ClockThứ Bảy, 02/04/2022 15:12

Học phí đại học tăng dần đều

Tự chủ đại học (ÐH) đi kèm với tăng học phí là lựa chọn của các cơ sở đào tạo do không còn được cấp ngân sách. Ðồng thời học phí hằng năm cũng tăng theo lộ trình.

Sẽ tính toán mức học phí phù hợpỔn định học phí, tăng học bổng trong năm 2020Học phí & chất lượng

Tự chủ đại học đồng nghĩa với việc tăng học phí trên thực tế. Ảnh: Nghiêm Huê

Từ năm 2022, học phí của các cơ sở giáo dục ĐH sẽ được điều chỉnh tăng theo quy định tại Nghị định mới của Chính phủ về thu chi học phí (Nghị định số 81). Trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, việc tăng học phí rõ ràng là một gánh nặng với nhiều người học.

Theo Nghị định 81, từ năm học 2022 - 2023 đến năm học 2025- 2026, mức trần học phí đối với cơ sở giáo dục ĐH công lập chưa tự chủ được quy định theo từng khối ngành với mức 1,2 - 3,5 triệu đồng/tháng.

So với năm học 2021 - 2022 thì mức học phí năm học 2022 - 2023 tăng vọt (trừ khối ngành II, Nghệ thuật). Đặc biệt, khối ngành VI.2 (Y dược), tăng 71,3% (hiện đang ở mức trần 1,43 triệu đồng/tháng sẽ tăng lên thành 2,45 triệu đồng/tháng). Các khối ngành còn lại (trừ khối ngành II) hầu hết đều tăng hơn 20% đến gần 30%, riêng khối ngành IV (Khoa học sự sống, Khoa học tự nhiên) mức tăng vừa phải hơn, 15,3%.

Các năm học tiếp theo, lộ trình tăng học phí cũng được quy định rõ trong Nghị định 81 để người học có cơ sở theo dõi, cân nhắc lựa chọn ngành nghề cho phù hợp. Thực tế, trong cùng một trường các ngành cũng có mức học phí không giống nhau nên người học cần đưa ra quyết định chính xác, tránh tình trạng đứt gánh giữa đường chỉ vì không kham nổi mức học phí phải đóng góp.

Một lưu ý quan trọng nữa là lộ trình tăng học phí của các trường còn phụ thuộc vào lộ trình thực hiện tự chủ bởi theo quy định, với cơ sở giáo dục ĐH công lập tự chủ mức 1 (đảm bảo chi thường xuyên), học phí được xác định tối đa bằng 2 lần mức trần học phí các trường chưa tự chủ nêu trên, tương ứng với từng khối ngành và từng năm học. Với cơ sở giáo dục ĐH công lập tự chủ mức 2 (đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư), học phí được xác định tối đa bằng 2,5 lần mức trần học phí các trường chưa tự chủ nêu trên.

Mới đây, theo thông báo của Trường ĐH Thủ Dầu Một, mức học phí từ học kỳ II năm học 2021- 2022 sẽ tăng khoảng 20% so với trước. Lý do nhà trường đưa ra là từ 1/1, trường chính thức tự chủ tài chính. Nhóm ngành Giáo dục, Quản lý kinh tế, Khoa học xã hội nhân văn mức cũ (học kỳ I năm học 2021 - 2022) trung bình 408.500 đồng/tín chỉ, mức mới (từ học kỳ II) là 490.000 đồng/tín chỉ. Đối với nhóm ngành Khoa học tự nhiên, Kỹ thuật công nghệ, Kiến trúc..., mức cũ trung bình 487.500 đồng/tín chỉ, mức mới 585.000 đồng/tín chỉ.

Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn ĐH Quốc gia TPHCM cũng đã công bố đề án đổi mới cơ chế hoạt động theo hướng tự chủ. Cụ thể, học phí năm học 2022-2023 sẽ cao gấp đôi so với trước.

