ClockThứ Ba, 03/09/2019 19:31

Học trò trường huyện & khát vọng đổi đời

TTH - Trong số 25 học sinh đạt điểm cao, thủ khoa của các khối trong kỳ thi THPT Quốc gia 2019 vừa được UBND tỉnh biểu dương, khen thưởng, có đến 50% là học trò trường huyện.

Các trường sẽ tổ chức dạy bù nếu chậm chương trìnhHiệu quả từ hoạt động ngoài giờVượt núi học nghề

Một tiết học của học sinh Trường THPT Phú Bài. Ảnh: Hữu Phúc

Khát vọng vươn lên

Ngay sau khi có kết quả về kỳ thi THPT Quốc gia 2019, chúng tôi đã có dịp ghé thăm em Thái Thị Như Ý, học sinh lớp 12B2 Trường THPT Phan Đăng Lưu (Phú Vang), một trong hai học sinh có điểm môn văn cao nhất tỉnh (9 điểm). Như Ý quê ở Phong Điền, mồ côi cha, phải xa gia đình để xin vào Nhà bảo trợ học sinh nghèo hiếu học Phú Thượng (Phú Vang).

Như Ý đăng ký vào Trường ĐH Ngoại ngữ Huế, ngành ngôn ngữ Nhật với mong muốn có một việc làm ổn định sau này sớm giúp đỡ mẹ, và vẫn dành tình yêu với văn chương.

Là ngôi trường tuyến huyện có khoảng 20% số học sinh thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo, thế nhưng, trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019, Trường THPT Nguyễn Chí Thanh (Quảng Điền) có đến 98,23% học sinh đỗ tốt nghiệp và 70% học sinh có điểm thi vào đại học từ 16 điểm trở lên. Trong 3 năm gần đây, tỷ lệ đậu đại học của học sinh luôn đạt mức từ 60 - 67%.

Thầy giáo Nguyễn Văn Lộc, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Chí Thanh cho biết, từ đầu năm học, nhà trường đã tổ chức ôn luyện cho các em học sinh lớp 12. Sang học kỳ II, nhà trường tổ chức thi thử, thông quả kết quả rà soát lại những em còn yếu để tổ chức học phụ đạo, tập trung ôn lại kiến thức cơ bản theo sát sức học của từng học sinh để có phương pháp dạy phù hợp. Giáo viên dạy ôn tập cho khối 12 là những người giỏi chuyên môn và giàu kinh nghiệm.

Giải thưởng cho trò và thầy trường huyện cũng khá thích đáng. Có trường cứ mỗi học sinh đạt giải cao đều được các tổ chức, cá nhân thưởng 5 triệu đồng, có em nhận một lúc hơn 20 triệu đồng. Không ít trường khá "rủng rẻng" khi có nguồn hỗ trợ của các cựu học sinh, doanh nghiệp khoảng 200 triệu đồng. Ngay khi các em đang ở trong đội tuyển, doanh nghiệp cũng tài trợ để các em có kinh phí bồi dưỡng trong quá trình ôn luyện. Các trường đã huy động được rất nhiều nguồn để hỗ trợ học sinh nghèo học giỏi giúp các em yên tâm học tập.

Giờ học tại Trường THPT Phú Bài. Ảnh: Hữu Phúc

Thành tích nổi trội

Một thời, việc tham gia và đoạt giải tại các kỳ thi học sinh giỏi từ cấp tỉnh trở lên đối với học sinh trường huyện là một thứ xa vời. Đoạt giải cao ở các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia cũng có nhiều gương mặt xuất sắc đến từ nông thôn, nhưng đa số trước đó các em được tuyển chọn vào học các trường chuyên, lớp chọn của tỉnh. Tuy nhiên, trong số 25 học sinh đạt điểm cao, thủ khoa của các khối trong kỳ thi THPT Quốc gia 2019 vừa được UBND tỉnh biểu dương, khen thưởng, có đến 50% là học trò trường huyện.

Kỳ thi học sinh giỏi THPT cấp tỉnh năm học 2018 - 2019 ghi nhận nỗ lực vượt bậc từ các trường huyện. Toàn tỉnh có 698 giải thưởng thì 2/3 trong số đó thuộc về các trường huyện. Nổi bật như Phú Vang với 131 giải, tiếp theo là Phú Lộc với 102 giải. Các em không chỉ đoạt giải mà còn đoạt giải cao. Trong số 18 giải nhất của toàn tỉnh, đã có đến 12 giải thuộc về học sinh trường huyện. Cũng đã có nhiều học sinh đến từ các huyện tham gia kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và đoạt giải.

Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019, tỉnh Thừa Thiên Huế có 113.333 học sinh dự thi. Kết quả cho thấy, tỷ lệ học sinh đậu tốt nghiệp đạt mức 90,42%. Đáng ghi nhận trong số những trường có tỷ lệ học sinh đậu tốt nghiệp cao của tỉnh, đã xuất hiện nhiều trường huyện. Ở huyện Phú Vang có đến 3 trường THPT có tỷ lệ tốt nghiệp đạt trên 95% là Phan Đăng Lưu, Hà Trung và Nguyễn Sinh Cung, con số mơ ước của nhiều THPT tại Huế. Huyện Quảng Điền có tỷ lệ học sinh đậu tốt nghiệp THPT là 95,68%, cao nhất tỉnh, hơn cả TP. Huế (thứ hai với 93,62%).

