ClockChủ Nhật, 11/06/2017 14:06

Học cách thích ứng với mọi đổi thay

TTH - Tâm thế hoang mang, xáo trộn của giáo viên cũng như sinh viên, học sinh đã và sẽ thi vào các trường sư phạm trên cả nước khi chủ trương xóa bỏ biên chế của Bộ Giáo dục đưa ra trong những ngày gần đây là tất yếu. Nhưng liệu rồi, cứ xôn xao thế phỏng có ích lợi gì khi chúng ta không biết tận dụng thời gian, thời cơ tự bổ sung kiến thức.

Giáo dục muốn phát triển cần có những cuộc cách mạng, cách mạng về tư tưởng, đạo đức, hành vi và nhất là cách mạng trong  nhận thức trên lĩnh vực giáo dục. Bất cứ thời đại nào, trọng người tài là vấn đề sinh tử để tri thức, giống nòi tồn vong. Lấy chất lượng đặt lên hàng đầu là hợp lý, nếu như tiến hành đúng quy trình, nghiêm túc và thật sự dân chủ, công khai và nhất là phải thật sự công bằng.

"Sắp xếp lại nguồn lực giáo dục, không phải vì giảm biên chế hay tiết kiệm tiền”, nghĩa là nhằm mục đích nâng cao chất lượng giáo viên. Và đây không phải là chủ trương mới mà là chủ trương khác.

Nói không mới vì nâng cao chất lượng giáo viên là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của một nền giáo dục từ khi nó được ra đời. Nói khác vì từ lâu, trong nhận thức của không ít người dân: "Nghề giáo nghèo nhưng thanh cao và ổn định". Với quan niệm ấy, không ít gia đình định hướng cho con em mình vào sư phạm để rồi thấy hài lòng vì cái nghề ít “đụng chạm" tới ai, đồng thời, đã vào biên chế rồi thì khỏi lo thất nghiệp. Do vậy, chủ trương"bỏ biên chế" khởi thảo, đã tác động tới một "thành trì kiên cố" trong nhận thức lâu nay.

Thật ra, "mới" hay "khác" nằm ở sự nhận thức của người khởi xướng, tâm thế đón nhận của công chúng và nhất là đội ngũ giáo viên. Với những giáo viên có tài năng, tâm huyết, đam mê với nghề, thì dù bất cứ đâu, môi trường nào họ vẫn tồn tại được. Và sẽ phát triển hơn khi ở đó thực sự biết trân quý người tài.

Yếu tố cạnh tranh lành mạnh được coi là động lực thúc đẩy sự phát triển dân trí, nhất là khi giáo viên cùng thi đua, trường - trường cùng thi đua. Điều mà chắc hẳn thầy cô nào cũng biết (dù không nói ra): Một giờ thao giảng chất lượng dạy sẽ khác một giờ dạy bình thường. Bởi ở đó, có sự tham gia đánh giá của nhiều đồng nghiệp, vì vậy, nhất thiết đòi hỏi người đứng lớp phải đầu tư, tìm hiểu kiến thức hơn những tiết học hàng ngày. Để rồi, mỗi một giáo viên sẽ tự đánh giá rằng: “Có đầu tư hơn thì có khác”.

Vấn đề đặt ra, vậy tại sao, thầy cô không chăm chút tiết dạy bình thường như một giờ thao giảng, dự giờ hay thi giáo viên giỏi? Câu trả lời sẽ là: Có! Đã từng có! Đang có! Sẽ có!

Nhưng, thường xuyên có thì không nhiều người.

"Xóa bỏ biên chế" đồng nghĩa “chấm hết” cho thái độ bàng quan, tâm lý ù lỳ không thích phấn đấu, nâng cao chuyên môn ở một bộ phận giáo viên thỏa mãn với cụm từ "giáo viên chính thức". Để từ đây, họ sẽ phải thi đua, phấn đấu để "tồn tại". Xét về góc độ xã hội học, thực sự đây là cuộc đua. Người giỏi, nhiệt huyết sẽ là người đi sâu vào chặng đường phía trong, ai yếu kém sẽ bị đào thải. Người có lợi nhất chính là học sinh vì các em được coi là trung tâm của một nền giáo dục.

Vì vậy, thay vì cứ xôn xao, lo lắng, tại sao không tranh thủ mấy tháng hè và những ngày sau đó tự nâng cao chuyên môn, bởi tự trang bị cho mình những yếu tố cần sẽ tốt hơn khi chúng ta cảm thấy bất an. Tin tưởng vào một khởi thảo lấy chất lượng dạy thật học thật hơn hay cứ mặc kệ cho một tư duy chạy theo hình thức. Nhưng thiết nghĩ, muốn làm nên làm từ gốc. Thay vì đào tạo ồ ạt ở các trường cao đẳng, đại học với đầu vào chỉ 14, 15 điểm (tức là ở ngưỡng học lực trung bình), thay vì xét tuyển thì nên thi tuyển công bằng; ổn định thay vì đổi mới chương trình xoành xoạch khiến không chỉ thầy cô mà cả phụ huynh, học sinh như "cá nằm trên thớt".

Và, tiền, lương không phải là yếu tố quyết định nhưng nó quan trọng và ảnh hưởng không nhỏ tới sự chuyên tâm của những người được vinh danh là "nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý". Tuy nhiên, đã chọn nghề nào thì dù có được vinh danh hay thầm lặng, lương thấp hay cao, vẫn cứ phải làm đúng trọng trách của mình. Chừng nào giáo viên còn đứng trên bục giảng thì chừng đó phải không ngừng tu dưỡng bản thân và nhất là kiến thức. Đó là cách để tạo dấu ấn trong lòng học sinh và tự khẳng định năng lực thực sự của mình. Đó mới là giải pháp duy nhất để có thể thích ứng với mọi sự đổi thay…

HỒ THỊ QUỲNH LÂM 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chủ động thích ứng

Trung tâm thương mại Aeon Mall Huế đưa vào khai thác đã được một thời gian. Điều dễ dàng nhận thấy là sức hút của trung tâm thương mại cực kỳ lớn. Trong khi đó, những siêu thị, nhà hàng, quán ăn, cửa hàng thời trang khác trên địa bàn TP. Huế giảm lượng khách đến đáng kể.

Chủ động thích ứng
NGÀY QUỐC TẾ NGƯỜI CAO TUỔI 1/10:
Chăm sóc người cao tuổi thích ứng già hóa dân số

Toàn tỉnh có hơn 183 ngàn người cao tuổi (NCT), chiếm 15,9% dân số. Trước thực trạng già hóa dân số, việc nâng cao chất lượng cuộc sống cho người NCT cần sự chung tay của cả cộng đồng.

Chăm sóc người cao tuổi thích ứng già hóa dân số
Đổi thay tại Trường mầm non Phong Hiền II

Huy động tốt nguồn lực từ xã hội hóa, sự chung tay góp sức của địa phương, phụ huynh và cán bộ, giáo viên trong trường đã giúp Trường mầm non Phong Hiền II từ một điểm trường “trắng” về thành tích trở thành trường đạt chuẩn Quốc gia và hai lần nhận cờ thi đua của UBND tỉnh.

Đổi thay tại Trường mầm non Phong Hiền II
Thích ứng với biến đổi khí hậu

Với nhiều giải pháp hiệu quả, không chỉ thích ứng với tình trạng biến đổi khí hậu, không gian sống sẽ trở nên thật sự đáng sống và góp phần giảm thiểu những tác nhân gây hại đến môi trường.

Thích ứng với biến đổi khí hậu
Return to top