ClockThứ Hai, 06/11/2023 06:17
Đào tạo thạc sĩ sinh thái nông nghiệp:

Cung ứng nguồn nhân lực cho nền nông nghiệp sạch

TTH - Khi nhu cầu sử dụng sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn ngày càng cao, con người là yếu tố gốc rễ để làm chủ được nông nghiệp sinh thái.

Đam mê nông nghiệp sạchSản xuất nông nghiệp sạch từ phân hữu cơSạch và chất lượng cao

Nông nghiệp sinh thái là xu hướng tất yếu (ảnh minh họa) 

Nhu cầu cao về nông nghiệp sinh thái

Đại học Huế đưa ra phân tích, nông nghiệp là ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam. Hiện có đến 70% dân số trong cả nước đang lao động trong lĩnh vực này. Hiện nay, các sản phẩm nông nghiệp được sản xuất ra, không chỉ dừng lại phục vụ ăn no mà đã chuyển sang ăn ngon và sạch. Quan sát trên thị trường, sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn ngày càng được lựa chọn trong các bếp ăn của người dân.

Ở một cách tiếp cận khác của ngành nông nghiệp hiện đại, bên cạnh sản xuất ra các sản phẩm nông nghiệp an toàn thì còn phải làm tốt công việc bảo vệ, gìn giữ môi trường một cách bền vững.

Bởi theo các chuyên gia nhận định, tăng trưởng nông nghiệp ở Việt Nam hiện nay chủ yếu dựa trên thâm canh tài nguyên, lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y… Do đó, nông nghiệp Việt Nam thành công, nhưng đang phải trả giá bằng môi trường và sức khỏe con người. Thành tựu đạt được trong sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam vẫn được coi là thấp và lợi nhuận không ổn định, sản phẩm chất lượng thấp, suy thoái tài nguyên thiên nhiên và khả năng cạnh tranh chưa cao.

TS. Đỗ Thị Xuân Dung, Phó Giám đốc Đại học Huế phân tích, để phần nào giải quyết được các vấn đề trên, đòi hỏi phải có nguồn lao động có tay nghề, các kỹ sư am hiểu về nông nghiệp sạch, sinh thái nông nghiệp, áp dụng hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất…

“Xét về lĩnh vực đào tạo nguồn lao động đó, trong những năm gần đây, tại các quốc gia châu Á, trong đó có cả Việt Nam đã có các chương trình đào tạo về nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp bền vững và môi trường. Tuy nhiên, vẫn còn thiếu các chương trình đào tạo ở các bậc cao hơn, có thể kết nối tất cả các lĩnh vực để đào tạo đội ngũ chuyên nghiệp, có kiến thức và kỹ năng liên quan đến sự phát triển bền vững và nông nghiệp hữu cơ, từ sản xuất đến cung ứng chuỗi thực phẩm”, TS. Đỗ Thị Xuân Dung đánh giá.

Mới đây, Khoa Nông học, Trường đại học Nông Lâm, Đại học Huế đã khảo sát thị trường lao động ngành sinh thái nông nghiệp. Kết quả cho thấy, nhà tuyển dụng có yêu cầu cao đối với các lao động có kiến thức, kỹ năng, thái độ liên quan đến nghề nghiệp, đặc biệt là sinh thái nông nghiệp. Vai trò của sinh thái nông nghiệp là rất quan trọng, theo đánh giá của 70% tỷ lệ người khảo sát, còn đánh giá quan trọng là 30%. Trong tương lai, nhu cầu về sản phẩm sinh thái nông nghiệp sẽ rất cao, chiếm 90% người được khảo sát.

Tuy nhiên, khi khảo sát nguồn nhân lực chất lượng cao về lĩnh vực khoa học, kỹ thuật nông nghiệp chuyên sâu về sinh thái nông nghiệp thì còn thiếu và chưa đáp ứng được những yêu cầu của các cơ quan, doanh nghiệp tuyển dụng.

Chủ động cập nhật

Mới đây, được sự hỗ trợ của Liên minh châu Âu, dự án CDAE – phát triển chương trình đào tạo thạc sĩ về sinh thái nông nghiệp, thuộc chương trình Erasmus+ đã được triển khai. Theo đó, có 6 chương trình đào tạo thạc sĩ triển khai tại 6 trường đại học trong khu vực châu Á. Riêng Việt Nam có hai trường là Học viện Nông nghiệp Việt Nam và Trường đại học Nông Lâm, Đại học Huế.

