ClockThứ Ba, 12/10/2021 06:45

Đối xử nhân đạo với động vật trong nghiên cứu

TTH - Không chỉ tháo gỡ rào cản cho nhà khoa học về nghiên cứu liên quan đến động vật, sự ra đời của Hội đồng Tư vấn (HĐTV) về đạo đức với động vật trong nghiên cứu còn mở ra nhiều giải pháp để đối xử nhân đạo với động vật khi thực hiện các nghiên cứu.

Chủ động hợp tác để nâng cao chất lượng đào tạoNghiên cứu khoa học ở Đại học Huế: Luẩn quẩn "chung" - "riêng"

Buổi xét duyệt hồ sơ đăng ký về đạo đức với động vật trong nghiên cứu

Bước tiến tiên phong

Buổi họp xét hồ sơ đăng ký phê duyệt về đạo đức với động vật nghiên cứu đợt 1 năm 2021 của HĐTV về đạo đức với động vật trong nghiên cứu tại Trường đại học (ĐH) Nông Lâm, ĐH Huế vào cuối tháng 8/2021 thật mới lạ. Dù mới hơn 3 tháng thành lập hội đồng và đó cũng là phiên họp đầu tiên xét hồ sơ nhưng có đến 6 hồ sơ của các nhà khoa học đến từ Trường ĐH Nông Lâm và Trường ĐH Y - Dược. Nhiều nội dung được HĐTV về đạo đức với động vật trong nghiên cứu xem xét, trong đó có hoạt động, hành vi sử dụng động vật làm thí nghiệm liên quan đến nguy cơ gây tổn thất về thần kinh và thể chất của con vật như có gây ra stress, đau đớn, suy kiệt…

Không ngoa khi khẳng định đó là bước tiến và cũng là bước tiên phong của ĐH Huế trong việc đối xử nhân đạo với động vật trong nghiên cứu. Lâu nay, vấn đề đối xử nhân đạo, quyền hay phúc lợi động vật (đảm bảo trạng thái tốt về thể chất và tinh thần của con vật) được đem ra mổ xẻ khá nhiều. Đối với công tác nghiên cứu liên quan đến động vật, thông lệ quốc tế, nhất là các nước phát triển bắt buộc các nghiên cứu phải được tổ chức thẩm quyền phê duyệt liên quan đến nghiên cứu có sử dụng động vật thì các tạp chí có uy tín của quốc tế mới chấp nhận, song, trong nước đang thiếu các tổ chức liên quan.

“Để làm các nghiên cứu liên quan đến động vật và có thể xuất bản bài báo quốc tế, chúng tôi phải gửi đề cương nghiên cứu sang một HĐTV về đạo đức với động vật trong nghiên cứu ở nước ngoài, có thể là Úc hoặc Hà Lan, trình bày rõ quy trình tổ chức thực hiện, các thí nghiệm liên quan đến động vật. Điều này khá mất thời gian, cũng là rào cản với nhiều nhà khoa học”, PGS. TS. Nguyễn Hữu Văn, Trưởng khoa Chăn nuôi Thú y - Trường ĐH Nông Lâm chia sẻ.

Rất nhiều trường ĐH, viện nghiên cứu trong toàn quốc cần đến HĐTV về đạo đức với động vật trong nghiên cứu, tuy nhiên để ra đời là cả một quá trình. GS. TS. Lê Đình Phùng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm, Chủ tịch HĐTV về đạo đức với động vật trong nghiên cứu cho biết: “Từ hơn 10 năm trước, chúng tôi đã manh nha nghiên cứu để thành lập hội đồng. Năm 2014 - 2020, đã tổ chức rất nhiều hội nghị, hội thảo mời các trường ĐH, học viện, viện nghiên cứu liên quan để bàn vấn đề thành lập hội đồng, nhưng trong nước chưa có các quy định cụ thể liên quan. Sau rất nhiều năm nghiên cứu, đầu tháng 5/2021, Giám đốc ĐH Huế đã trao quyết định thành lập hội đồng. Đây cũng là hội đồng đầu tiên trong nước, sau đó các đơn vị khác đã và đang tham khảo mô hình hội đồng của ĐH Huế để thành lập”, GS. Phùng kể.

