ClockThứ Hai, 08/11/2021 05:50

Dạy học thích ứng trong tình hình dịch bệnh

TTH - Trong tình hình dịch COVID-19 khó lường, ngành giáo dục chủ động duy trì hai phương án dạy học trực tiếp và dạy trực tuyến (online) cho học sinh, tùy vào tình hình cụ thể ở các địa phương. Chung quy vẫn phải đảm bảo chương trình học và an toàn cho học sinh khi đến trường.

17 phường, xã ở TP. Huế học sinh chuyển sang học online từ ngày 8- 10/11Địa phương chưa phong tỏa vẫn dạy và học trực tiếpĐẩy nhanh chuyển đổi số trong công tác quản lý, đào tạo

 Nhân viên y tế đo thân nhiệt cho học sinh khi đến trường

 

Chủ động, linh hoạt xây dựng phương án

Mấy ngày nay, phụ huynh phập phồng lo khi diễn biến về dịch COVID-19 phức tạp. Trường mẫu giáo nhiều nơi đóng cửa, một phần vì không an toàn, một phần phụ huynh tự động cho con nghỉ.

Phụ huynh ở các cấp học liên tục yêu cầu các trường chuyển sang hình thức học online và nếu đi học nhà trường phải có cam kết thực sự an toàn. Một số trường lúng túng và không muốn mạo hiểm nên đã lên phương án chuyển sang học trên truyền hình và học online. Đến ngày 7/11, cả tỉnh có 125 trường chuyển sang dạy, học trực tuyến, tập trung ở khối tiểu học và THCS.

Theo lãnh đạo ngành giáo dục, các trường học có thể linh hoạt xây dựng phương án kết hợp giữa dạy trực tiếp và dạy trực tuyến. Sở GD-ĐT chỉ đạo các trường học xây dựng kế hoạch, kịch bản, giải pháp sẵn sàng ứng phó với các tình huống dịch bệnh có thể xảy ra trong nhà trường.

Ở những địa bàn được xác định cấp độ 1,2 trong phòng, chống dịch COVID-19, các trường học phải chủ động chuẩn bị những điều kiện cần thiết để sẵn sàng chuyển sang hình thức dạy học khác khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, tận dụng tối đa thời gian học sinh có thể đến trường để dạy học trực tiếp, tổ chức dạy bù cho những học sinh trở về từ vùng giãn cách, khu cách ly, những học sinh không có điều kiện học trực tuyến hoặc học nhưng chưa nắm chắc kiến thức... Những địa bàn được xác định dịch ở cấp độ 3 tổ chức dạy học trực tiếp kết hợp với dạy học trực tuyến, học qua truyền hình. Tất nhiên, dạy học trực tiếp phải bảo đảm giãn cách phù hợp, bố trí lớp học không quá 25 học sinh/phòng. Các địa bàn thuộc cấp độ 4 tổ chức dạy học trực tuyến, học qua truyền hình…

Tại Trường THCS Nguyễn Chí Diểu, bắt đầu từ 6/11 tổ chức dạy học trực tuyến (online). Giáo viên thiết kế bài giảng thông qua các video clip rồi gửi cho học sinh, sau đó giáo viên và học sinh sẽ cùng tương tác trên các nền tảng dạy trực tuyến như Google Meet, K12Online, Zoom…

Cô giáo Hoàng Thị Thủy, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Chí Diểu cho biết: Việc dạy học trực tuyến đòi hỏi giáo viên phải chuẩn bị bài giảng theo hướng mới hơn, chú trọng các nội dung căn bản để hầu hết học sinh nắm bắt được. Ngoài ra, nhà trường khuyến cáo tuyệt đối không cầm máy điện thoại trên tay, vừa dùng máy, vừa sạc khi đang học online mà phải để điện thoại trên giá đỡ hoặc trên bàn, có khoảng cách vừa phải đủ nghe được giáo viên giảng bài và xem được trên màn hình để ghi bài vào vở. Khi gặp bất cứ khó khăn gì trong tham gia học tập, cần liên hệ với giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn để được hỗ trợ kịp thời, cô Thủy thông tin.

