UPM là sản phẩm do nhóm nghiên cứu ĐH Quốc gia Hà Nội thực hiện dưới sự tài trợ của Chương trình Khoa học Giáo dục cấp quốc gia do Bộ GD&ĐT chủ trì.
GS.TS Nguyễn Hữu Đức, nguyên Phó Giám đốc ĐHQGHN, người trực tiếp phụ trách hệ thống này cho biết, top 1000 đại học thế giới chiếm khoảng 3%. UPM quan tâm đến 97% với hơn 28.000 trường đại học còn lại, gồm đông đảo các cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) Việt Nam và khu vực, với vai trò và đóng góp lớn, tuy nhiên, chưa được đánh giá đúng mực.
Theo GS Đức, hệ thống này giúp các cơ sở GDĐH xác định, quản trị mục tiêu chiến lược, hướng tới đạt chuẩn top 100 của đại học châu Á. Nhiều tiêu chí gắn với các mốc chuẩn của đại học định hướng nghiên cứu quy định tại Nghị định 99/2019/ NĐ-CP của Việt Nam hướng dẫn thi hành Luật Giáo dục đại học.
Hiện có gần 40 trường đại học Việt Nam và ASEAN tự nguyện tham gia sử dụng bộ tiêu chí UPM để đối sánh chất lượng.
Kết quả đối sánh chất lượng và gắn sao đã cho thấy một bức tranh chân thực và tích cực về chất lượng các trường đại học Việt Nam và khu vực, mang thông tin hữu ích, nhiều chiều đến các bên liên quan từ các trường đại học, đến sinh viên, nhà tuyển dụng và nhà quản lý.
Hệ thống UPM tiếp cận theo xu hướng đối sánh và gắn sao các trường đại học
Xếp hạng theo 8 lĩnh vực, 54 tiêu chí
GS Nguyễn Hữu Đức chia sẻ, hệ thống UPM tiếp cận theo xu hướng đối sánh và gắn sao, theo đó, các trường đại học có thành tích gần nhau được xếp cùng một nhóm và gắn từ 1-5 sao. Trên cơ sở lõi xếp hạng truyền thống, UPM phát triển thêm các tiêu chí đặc trưng của đại học trong kỷ nguyên 4.0.
Cụ thể, UPM gồm 8 nhóm lĩnh vực và 54 tiêu chí. Mỗi lĩnh vực có mốc chuẩn và trọng số riêng với tổng cộng là 1000 điểm. 8 nhóm lĩnh vực lần lượt là: Quản trị chiến lược (5 tiêu chí, trọng số 6%), Đào tạo (15 tiêu chí, trọng số 35%), Nghiên cứu (4 tiêu chí, trọng số 20%), Đổi mới sáng tạo (4 tiêu chí, trọng số 11%), Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo (4 tiêu chí, trọng số 6%), CNTT và tài nguyên số (10 tiêu chí, trọng số 10%), Mức độ quốc tế hóa (9 tiêu chí, trọng số 6%) và Phục vụ cộng đồng (3 tiêu chí, trọng số 6%).
Theo GS Đức, lần lượt chỉ số thực tế của từng tiêu chí, từng lĩnh vực đều được đối sánh với mốc chuẩn và gắn sao, do vậy, UPM vừa giúp nhận diện tổng thể vừa có thể phân tích điểm mạnh, điểm yếu đến từng hoạt động, từng lĩnh vực của cơ sở giáo dục đại học.
Từ đây, hệ thống có thể cung cấp cho các trường đại học một bộ chỉ số cơ bản, làm công cụ quản trị chiến lược và hỗ trợ kiểm định chất lượng.
Dự kiến ngày 18/8/2020, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) và Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á (ASEAN University Network - AUN) đồng tổ chức Hội thảo quốc tế về “Đối sánh chất lượng giáo dục đại học” và giới thiệu hệ thống xếp hạng đối sánh do Việt Nam phát triển mang tên “University Performance Metrics” (UPM).
Đồng thời công bố kết quả xếp hạng đối sánh và gắn sao lần đầu tiên cho 30 cơ sở giáo dục Việt Nam và ASEAN.
Theo Dân trí