ClockThứ Hai, 11/06/2018 14:24

Đầu tư cho nghiên cứu khoa học trẻ: Nhìn từ điểm sáng Trường ĐH Y dược

TTH - Trường đại học (ĐH) Y Dược - ĐH Huế vừa xuất sắc mang về 12 giải thưởng tại Hội nghị khoa học công nghệ tuổi trẻ các trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) Y - Dược Việt Nam năm 2018 (tháng 5/2018). Đằng sau thành tích là sự đầu tư với những cách làm hay cho nghiên cứu khoa học (NCKH) trẻ.

Hơn 2.200 cơ hội việc làm tại ngày hội tư vấn tuyển dụng Trường ĐH Y dượcBệnh viện Trường ĐH Y dược tổ chức các hoạt động kỷ niệm 20 năm xây dựng và phát triểnTrường ĐH Y dược trao quyết định bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sưTrường ĐH Y Dược tổng kết hoạt động Khoa học – Công nghệ giai đoạn 2012 - 2017Tôn vinh hơn 220 tập thể, cá nhân có thành tích về hiến máu tình nguyện

Thành công lớn

Trong 12 giải thưởng mà Trường ĐH Y dược – ĐH Huế giành được, có 1 giải xuất sắc, 4 giải nhất, 3 giải nhì và 4 giải ba. Đáng nói là nhà trường chỉ tham gia 20 đề tài trong tổng số 183 công trình khoa học tiêu biểu được hội đồng giám khảo lựa chọn và thành tích ấy đã giúp trường đứng ở vị trí thứ 3 trong tổng 26 trường ĐH, CĐ y dược trên toàn quốc (sau Trường ĐH Y dược TP. Hồ Chí Minh và Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch).

 Trường ĐH Y Dược "bội thu" thành tích tại Hội nghị khoa học công nghệ tuổi trẻ các trường ĐH, CĐ Việt Nam năm 2018

Các giải thưởng trải rộng ở nhiều chuyên ngành: Sinh học phân tử, y học lâm sàng (nội, ngoại, sản), y học cổ truyền, y tế công cộng, điều dưỡng… Ở chuyên ngành y học cơ sở - chuyên ngành có sự cạnh tranh cao về chất lượng nghiên cứu, năm nay trường có một giải xuất sắc là đề tài “Nghiên cứu phân lập, tính chất và tiềm năng biệt hóa thành tế bào tim của tế bào gốc phôi thai tim” do TS. Nguyễn Thanh Tùng, bộ môn mô phôi thực hiện.

Bên cạnh các cán bộ, giảng viên trẻ, thành tích cũng đến với đối tượng sinh viên, trong đó đáng chú ý là đề tài “Thực trạng và một số yếu tố liên quan đến hoạt động thể lực ở trẻ vị thành niên tại tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2017” đạt giải nhất do sinh viên Hà Văn Anh Bảo cùng một số sinh viên khác thực hiện. Theo tác giả của giải thưởng, để có thành công này không dễ vì cuộc thi này quy mô lớn, thu hút rất nhiều nhà nghiên cứu trẻ tài năng, có môi trường và sự đầu tư mạnh. “Hội nghị này thu hút 1.500 công trình nghiên cứu khoa học đến từ 26 trường ĐH, CĐ y dược trên toàn quốc và hội đồng giám khảo lựa chọn 183 công trình khoa học tiêu biểu. Xét mặt bằng chung, các đơn vị cũng rất mạnh. Riêng về công trình của tụi em cũng có quá trình nghiên cứu khảo sát rất kỹ”, anh Bảo thẳng thắn.

Tại hội nghị, Bộ Trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến ghi nhận và tặng bằng khen cho các trường và đoàn trường, trong đó có Trường ĐH Y dược Huế vì đã có thành tích xuất sắc trong NCKH nói chung và khoa học trẻ nói riêng.

Cách làm hay

Trong bối cảnh NCKH trẻ ở các trường ĐH nói chung gặp nhiều khó khăn, việc Trường ĐH Y dược - ĐH Huế giành được những thành tích đã nói cho thấy sự đầu tư hợp lý về NCKH trẻ và những giải pháp hay, kích thích, tạo nền tảng cho cán bộ, sinh viên tham gia hoạt động này.