Với nhóm ngành Khoa học xã hội, từ 16 triệu đến 20 triệu đồng/sinh viên /năm học, nhóm ngành Ngôn ngữ và Du lịch 21-24 triệu đồng/sinh viên/năm. Riêng học phí chương trình chất lượng cao sẽ gấp ba lần mức trần học phí chương trình đại trà, dự kiến là 60 triệu đồng/sinh viên/năm.

Ngoài ra, ngay từ năm học này, ba trường thành viên của ĐH Quốc gia TPHCM cũng đã được chuyển sang tự chủ với mức học phí mới. Trường ĐH Kinh tế - Luật, hệ đại trà 18,5-20,5 triệu đồng/năm (mức cũ là 9,8 triệu đồng), hệ chất lượng cao từ 29,8 đến 46,3 triệu đồng/năm, chương trình liên kết khoảng 39 triệu đồng/học kỳ.

Trường ĐH Bách khoa, hệ đại trà là 25 triệu đồng/năm (mức cũ là khoảng 12 triệu đồng). Còn lớp chất lượng cao tăng cường tiếng Anh là 66 triệu đồng (mức cũ khoảng 30 triệu đồng). Trường ĐH Công nghệ thông tin cũng có mức thu 25-45 triệu đồng/năm tùy theo chương trình đào tạo.

Không “nhắm mắt” chọn trường

Nguyễn Ngọc Thắng, sinh viên năm cuối Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết đã vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội từ năm thứ nhất. Số tiền được vay mỗi năm là 25 triệu đồng không đủ đóng học phí nên phải xin thêm gia đình và đi làm thêm để có tiền chi trả sinh hoạt phí.

TS Nguyễn Thanh Bình, Trưởng phòng Công tác chính trị Học sinh, sinh viên Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia cho hay, một ngành có nhiều trường đào tạo, trong số đó có trường tự chủ nên học phí rất cao, có trường đào tạo chương trình chuẩn nên mức học phí phù hợp hơn. Do vậy sinh viên cân nhắc giữa học phí và chương trình đào tạo cho phù hợp với hoàn cảnh của gia đình.

Theo tienphong.vn

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Triển khai 932 nhiệm vụ khoa học và công nghệ đạt chất lượng cao

Sáng 21/12, Trường đại học Y - Dược, Đại học Huế (ĐHH) tổ chức hội thảo tổng kết khoa học và công nghệ (KHCN) giai đoạn 2019-2024 và xây dựng chiến lược phát triển nhiệm kỳ 2025-2030. Đến dự hội thảo có đại diện lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ, ngành liên quan và các nhà khoa học, lãnh đạo Trường đại học Y - Dược, ĐHH.

Triển khai 932 nhiệm vụ khoa học và công nghệ đạt chất lượng cao
Tiếp nhận gần 500 đơn vị máu

Sáng 8/12, Câu lạc bộ Ngân hàng Máu sống Trường đại học Y - Dược, Đại học Huế tổ chức ngày hội hiến máu “Giọt hồng sẻ chia” lần I năm học 2024 - 2025. Đây là chương trình thường niên được câu lạc bộ tổ chức định kỳ mỗi năm hai lần, tiếp nhận bình quân 400 - 600 đơn vị máu từ các bạn tình nguyện viên.

Tiếp nhận gần 500 đơn vị máu
“Trường - Viện” và yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao - Kỳ 3: Cụ thể hóa chủ trương, nghị quyết

Đảng bộ Trường đại học Y - Dược Huế, Đại học Huế (ĐHH) là điển hình tiêu biểu trong việc thực hiện xuất sắc nhiệm vụ phát triển và nâng cao năng lực các thiết chế y tế trên địa bàn để trở thành trung tâm y tế chuyên sâu của cả nước; không ngừng đẩy mạnh phát triển theo mô hình “Trường - Viện” đạt tiêu chuẩn cấp quốc gia vào năm 2030 và hướng tới đạt chuẩn quốc tế vào năm 2045.

“Trường - Viện” và yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao - Kỳ 3 Cụ thể hóa chủ trương, nghị quyết

TIN MỚI

Return to top