Ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục phát biểu tại hội thảo
Chia sẻ về định hướng đổi mới trong công tác bồi dưỡng thường xuyên giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông tại hội thảo “Phát triển năng lực nghề nghiệp đội ngũ nhà giáo - thành quả và thách thức” sáng 28/3, ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết:
Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ rà soát, điều chỉnh, bổ sung, tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tạo hành lang pháp lý cho công tác bồi dưỡng thường xuyên; đổi mới hình thức, phương pháp bồi dưỡng thường xuyên; đổi mới chương trình, nội dung, tài liệu bồi dưỡng thường xuyên giáo viên và tăng cường chỉ đạo, quản lý, đánh giá công tác bồi dưỡng thường xuyên.
Riêng về đổi mới chương trình, nội dung, tài liệu bồi dưỡng thường xuyên, ông Phạm Tuấn Anh nhấn mạnh quan điểm: Tiếp tục quán triệt hoạt động bồi dưỡng thường xuyên là hoạt động thường xuyên nhằm nâng cao năng lực nghề nghiệp, phẩm chất đạo đức của giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục để đáp ứng yêu cầu của chuẩn nghề nghiệp và tiêu chuẩn chức danh nhằm thực hiện tốt các nhiệm vụ của hạng chức danh nghề nghiệp.
Việc thực hiện nghiêm túc đánh giá theo chuẩn nghề nghiệp, chuẩn hiệu trưởng hằng năm sẽ giúp giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục nhận thức rõ điểm mạnh, điểm yếu của cá nhân làm căn cứ để cá nhân đề xuất các nội dung bồi dưỡng thiết thực, hiệu quả.
Bồi dưỡng đội ngũ về phương pháp dạy học, phương pháp kiểm tra đánh giá rất quan trọng
Ông Phạm Tuấn Anh cho rằng, việc xây dựng các chương trình bồi dưỡng phải bám sát vào nhiệm vụ, chức trách của giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục được quy định trong các Điều lệ nhà trường các cấp học cũng như các văn bản quy phạm pháp luật liên quan.
Đặc biệt, phải xuất phát từ nhu cầu bồi dưỡng của giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục; từ thực tiễn và yêu cầu của các cấp quản lý giáo dục ở địa phương theo nhiệm vụ năm học hàng năm có đối chiếu với đánh giá chuẩn nghề nghiệp để xác định rõ năng lực còn thiếu, còn yếu của giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục…
Cần chủ động xây dựng kế hoạch, tài liệu và tổ chức bồi dưỡng nội dung 2 (nội dung dành cho các địa phương) thật tốt góp phần phát triển nghề nghiệp cho đội ngũ. Phát huy tối đa việc khảo sát, lấy ý kiến giáo viên về nhu cầu bồi dưỡng qua hệ thống TEMIS để nắm bắt nhu cầu bồi dưỡng của đội ngũ, trên cơ sở đó xây dựng chương trình bồi dưỡng cho phù hợp (bồi dưỡng cái mà đội ngũ cần chứ không áp đặt nội dung bồi dưỡng).
Xây dựng các mô đun bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục từ kết quả đánh giá, phân loại đội ngũ theo chuẩn nghề nghiệp. Đặc biệt chú trọng bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý cơ sở giáo dục giúp họ có đủ kiến thức và năng lực để có thể quản lý, chỉ đạo giáo viên trong việc thực hiện, triển khai chương trình, sách giáo khoa mới. Với các nội dung bồi dưỡng tự chọn đã được ban hành kèm theo các chương trình bồi dưỡng thường xuyên, các địa phương, cơ sở giáo duc cần xây dựng kế hoạch bồi dưỡng theo nhu cầu của giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục; tránh tình trạng áp đặt mô đun bồi dưỡng.
Việc xây dựng kế hoạch bồi dưỡng của các địa phương cần xuất phát từ nhu cầu bồi dưỡng của giáo giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục. Trên cơ sở nhu cầu bồi dưỡng của người học để thiết kế, xây dựng các khoá bồi dưỡng; tránh tình trạng để thuận lợi cho công tác quản lý mà bỏ qua nhu cầu bồi dưỡng của người học.
Về đổi mới tài liệu bồi dưỡng thường xuyên, ông Phạm Tuấn Anh thông tin: Hệ thống tài liệu phục vụ đổi mới chương trình giáo dục phổ thông được ban Quản lý chương trình ETEP chủ trì tổ chức thực hiện. Bộ Giáo dục và Đào tạo giao cho các trường sư phạm xây dựng rất công phu, bài bản; tài liệu đa dạng từ tài liệu giấy, tài liệu số hóa, video, clip, infographic…và được chuyển tải lên Hệ thống học tập trực tuyến LMS.
Theo giaoducthoidai.vn