Theo nhiều nhà khoa học, sự ra đời của HĐTV về đạo đức với động vật trong nghiên cứu của ĐH Huế không chỉ là bước tiên phong mà còn là bước tiến lớn, góp phần hội nhập sâu rộng về cả đào tạo lẫn nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế đáp ứng nhu cầu trong nghiên cứu của chuyên gia nhiều ngành từ chăn nuôi, thú y, thủy sản và trong y dược cũng tiến hành nhiều thí nghiệm, nghiên cứu liên quan đến động vật. Vai trò của hội đồng sẽ giảm thiểu tác động xấu đến mức thấp nhất đến tính mạng và tinh thần cho con vật.

Giải quyết nghiên cứu trong nước và quốc tế

Nguyên tắc chung bảo đảm đạo đức là sau khi đề cương, thuyết minh nghiên cứu được hội đồng khoa học phê duyệt và trước khi triển khai, nghiên cứu liên quan đến sử dụng động vật phải được HĐTV về đạo đức với động vật trong nghiên cứu xem xét, hướng dẫn và chấp thuận về khía cạnh đạo đức. Các thí nghiệm sử dụng động vật đều chịu sự giám sát của hội đồng trong quá trình triển khai.

Sự ra đời của HĐTV về đạo đức với động vật trong nghiên cứu không chỉ mang tầm khu vực mà đã được các tạp chí uy tín của thế giới chấp thuận, có khả năng phê duyệt về khía cạnh đạo đức cho các nghiên cứu từ các trường ĐH, học viện, viện nghiên cứu trong toàn quốc. Theo GS. TS. Lê Đình Phùng, đối với các nước trong khu vực có nhu cầu, cũng có thể gửi đề cương nghiên cứu để HĐTV về đạo đức với động vật trong nghiên cứu xem xét, góp ý và “cấp phép” tiến hành nghiên cứu, đảm bảo yêu cầu xuất bản quốc tế của các tạp chí uy tín trên thế giới.

Trong tương lai, khi nhiều đơn vị trong toàn quốc thành lập hội đồng, GS. TS. Lê Đình Phùng mong muốn sẽ kết hợp để phát triển, thành lập hội đồng lớn mang quy mô quốc gia như Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh giải quyết những vấn đề tầm cỡ hơn.

Ngày 5/5/2021, PGS. TS. Nguyễn Quang Linh, Giám đốc ĐH Huế đã trao quyết định thành lập HĐTV về đạo đức với động vật trong nghiên cứu nhiệm kỳ 2021 - 2026. Hội đồng gồm 13 thành viên có chuyên môn thuộc ngành chăn nuôi, thú y, thủy sản và sinh học.

Thành viên hội đồng đánh giá hồ sơ dựa vào những tiêu chuẩn được hội đồng thống nhất, điển hình như: Xem xét các vấn đề chuyên môn và pháp lý có liên quan đến sử dụng động vật làm thí nghiệm như: có gây ra đau đớn, stress, thay đổi hành vi do vật lý hoặc hóa chất tác động…; Xem xét các vấn đề liên quan đến các trường hợp điều trị cấp cứu, trợ tử, giết động vật theo cách nhân đạo nhất…; Xác định rõ mức độ rủi ro (tối thiểu, trung bình hoặc cao) và lợi ích, các nguy cơ dự kiến cho động vật sử dụng trong nghiên cứu, cân nhắc lợi ích – nguy cơ…

Bài, ảnh: Hữu Phúc

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Xứng tầm Đại học Quốc gia

Gần 70 năm xây dựng và phát triển, đặc biệt trong 30 năm tái thành lập đã tạo cho Đại học Huế (ĐHH) tầm vóc của một cơ sở giáo dục quốc gia.

Xứng tầm Đại học Quốc gia

TIN MỚI

Đồ ăn chó Thức ăn SmartHeart
Return to top