ClockThứ Bảy, 22/12/2018 07:00
XÓA MÙ CHỮ CHO ĐỒNG BÀO DÂN TỘC:

“Gieo chữ” khó, “giữ chữ” càng khó hơn

TTH - Xóa mù chữ cho đồng bào dân tộc lúc nào cũng phải theo kiểu “bắt tay chỉ việc”. Việc học ở miền núi khó khăn, vì thế, cần sự đồng lòng và quyết tâm từ nhiều phía.

Lớp học đặc biệt ở Phú HảiQuảng Điền: Phấn đấu tỷ lệ người biết chữ từ 90-98%

Lớp xóa mù chữ dành cho đồng bào dân tộc ở Nam Đông

Học trước quên sau

Hẹn với thầy giáo Tô Chính, giáo viên dạy xóa mù ở Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục, thường xuyên huyện Nam Đông đã lâu nhưng mãi gần đây tôi mới đến được. Khó khăn không đến từ chúng tôi mà do trung tâm chưa vận động được học viên để mở lớp. Mặc cho giáo viên đến tận nhà, tuyên truyền đủ kiểu nhưng đôi khi phải kiên nhẫn chờ đợi. Được biết, mỗi năm trung tâm mở được từ 6 đến 10 lớp, mỗi lớp tầm 20 người xóa mù chữ ở mức 1 và mức 2.

Lý giải điều này, thầy giáo Chính cho biết, đa số đồng bào dân tộc đều là người lớn tuổi, ngại giao tiếp, sức khỏe yếu nên lần lữa mãi họ mới đi học. Hơn nữa, từ nhà đến lớp khá xa, qua nhiều khe suối nên không ít người ngại ra lớp. Thế nên, nhiều học viên tránh mặt khi thấy bóng dáng thầy giáo đầu làng.

Cái khó khi dạy chữ cho đồng bào là họ hay quên mặt chữ. Nhiều người học trước quên sau, học đến mấy lớp mà chẳng thể nào “hiểu hết” con chữ. Tôi vẫn còn nhớ câu chuyện của chị Kăn Thêu (A Lưới). Chị là học viên đã xong mức xóa mù mức 2. Chị Kăn Thêu đem sản phẩm dệt Zèng về Huế bán, nhưng tính tiền không ra. Mọi người hỏi, sao chăm chỉ học hành thế mà chưa đọc thông, viết thạo. Chị cười hiền lành, mình học cũng nhiều lớp rồi, học mãi mà không nhớ. Thầy giáo không vui, nói không chịu khó, mình xấu hổ nên nghỉ học. Rồi già làng vào nhà vận động, lại đến lớp nhưng trong bụng chẳng còn cái chữ đã học, mình lại phải học từ đầu’’. Câu chuyện của chị Kăn Thêu cũng là cái khó của giáo viên dạy xóa mù khi nhiều người học đâu, quên đấy.

Áp lực của người thầy chính là truyền đạt kiến thức cho học trò. Học viên là những người có kinh nghiệm, vốn sống, tuy nhiên, tiếp thu chậm, không quen về tư duy khái quát nên chậm tiến bộ. Sự nỗ lực của họ cũng ở chừng mực nhất định khi tự ti, mặc cảm về trình độ. Trong khi nội dung chương trình gần như vượt quá khả năng của họ. Thế nên, vừa đảm bảo tiến độ thực hiện chương trình, học viên lại phải tiếp thu được lượng kiến thức là vấn đề đặt ra cho giáo viên.

“Học viên là người dân tộc thiểu số, nên giảng giải chậm. Nếu giáo viên không biết động viên, hiểu tâm lý và biết tiếng dân tộc sẽ rất khó khăn trong truyền thụ kiến thức. Nếu học viên thấy tiết học không hấp dẫn, họ sẽ nghỉ học giữa chừng, việc vận động càng khó khăn hơn ”. Thầy Chính cho hay.