Đại diện lãnh đạo Trường ĐH Y dược - ĐH Huế chia sẻ, từ khi sinh viên bước vào giảng đường ĐH, nhà trường đã chú trọng đào tạo kiến thức, kỹ năng, phương pháp NCKH cho sinh viên và đẩy mạnh công tác truyền cảm hứng NCKH cho các đối tượng người học. Ngoài ra, nhà trường thường xuyên có chính sách bồi dưỡng, đào tạo và tạo điều kiện cho cán bộ trẻ đi học tại nước ngoài, nhất là các quốc gia như Úc, Italia, Nhật Bản, Hàn Quốc. “Tôi và các cán bộ trẻ khác đi học ở nước ngoài phần nào ảnh hưởng đến công tác giảng dạy, song nhà trường vẫn hết sức tạo điều kiện, thay vào đó trường mời các giảng viên hết tuổi quản lý tham gia giảng dạy và đưa ra những phương án hợp lý, giúp cán bộ trẻ yên tâm đi học. Trong các chuyến công tác, lãnh đạo trường cũng đến thăm, động viên chúng tôi”, TS. Nguyễn Thanh Tùng, cán bộ trẻ vừa giành giải xuất sắc tại hội nghị nói.

Hằng năm, Trường ĐH Y dược cũng tổ chức nhiều cuộc thi, hoạt động NCKH để cán bộ, sinh viên cọ xát, tăng kinh nghiệm. Đồng thời, thường xuyên mời các đoàn y, bác sĩ, chuyên gia giàu kinh nghiệm trong và ngoài nước đến chia sẻ, trao đổi về học tập, nghiên cứu khoa học đối với cán bộ và sinh viên...

Theo đại diện ban giám hiệu nhà trường, một trong những vấn đề nhà trường giải quyết được so với các đơn vị là tạo ra cơ sở vật chất cho hoạt động NCKH. Ngoài lợi thế cơ sở vật chất có sẵn của bệnh viện, trường thường xuyên đầu tư máy móc, trang thiết bị, kể cả các chuyên ngành chưa phải là thế mạnh của trường để sinh viên có điều kiện tham gia hoạt động nghiên cứu. Đồng thời, có chính sách hỗ trợ về kinh phí, động viên, khen thưởng kịp thời nhằm kích thích niềm đam mê sáng tạo, NCKH của cán bộ, sinh viên.

PGS. TS. Nguyễn Khắc Hoàn, Trưởng ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường ĐH Huế nhận định: “Trường ĐH Y dược – ĐH Huế là đơn vị giáo dục thành viên nổi bật nhất của ĐH Huế trong vấn đề NCKH trẻ. Nhà trường có chính sách đầu tư tốt, sinh viên đầu vào chất lượng cộng với tính chất, môi trường nghề nghiệp đặc thù nên tạo ra những hiệu quả, thành công trong NCKH, trong đó có NCKH của cán bộ trẻ và sinh viên”.

Bài, ảnh: Hữu Phúc

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tăng hiệu quả chăm sóc và điều trị trong lĩnh vực Nhi khoa

Ngày 1/11, hội nghị Nhi khoa toàn quốc lần thứ 25 khai mạc với chủ đề “Từ khoa học đến chính sách và thực tiễn”. Hội nghị có sự tham dự của UVTV Tỉnh ủy, Phó chủ tịch Thường trực UBND Tỉnh Nguyễn Thanh Bình; ông Đinh Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Bà mẹ Trẻ em, Bộ Y tế; PGS.TS. Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, Chủ tịch hội Nhi khoa Việt Nam; PGS.TS Trần Kiêm Hảo, Giám đốc sở y tế cùng hàng trăm bác sĩ, chuyên gia trong ngoài nước, nhà quản lý, hội viên Hội Nhi khoa Việt Nam…

Tăng hiệu quả chăm sóc và điều trị trong lĩnh vực Nhi khoa
Các xu hướng mới của chấn thương chỉnh hình đầu thế kỷ 21

Trong 2 ngày 25 - 26/10, Trường đại học Y Dược, Đại học Huế tổ chức Hội thảo khoa học thường niên Hội Chấn thương Chỉnh hình Việt Nam lần thứ 21 (VOA 2024) với chủ đề “Các xu hướng mới của chấn thương chỉnh hình đầu thế kỷ 21”.

Các xu hướng mới của chấn thương chỉnh hình đầu thế kỷ 21

TIN MỚI

Return to top