ClockThứ Bảy, 16/02/2019 06:45

Học sinh tập làm nhà khoa học

TTH - Tròn 10 năm, Sở Giáo dục và Đào tạo Thừa Thiên Huế tổ chức cuộc thi khoa học - kỹ thuật dành cho học sinh trung học. Cuộc thi thu hút đông đảo học sinh tham gia với nhiều đề tài mới, sáng tạo, mang tính thực tiễn cao.

Đưa thành tựu khoa học công nghệ vào cuộc sốngLego Robotics Hue giành giải vô địch cuộc thi Khoa học ứng dụng FLL69 đề tài đạt giải cuộc thi Khoa học - Kỹ thuật dành cho học sinh trung học

Thuyết trình đề tài trước ban giám khảo

Thu hút & thiết thực

Đây là các cuộc thi hưởng ứng phong trào thi đua sáng tạo, nghiên cứu khoa học - kỹ thuật với cuộc thi Intel ISEF của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Năm đầu phát động (2009 - 2010), toàn tỉnh chỉ có 15 đề tài dự thi. Còn ở cuộc thi mới đây (năm học 2018 - 2019), có đến 136 đề tài của 240 học sinh thuộc 69 trường trung học cơ sở (THCS) và trung học phổ thông (THPT) trên toàn tỉnh tham gia.

Không chỉ các trường ở Huế hay các vùng điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, cuộc thi đã lan tỏa và được sự hưởng ứng tích cực, rộng khắp của học sinh toàn tỉnh. Lần đầu tham gia, học sinh A Lưới đã có giải cao để “rinh” về vùng cao.

Cuộc thi cũng không còn “độc quyền” dành học sinh THPT  mà còn cả học sinh THCS. Cũng trong lần đầu dự giải, học sinh Trường THCS Duy Tân (Huế) đã giành được giải thưởng cao quý.

Các đề tài tham gia và đạt kết quả cao trong cuộc thi năm nay, gồm: Nghiên cứu quy trình sản xuất giấy từ bã mía có tính năng chống thấm (Trường THPT Phú Bài); Nghiên cứu vi khuẩn gây hư sữa trong việc xử lý nước thải (Trường THPT chuyên Quốc Học); Mô hình dải phân cách đường bộ thông minh tạo năng lượng điện tử sóng âm - đo và giám sát các chỉ số ô nhiễm môi trường (Trường THCS Đặng Văn Ngữ)…

Tình yêu cuộc sống & khoa học

Phát biểu tổng kết cuộc thi khoa học - kỹ thuật dành cho học sinh trung học tỉnh Thừa Thiên Huế năm học 2018 - 2019, ông Đặng Phước Mỹ, Phó Giám đốc phụ trách Sở Giáo dục và Đào tạo cho rằng: “Mỗi một dự án có thể xem là một công trình nghiên cứu khoa học nhỏ của các em học sinh với nhiều sắc thái, lĩnh vực khác nhau, nhưng đều xuất phát từ tình yêu khoa học, từ sự say mê học tập, tìm tòi, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám ước mơ và quyết tâm phấn đấu đạt được ước mơ”.

Cuộc thi năm ngoái, cô nữ sinh Khánh Huyền, học sinh lớp 12 của Trường THPT A Lưới đã tạo bất ngờ với đề tài nghiên cứu “Bảo tồn và phát triển văn hoá dân tộc Tà Ôi hướng đến phát triển du lịch về nguồn”. Khánh Huyền tâm sự, quá trình nghiên cứu giúp em hiểu thêm về văn hóa dân tộc Tà Ôi và càng khát khao đem những hiểu biết san sẻ cho bạn bè. Quan tâm đến phát triển văn hoá, Huyền còn nắm bắt được nhu cầu quảng bá du lịch của A Lưới. Cô nữ sinh này đã vận dụng sáng tạo kiến thức với nhu cầu để tạo nên một công trình mà theo đánh giá của hội đồng giám khảo là có giá trị thực tiễn ngay.

Tình yêu và khát vọng sáng tạo của Phạm Nguyên Khang được ấp ủ từ nhỏ. Thi đỗ vào lớp chuyên Lý Trường THPT chuyên Quốc Học, Nguyên Khang càng có cơ hội để thể hiện tài năng và niềm say mê. Em đã cùng Lê Quang Minh chế tạo thành công sản phẩm mang tên “Máy điều hòa theo nguyên lý chân không và tạo lốc xoáy” năm học 2017 - 2018. Sản phẩm đạt giải nhất cuộc thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật học sinh trung học tỉnh Thừa Thiên Huế 2018; giải nhì cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật học sinh trung học cấp quốc gia 2018. Đáng nói là, sản phẩm của Khang và bạn được “cộng điểm”  bởi mức tiêu thụ điện năng chỉ bằng một nửa và có giá bán “hợp túi tiền”, chỉ 3 - 4 triệu đồng.

Làm khoa học nghiêm túc

Phong trào thi đua tìm tòi, sáng tạo trong nghiên cứu khoa học - kỹ thuật của học sinh Thừa Thiên Huế đang phát triển nhanh, mạnh và từ bề rộng đang lan tỏa và chuyển thành chiều sâu. Cuộc thi  khoa học - kỹ thuật dành cho học sinh trung học tỉnh Thừa Thiên Huế hằng năm là nhân tố quan trọng có tác động sâu sắc đến phong trào. “Cuộc thi giúp các em học sinh trau dồi, vận dụng kiến thức đã học để giải quyết các vấn đề thực tiễn, nhân rộng các mô hình, giải pháp khoa học công nghệ tiên tiến có tính ứng dụng cao phục vụ các nhu cầu thiết thực trong học tập, vui chơi và cuộc sống”- ông Đặng Phước Mỹ cho hay.

Qua cuộc thi năm 2018 - 2019 cho thấy, vẫn còn nhiều đề tài chưa rõ ý tưởng khoa học, cách giải quyết vấn đề lúng túng, nghiên cứu chưa sâu, chưa thấy rõ định hướng ứng dụng, tài liệu tham khảo hạn chế, mô hình còn đơn giản. Một số đề tài chỉ dựa vào kinh nghiệm rồi nâng thành sản phẩm, chứ chưa phải là những ý tưởng mới của cá nhân về vấn đề nghiên cứu. Đi sâu vào sân chơi này, còn thấy rõ sự lúng túng ở một số đơn vị. Hoạt động của các “nhà khoa học trẻ” trong học đường còn phụ thuộc vào sự quan tâm của giáo viên, đặc biệt là các ban giám hiệu, tổ trưởng bộ môn. Bên cạnh những trường đã biến nghiên cứu khoa học thành một lĩnh vực giáo dục khoa học, vẫn còn nhiều đơn vị hưởng ứng phong trào theo kiểu đối phó. Không ít nơi, giáo viên và học sinh tự làm khoa học, đồng thời mày mò kiếm tìm kinh phí. Vấn đề đặt ra là, cần phải nghiêm túc hơn nữa, dẫu chỉ là tập nghiên cứu khoa học.

Bài, ảnh: HUẾ THU

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đào tạo nội soi cho bác sĩ 5 bệnh viện khu vực miền Trung

Từ ngày 16 đến 18/4, Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế phối hợp với đoàn bác sĩ của Bệnh viện Kyoto Katsura (Nhật Bản) tổ chức đợt huấn luyện nâng cao về nội soi tiêu hóa can thiệp cho các bác sĩ tại các Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam, Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng, Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện 199 Đà Nẵng và Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi.

Đào tạo nội soi cho bác sĩ 5 bệnh viện khu vực miền Trung

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top