Học đi đôi với hành

Đổi mới phương pháp dạy chính là điều mà giáo viên cần làm để giữ “chân” học viên. Họ học cho “hôm nay”, nghĩa là phải vận dụng kiến thức đã học vào nương vườn nhà họ. Học phải đi đôi với hành, học để tiếp thu kiến thức ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xóa đói, giảm nghèo, cải thiện cuộc sống. Vì thế, giáo viên dạy xóa mù chữ phải tìm phương pháp giảng dạy phù hợp để học viên dễ tiếp thu. Giáo viên phải là người biết cách truyền cảm hứng khi dạy về những vấn đề xã hội như nạn tảo hôn, kế hoạch hóa gia đình, phòng chống suy dinh dưỡng cho trẻ. Khi học làm phép tính, giáo viên nên vận dụng cách tính vào thực tiễn cuộc sống, thiết thực với bà con sẽ giúp họ dễ tiếp thu. Ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục, thường xuyên huyện Nam Đông nêu giải pháp.

“Gieo chữ” đã khó, giúp bà con “giữ chữ” lại càng gian nan. Nội dung học của lớp xóa mù chữ tương đương với chương trình học của bậc tiểu học. Các lớp xóa mù chữ được tổ chức trong 1 năm học (9 tháng). Người học chỉ có thể tiếp cận được một ít từ vựng cơ bản. Khi về lại thôn bản, lại không thường xuyên sử dụng nên “tái mù” là điều dễ hiểu. Chương trình xóa mù chữ vì thế cứ làm suốt năm này sang năm khác. Quan trọng là, học phải đi đôi với hành, học để tiếp thu kiến thức ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xóa đói, giảm nghèo, cải thiện cuộc sống. Cho nên, chính quyền địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, khi tổ chức các lớp học xóa mù chữ phải chú ý sao cho phù hợp với tập quán văn hóa, sinh hoạt cũng như cách thức sản xuất của đồng bào.

Nguyện vọng của bà con ở A Lưới cũng đáng suy ngẫm, khi mong muốn tổ chức các lớp học chuyên đề về y tế, văn hóa, kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt tại các trung tâm học tập cộng đồng nhằm giúp người học cập nhật kiến thức, kỹ năng, áp dụng vào cuộc sống, sản xuất, qua đó củng cố kết quả công tác xóa mù chữ, chống tái mù chữ. Ngoài ra, các thôn, bản cần phát huy vai trò của các già làng, trưởng bản, dòng họ trong việc vận động những người chưa biết chữ đến lớp, những người đã biết chữ dạy người chưa biết chữ mọi lúc, mọi nơi…

Bài, ảnh: Thu Huế

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Gieo chữ” nơi đầu sóng

Trách nhiệm, tấm lòng của người thầy, là “chìa khóa” mở ra những điều kỳ diệu, để mầm xanh trên quần đảo Trường Sa lớn lên khỏe mạnh. Để những hòn đảo nơi xa xôi ấy yên bình giữa bốn bề sóng vỗ.

“Gieo chữ” nơi đầu sóng
“Kiếm chữ” tuổi xế chiều

“Tuổi xế chiều, nhưng chúng tôi vẫn đi kiếm chữ. Bởi vì có chữ, đời sáng hơn”- đó là bộc bạch của học viên lớp xóa mù tại thôn 3, xã Vinh Thanh...

“Kiếm chữ” tuổi xế chiều
Học chữ, kể chi tuổi tác

Khi phiên chợ chiều tan, cũng là lúc nhiều phụ nữ ở xã Phú Diên (Phú Vang) lại rủ nhau đi học. Họ quyết tâm đi tìm con chữ, viết và ký được tên mình để không còn phải lăn tay, điểm chỉ…

Học chữ, kể chi tuổi tác
Học không bao giờ muộn

Nơi vùng cao Nam Đông hôm nay vẫn còn đó ở các thôn, bản những lớp học xóa mù. Với nhiều người dân Cơ Tu, ngay cả những người đã lên tới chức bà, chuyện học không bao giờ muộn.

Học không bao giờ muộn
Return to top