hội các kiến thức, kỹ năng, chuẩn bị tâm thế cho trẻ vào lớp 1; cùng nhà trường hỗ trợ trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi và tạo cảnh quan môi trường.

Khơi dậy đam mê học tập

Một trong hai khó khăn cơ bản trong việc triển khai dạy tiếng Việt cho học sinh mầm non dân tộc thiểu số ở Thừa Thiên Huế là nhiều bậc cha mẹ chưa thực sự chú trọng cho con nói tiếng Việt. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên còn ít thành thạo tiếng dân tộc thiểu số, trong khi tỷ lệ cán bộ quản lý, giáo viên mầm non người dân tộc thiểu số thấp nên khó khăn trong việc thực hiện tăng cường tiếng Việt cho trẻ. Chưa kể, một bộ phận có năng lực sư phạm hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới.

Cùng với việc tăng cường cơ sở vật chất, nâng cao năng lực gắn với thực hiện tốt các chế độ, chính sách dành cho đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên, vấn đề đặt ra là cần xây dựng môi trường tiếng Việt, tạo điều kiện cho trẻ tập nói, giao tiếp bằng tiếng Việt; cần cho trẻ làm quen với việc đọc, viết đúng theo chương trình giáo dục mầm non, giúp trẻ chuyển tiếp lên tiểu học được thuận lợi. Đồng thời, tạo môi trường giao tiếp tích cực tại gia đình và cộng đồng gắn với tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn mô hình tăng cường tiếng Việt; xây dựng tài liệu địa phương (tiếng dân tộc), tăng cường hoạt động giao lưu. Năm học 2018 - 2019, ngành giáo dục và đào tạo đã tổ chức giao lưu tăng cường tiếng Việt cho trẻ vùng dân tộc thiểu số ở 4 điểm trường của 2 huyện Nam Đông và A Lưới với 280 cháu 5 tuổi/1.178, đạt tỉ lệ 23,8%.

Phó Giám đốc phụ trách Sở GD và ÐT Ðặng Phước Mỹ cho biết: Các trường mầm non tại tỉnh đã phát động phong trào sáng tác bài hát, câu đố, trò chơi… để phát triển ngôn ngữ tiếng Việt cho trẻ dân tộc thiểu số; phối hợp hội phụ huynh, già làng, trưởng bản sưu tầm các tác phẩm văn học dân gian như truyện thơ, sử thi, câu đố, các bài hát ru của người dân tộc thiểu số để dùng trong các trường mầm non. Ngành giáo dục và đào tạo tỉnh khuyến khích phụ huynh, các tổ chức đóng góp đồ dùng, đồ chơi, vật dụng sinh hoạt địa phương để sử dụng trong hoạt động tăng cường tiếng Việt, giúp các em tự tin trong giao tiếp, mạnh dạn thể hiện ý kiến trước thầy cô, bạn bè.

Bài, ảnh: Huế Thu

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Lan tỏa việc học tập và làm theo Bác

3 năm qua, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã trở thành việc làm thường xuyên liên tục và có sự tan tỏa rộng lớn trong toàn thể Đảng bộ Khối Cơ quan và Doanh nghiệp (Đảng bộ Khối) tỉnh. Qua đó, xuất hiện ngày càng nhiều điển hình tiên tiến với cách làm hay trong lao động, học tập, sản xuất, kinh doanh, xây dựng đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp.

Lan tỏa việc học tập và làm theo Bác

TIN MỚI

Return to top