Thu hẹp khoảng cách

Sau ngày giải phóng miền Nam, toàn huyện Phú Vang trải dài từ vùng trũng, đầm phá và ven biển chỉ có 2 trường trung học là Phan Đăng Lưu và Nguyễn Sinh Cung. Học sinh bậc trung học các xã vùng biển như Vinh Xuân hay Phú Diên phải vượt phá lên Phú Đa, đạp xe hàng chục cây số đường cát về tận Vinh Lộc hay cơm đùm, gạo bới lên học ở Trường THPT Phan Đăng Lưu. Xa xôi và cách trở lại trong bối cảnh kinh tế khó khăn khiến cho bao giấc mơ học hành dang dở.

Được sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, toàn tỉnh nay đã có 38 trường THPT, trong đó có 27 trường ở các huyện, thị trong tỉnh. Riêng huyện Phú Vang có đến 5 trường. Huyện miền núi A Lưới cũng có 3 trường THPT. Không chỉ thỏa nguyện giấc mơ có trường mà trong thực tế các trường huyện trong tỉnh còn được đầu cơ sở vật chất thỏa đáng, trang thiết bị đồng bộ, đảm bảo nhu cầu “dạy tốt, học tốt”. Tính đến thời điểm tháng 6/2019, đã có 18/38 trường THPT, trong đó có 14 trường thuộc các huyện, thị đạt chuẩn quốc gia, chiếm 47,4%. Thống kê cho thấy, đã có 100% số phòng học ở các huyện thị, gồm Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà, Phú Vang, Hương Thủy và Nam Đông thuộc loại kiên cố. Con số này ở TP. Huế chỉ đạt 97,1%.

Chúng tôi có dịp ghé thăm Trường THPT An Lương Đông (Phú Lộc), một trường huyện có tiếng của tỉnh. Cơ sở vật chất nhà trường được đầu tư theo hướng chuẩn hóa, hiện đại thuận lợi cho giáo viên và học sinh trong việc cập nhật thông tin. Nhà trường đã xây dựng nhà đa năng, phòng máy tính phục vụ các môn học thực hành. Thầy giáo Nguyễn Khả, Hiệu trưởng Trường THPT An Lương Đông lý giải, nhà trường đã huy động được rất nhiều nguồn để hỗ trợ học sinh nghèo học giỏi giúp các em yên tâm học tập. Giáo viên luôn sát cánh với các em khi bồi dưỡng kiến thức bằng nhiều hình thức kèm cặp, lên lớp và qua mạng internet... với nhiều kiến thức mới được cập nhật”.

Các em vượt lên khó khăn để học tốt và thi tốt là để có cuộc sống tốt đẹp hơn. Khát vọng đó đã được chắp cánh từ những mái trường thân thương ngay nơi quê nhà.

AN NHIÊN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

"Mẹ Lành" của học trò vùng cao

Hai từ “mẹ Lành” thân thương được nhiều trẻ gọi cô Mai Thị Mộng Lành (Trường mầm non Xuân Lộc, huyện Phú Lộc) không phải tự nhiên mà có. Ngoài giờ trên lớp, cô giáo Lành còn dành thời gian đến nhà thăm hỏi gia đình của các cháu. Đến buổi chiều vào giờ tan trường, có những trẻ mà ba mẹ đi làm rẫy chưa kịp về, cô Lành lại chở các cháu về nhà. Dù đường bản đi lại còn nhiều khó khăn, nhưng không làm khó được cô giáo dáng người nhỏ nhắn.

Mẹ Lành của học trò vùng cao
Tiến vào kỷ nguyên mới với tinh thần độc lập, khát vọng tự cường

Hôm nay là ngày vẻ vang, là ngày Độc lập! 79 năm trước, cả dân tộc ta đã đứng lên làm cuộc Cách mạng Tháng Tám vĩ đại, đánh đổ ách xiềng xích của cả đế quốc, thực dân, phong kiến. Từ thời khắc Chủ tịch Hồ Chí Minh long trọng đọc Bản Tuyên ngôn độc lập vào ngày 2/9/1945, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đất nước Việt Nam đã có tên trên bản đồ thế giới, người dân Việt Nam ngẩng cao đầu tự hào là con dân một nước tự do, độc lập.

Tiến vào kỷ nguyên mới với tinh thần độc lập, khát vọng tự cường
Giáo dục mũi nhọn & hành trình khát vọng

Từ năm 2019 đến nay, năm nào Thừa Thiên Huế cũng có học sinh đoạt giải quốc tế, tỷ lệ đoạt giải quốc gia khá cao, vị trí xếp hạng giáo dục mũi nhọn luôn nằm ở top đầu toàn quốc.

Giáo dục mũi nhọn  hành trình khát vọng
Khơi dậy khát vọng vươn lên trên những miền đất khó

Trong mọi hoàn cảnh, cộng đồng Dân tộc thiểu số (DTTS) là bộ phận không thể tách rời quốc gia, dân tộc. Song, đời sống của đồng bào DTTS còn nhiều khó khăn. Tại Thừa Thiên Huế, sau Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh lần thứ III (năm 2019), các chương trình phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) được đề ra đã trực tiếp quan tâm đến đồng bào DTTS. Vậy, sự chuyển biến đó đến nay như thế nào? Báo Thừa Thiên Huế có cuộc trao đổi với Trưởng ban Dân tộc tỉnh, ông Hồ Xuân Trăng.

Khơi dậy khát vọng vươn lên trên những miền đất khó
Tuổi học trò ơi...

Chúng mình đang sống giữa những ngày cuối tháng năm, khi tiết trời oi ả và tiếng ve râm ran đang báo hiệu một kỳ nghỉ hè sắp đến. Thế nhưng lần này sao lạ quá, có lẽ bởi với những cô cậu học sinh lớp 12, đây cũng chính là mùa hè cuối cùng trước khi đặt chân đến ngưỡng cửa trưởng thành.

Tuổi học trò ơi
Return to top