|
Sinh viên Trường đại học Sư phạm đi thực tập tại một trường tiểu học trên địa bàn TP. Huế |
Đối với sinh viên Trường đại học Sư phạm, Đại học Huế, thực tập cuối khóa trong những năm vừa qua không chỉ ở trong tỉnh Thừa Thiên Huế, mà đã mở rộng ra Quảng Trị, Quảng Bình, Đà Nẵng, Quảng Nam. Xa hơn là ở một số doanh nghiệp tại Thanh Hóa, TP. Hồ Chí Minh và Biên Hòa (Đồng Nai).
Sự gắn kết tốt giữa nhà trường và các đơn vị tiếp nhận sinh viên thực tập đã giúp quá trình thực tập của sinh viên thuận lợi. Tuy nhiên, theo chương trình đổi mới giáo dục phổ thông 2018, ở một số môn học tích hợp, bài giảng theo chuỗi chủ đề, dẫn đến việc xây dựng bài giảng và thực hành rất khó đối với sinh viên. Trong khi đó, chính các giáo viên cũng đang gặp khó với các môn tích hợp này, nên rất bị động để hướng dẫn cho sinh viên hiệu quả nhất. Vì vậy, đối với những sinh viên đang học các ngành đào tạo nhằm phục vụ chương trình giáo dục mới, thực tế cho thấy sẽ thua thiệt hơn về tính thực tiễn sau khi ra trường. Một điều chắc chắn là, các em sẽ phải mất một thời gian để tập làm quen với tiết học, mà đáng lẽ các em có thể thuần thục khi đi thực tập.
Bà Nguyễn Thị Hoa, Phó Hiệu trưởng Hệ thống Giáo dục Chu Văn An, Quảng Bình cho biết, đối với các trường giáo dục tư thục đang áp dụng nhiều mô hình đào tạo mới, nhất là mô hình STEM (bao gồm các khối bộ môn khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học), mới hơn là STEAM (là STEM được kết hợp thêm yếu tố nghệ thuật). Với những mô hình mới này, không ít sinh viên khó có thể triển khai được tiết dạy, bởi vì trước đó các em chưa tiếp cận, hoặc có nhưng chưa đầy đủ trong quá trình đào tạo. Hay nhiều trường hiện nay đòi hỏi khả năng ngoại ngữ tốt, vì xu hướng đào tạo song ngữ mà nhiều em cũng chưa đáp ứng được.
Ngoài ra, theo các đơn vị tiếp nhận sinh viên, một số sinh viên chưa nắm được tính liên thông của chương trình cấp học nên chưa khai thác và phát huy khả năng tự học của học sinh. Các em chưa phát huy hết tính linh hoạt, hiệu quả các kỹ năng dạy học theo hướng phát huy tính tích cực của học sinh. Một số bài dạy còn thiếu sự đầu tư về nội dung và hình thức, chưa phát huy được hiệu quả của đồ dùng dạy học; thiếu liên hệ thực tế, thiếu điểm nhấn, bài dạy còn dàn trải, chưa khai thác sâu trọng tâm kiến thức, chưa chú ý tích hợp liên môn, giáo dục tư tưởng, tình cảm đạo đức, nhân cách, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh. Một số sinh viên còn thiếu kỹ năng chăm sóc trẻ, lúng túng trong xử lý các tình huống phát sinh.
Ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho rằng, chỉ tiêu tuyển sinh các ngành sư phạm ngày càng ít, kéo theo số lượng sinh viên ra trường đang có xu hướng giảm. Trong khi đó, nhìn vào thực tiễn nhu cầu giáo viên hiện nay, khả năng được tuyển dụng của các em sau ra trường là rất lớn. Với Thừa Thiên Huế, với số lượng sinh viên ra trường như hiện tại, ít nhất 70% sẽ có vị trí làm việc sau ra trường. Điều này đòi hỏi khi ra trường, các em cần hội đủ các yếu tố về kỹ năng, chuyên môn, nhất là chuyên môn đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới. Trong đó, khâu thực tập phải đạt hiệu quả hơn. Để làm điều này cần cả ba phía. Cơ sở đào tào phải cập nhật các chương trình mới, sinh viên phải chủ động trong học tập, học hỏi nghề nghiệp và phía đơn vị tiếp nhận cũng có những hỗ trợ tích cực cho các em.
Bà Nguyễn Thị Hoa góp ý, ở trường đào tạo, cần cho sinh viên làm quen các nội dung, kỹ năng chủ nhiệm, kỹ năng giải quyết vấn đề với học sinh, đồng nghiệp, kể cả làm quen với thể thức các văn bản hành chính. Đặc biệt là đưa các chương trình giáo dục mới vào đào tạo, để sinh viên có cơ hội rộng mở khi vào làm việc ở các trường tư thục, chứ không chỉ dừng lại ở các trường công lập.
PGS.TS. Nguyễn Thành Nhân, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường đại học Sư phạm, Đại học Huế cho biết, với mục tiêu không ngừng cải tiến, bảo đảm chất lượng đào tạo hàng năm, nhà trường đều có các cuộc làm việc với các đơn vị tiếp nhận sinh viên thực tập để lắng nghe những góp ý. Qua đó, giúp nhà trường nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo; làm cho công tác tổ chức triển khai thực tập cuối khóa ngày càng chuyên nghiệp và đổi mới. Với yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, đòi hỏi chất lượng đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng. Trang bị cho các em những kỹ năng cần thiết, vững vàng chuyên môn khi giảng dạy thực tiễn. Nhà trường sẽ tiếp tục kết nối với các đơn vị để có những chương trình đào tạo tối ưu nhất.