Đo thân nhiệt cho học sinh tại Trường tiểu học Quang Trung

Công tác an toàn phòng, chống dịch được siết chặt

Đến ngày 7/11, nhiều trường vẫn tổ chức học trực tiếp nhưng công tác an toàn phòng, chống dịch được siết chặt. Ngoài thực hiện đeo khẩu trang, vệ sinh, khử trùng trường, lớp, các trường học còn bố trí phòng cách ly tạm thời, phòng y tế bảo đảm theo quy định, tổ chức khảo sát, thống kê những học sinh có người thân về từ vùng có dịch đang cách ly tại nhà, cho phép các em chưa đến trường học trực tiếp.

Các trường học bố trí người đo thân nhiệt, phân luồng lối đi vào, ra khu vực trường, hạn chế tối đa sử dụng thiết bị sinh hoạt chung (đối với trường bán trú). Thầy giáo Đặng Đức Tuệ, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Huệ cho biết: Nhà trường có trên 1.800 học sinh và đang dạy học trực tiếp trong điều kiện thực hiện nghiêm các khuyến cáo của ngành y tế về phòng, chống dịch bệnh. Học sinh đều đã đăng ký tiêm vắc-xin còn giáo viên trong trường chuẩn bị tiêm mũi 2.

Đến thời điểm này, ngành giáo dục đã phối hợp với Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh sản xuất gần 600 bài giảng, trong đó 270 bài bậc THCS và  290 bài bậc tiểu học để phục vụ học sinh khi không đến trường cũng như làm tốt công tác bồi dưỡng nghiệp vụ giáo viên trong chương trình giáo dục phổ thông mới.

Với hình thức xây dựng kho bài giảng trên truyền hình đã giúp đội ngũ thầy, cô giáo ở các vùng xa, vùng chưa được tập huấn về chương trình sách giáo khoa mới áp dụng thuận tiện. Ngoài ra, chương trình học trên truyền hình của khối lớp 1, 2 và 6 ở Thừa Thiên Thuế đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo sử dụng để dạy cho học sinh không đến trường được trong toàn quốc.

Ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho rằng, với quan điểm an toàn sức khỏe học sinh là trên hết, hiện nay đa số học sinh phải học trực tuyến và bằng nhiều hình thức khác nhau phù hợp với điều kiện của từng gia đình.

Để tổ chức tốt việc dạy và học, các trường học đã tập huấn kỹ năng cho giáo viên, bố trí phương tiện, thiết bị cần thiết để giảng dạy.

Sở lưu ý các trường quan tâm đảm bảo an toàn trong dạy học, biên soạn tài liệu cô đọng, súc tích. Các trường phân công giáo viên kết nối với phụ huynh để cùng hướng dẫn, đồng hành với nhà trường, giúp học sinh theo kịp nội dung, chương trình học. Sau khi dịch bệnh được kiểm soát và học sinh được trở lại trường, giáo viên sẽ nỗ lực hỗ trợ thêm để các em có kiến thức vững chắc hơn.

Bài, ảnh: Huế Thu

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

GCA cam kết thúc đẩy toàn cầu hành động thích ứng với biến đổi khí hậu

Hiện nay, tính cấp thiết của việc tìm ra giải pháp cho tình thế tiến thoái lưỡng nan về biến đổi khí hậu chưa bao giờ rõ ràng hơn. Vào năm 2024, cuộc thảo luận toàn cầu về thích ứng với khí hậu đã trở nên sâu sắc. Nhiệt độ tăng cao, các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt và hệ sinh thái thay đổi đặt ra những thách thức đáng kể cho cả các quốc gia phát triển và đang phát triển.

GCA cam kết thúc đẩy toàn cầu hành động thích ứng với biến đổi khí hậu
Dạy học thích ứng với mùa mưa lũ

Trong tình hình mưa lũ, các trường học ở vùng thấp trũng cần tính đến phương án dạy học linh hoạt để “sống chung” vói điều kiện thời tiết.

Dạy học thích ứng với mùa mưa lũ
Tiên phong ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong giảng dạy và quản lý giáo dục

Đó là chủ đề hội thảo sẽ diễn ra vào ngày 30/11 tại TP. Huế do Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) và Công ty TNHH Giáo dục FPT tổ chức nhằm cung cấp, chia sẻ kiến thức về ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong lĩnh vực giáo dục và thảo luận, phân tích những thách thức khi triển khai công nghệ AI trong quản lý và giảng dạy. Dự kiến có khoảng 450 - 500 người tham gia hội thảo này.

Tiên phong ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong giảng dạy và quản lý giáo dục

TIN MỚI

Return to top