TS. Đỗ Thị Xuân Dung thông tin, chương trình thạc sĩ sinh thái nông nghiệp được xây dựng dựa trên cơ sở nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực khoa học kỹ thuật về lĩnh vực sinh thái nông nghiệp, đáp ứng yêu cầu xã hội trong bối cảnh toàn cầu hóa và biến đổi khí hậu. Người học sau khi đào tạo xong sẽ có đầy đủ kiến thức, kỹ năng cần thiết để hoạt động chuyên môn về sinh thái nông nghiệp, vừa phát triển kinh tế, vừa bảo vệ môi trường. Cấu trúc của chương trình có sự kết hợp những học phần học trên lớp, thí nghiệm thực địa. Quá trình học sẽ dựa trên những phân tích hệ thống nông nghiệp hữu cơ bền vững, so sánh với cách làm nông nghiệp thông thường, bảo tồn đa dạng sinh vật và chất lượng sản phẩm hữu cơ.

Về phương pháp, bên cạnh hình thức học truyền thống trên lớp, còn áp dụng học trực tuyến. Đặc biệt là các chuyến đi thực địa đến các trung tâm, các nông trại hữu cơ, thân thiện môi trường, những nơi học viên có thể học hỏi được kinh nghiệm và thực hành. Kết hợp các học phần trong phòng thực nghiệm được thiết kế với các nội dung như phân tích ảnh hưởng của thuốc trừ sâu, phân bón…

GS. Hana Stredova, Trường đại học Mendel, Cộng hòa Séc góp ý, sẽ không có công thức toàn cầu nào để đào tạo ra những kỹ sư nông nghiệp sinh thái. Tùy từng quốc gia mà có những giáo trình, phương thức khác nhau; nhu cầu của xã hội như thế nào để đặt ra mục tiêu cụ thể nông nghiệp sinh thái. Quan trọng là xác định điểm xuất phát, thực trạng của ngành nông nghiệp ở Việt Nam hiện nay. Từ đó, phản ứng linh hoạt để điều chỉnh phù hợp.

“Ở Trường đại học Mendel, chương trình đào tạo nông nghiệp sinh thái hình thành khoảng 30 năm trước. Lúc này, quan điểm giữa nông nghiệp và sinh thái không đồng nhất. Phải mất 20 năm sau mới có thỏa thuận và tìm được tiếng nói chung của hai khía cạnh này với nhau. Tìm được quan điểm, sứ mệnh chung phải làm sao đạt được cân bằng giữa hai bên. Để phần nào rút ngắn thời gian, các trường đào tạo ở Việt Nam cần tối ưu hóa quy hoạch cảnh quan, đất đai, bảo vệ đất, nước trong nông nghiệp sinh thái. Nông nghiệp cũng sẽ thay đổi, biến động theo thời gian nên cần chuẩn bị các kỹ năng nhỏ, phụ, bên cạnh các kiến thức chính để người học có thể phản ứng khi phát sinh tình hình mới. Như tại Trường đại học Mendel luôn nhìn nhận, sẽ có những yếu tố mới tác động đến sinh thái nông nghiệp, nên trong tâm thế cập nhật liên tục và thay đổi kịp thời”, GS. Hana Stredova nhấn mạnh.

Bài, ảnh: ĐỨC QUANG
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp

Tại huyện A Lưới, công nghệ cao đang được đưa vào áp dụng rộng rãi trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là ở các mô hình chăn nuôi và trồng trọt, đem lại nhiều tín hiệu tích cực cho nền kinh tế địa phương.

Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp
Xanh như công viên, sạch như bệnh viện

Đó là khẩu hiệu được Bệnh viện Trung ương Huế cụ thể hóa từ phát động của Bộ Y tế. Nhiều hoạt động xây dựng môi trường trong lành, thân thiện, góp phần khống chế dịch bệnh, mang lại cả lợi ích cho thầy thuốc lẫn bệnh nhân.

Xanh như công viên, sạch như bệnh viện
A Lưới đột phá trong phát triển nông nghiệp

A Lưới chủ động lồng ghép các nguồn lực từ 3 Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) để đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp; xây dựng và phát triển ngành nông nghiệp từng bước theo hướng toàn diện, góp phần nâng cao đời sống của người dân và góp phần giảm nghèo bền vững.

A Lưới đột phá trong phát triển nông nghiệp

TIN MỚI

dịch vụ diệt muỗi Tác dụng của Phân kali với cây trồng
Return to top