Ban tổ chức cho biết, để thực hiện chương trình đặc biệt này, êkíp đã phải chuẩn bị suốt nửa năm qua. Họ đã miệt mài tìm kiếm những tấm gương người thầy, người trò ở mọi miền Tổ quốc, thậm chí cả với các kiều bào sinh sống ở nước ngoài.
Cụ thể, chương trình sẽ có những điểm cầu tại Lũng Cú (Hà Giang), đảo Lý Sơn, trường học tại Trường Sa, Cần Thơ, Huế, Hà Tĩnh…
Tại mỗi điểm cầu, chương trình sẽ phản ánh không khí tưng bừng chào mừng ngày lễ Hiến chương các nhà giáo 20/11, những câu chuyện kể về tình nghĩa thầy-trò.
Bên cạnh đó là tọa đàm về đạo thầy trò suốt chiều dài lịch sử nước Việt với sự tham dự của Giáo sư Ngô Bảo Châu, nhà sử học Dương Trung Quốc, xạ thủ Hoàng Xuân Vinh.
Với thời lượng 16 giờ đồng hồ, chương trình sẽ có sự linh hoạt trong các phương thức thể hiện với nhiều thể loại tin tức, phóng sự, các cuộc phỏng vấn, tọa đàm, phim tài liệu, nghệ thuật.
Theo ban tổ chức, chương trình nhằm mục tiêu đề cao đạo nghĩa thầy trò, tinh thần hiếu học, phát huy truyền thống tôn sư trọng đạo từ ngàn xưa của người Việt.
Chia sẻ về chương trình này, ông Nguyễn Trung Hùng, phụ trách truyền thông dự án “Ngày thầy trò”, cho rằng, dù đâu đó có những câu chuyện tiêu cực chốn học đường, nhưng vẫn còn rất nhiều tấm gương ngời sáng về người thầy ở mọi miền Tổ quốc.
“Vẫn có những người thầy thầm lặng hy sinh để cõng từng con chữ lên rừng, xuống biển, mang đến những bài học làm người cho các thế hệ học trò. Bởi thế thông qua chương trình này, chúng tôi muốn biểu dương những tấm gương sáng, những câu chuyện tử tế, lay động lòng người về tình thầy trò, góp phần giúp xã hội tốt đẹp hơn,” ông Hùng nói.
Theo Vietnamplus