Sinh viên Trường cao đẳng Công nghiệp Huế trong giờ thực hành
Liên kết
Ông Phan Gia Tiến, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh viên, Trường cao đẳng Công nghiệp (CĐCN) Huế, cho biết: “Nhà trường đang “bắt tay” với các doanh nghiệp để đào tạo sinh viên. Doanh nghiệp không chỉ tham vấn giáo trình, thay đổi khung chương trình cho nhà trường, hỗ trợ nhận sinh viên thực tập, tuyển lao động tại chỗ mà một số doanh nghiệp còn đầu tư thiết bị giảng dạy trong nhà trường”.
Với ngành may mặc, Tập đoàn HBI hỗ trợ các vật liệu, như kim chỉ, vải, máy may cho nhà trường. Ngoài ra, học viên được đào tạo chuyên sâu một tháng tại tập đoàn. Trong khoảng thời gian thực tập đó, học viên còn được nhận 75% mức lương cơ bản, đồng thời được hỗ trợ chi phí đào tạo.
Còn các khối ngành kỹ thuật, trường có sự liên kết khá chặt chẽ với doanh nghiệp khi gửi sinh viên đến thực tập. Đây là mô hình thực tập kết hợp sản xuất, sinh viên được tiếp cận, làm việc như một nhân viên kỹ thuật thực thụ và “ăn” lương theo sản phẩm. Sau đó, giữa nhà trường và doanh nghiệp sẽ có biên bản ký kết về liên kết đào tạo và tuyển dụng. Bạch Ngọc Phước, sinh viên lớp 16CĐCK 12, Trường CĐCN Huế, bày tỏ: “Khi thực tập tại doanh nghiệp, chúng em sẽ được sử dụng những thiết bị mà ở trường chưa có hoặc không còn phù hợp; đồng thời, được trải nghiệm công việc mình làm sau khi ra trường, học tập được tác phong làm việc chuyên nghiệp”.
Tại Trường trung cấp Công nghệ (TCCN) số 10 Huế, học viên được thực tập tại 3 đơn vị: Công ty cổ phần Dệt may Huế, Công ty TNHH một thành viên Sản xuất và thương mại dịch vụ Tấn Hưng, Công ty TNHH sản xuất - thương mại - dịch vụ Khánh Nguyên cho các khối ngành dệt may, điện, hàn. Ông Lê Hòa, Hiệu trưởng Trường TCCN số 10 Huế, cho hay: “Việc liên kết với các doanh nghiệp đem lại hiệu quả trong đào tạo, khi mà học viên được bồi dưỡng, tiếp cận công nghệ mới và phù hợp với yêu cầu của doanh nghiệp”.
Giải quyết đầu ra
Đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của các doanh nghiệp, các trường nghề đã xây dựng chương trình đào tạo phù hợp, có sự đóng góp của các doanh nghiệp trong việc xác định chuẩn đầu ra. Việc điều chỉnh chương trình đào tạo theo chuẩn đầu ra sẽ đưa chương trình đào tạo sát với thực tiễn. Thông qua các kỳ thực tập tại doanh nghiệp thì chính doanh nghiệp sẽ đánh giá được thực chất năng lực sinh viên, phục vụ cho việc tuyển dụng nhân lực.
Với hơn 200 doanh nghiệp có mối liên hệ chặt chẽ trong đào tạo và việc làm, sinh viên Trường CĐCN Huế không những có cơ hội trực tiếp học tập trong những môi trường làm việc thật, mà khi ra trường, công việc tương lai cũng được đảm bảo ổn định và phát triển.
“Việc bắt tay với doanh nghiệp không chỉ giúp nhà trường đào tạo đúng hướng, phù hợp yêu cầu về nhân lực của doanh nghiệp và tác động ngược lại, giúp doanh nghiệp nâng bậc thợ, kỹ năng nghề, đào tạo kỹ thuật an toàn. Thêm nữa, việc liên kết doanh nghiệp cũng là hướng đi giải quyết đầu ra và tạo việc làm tốt cho sinh viên”, ông Phan Gia Tiến nhận định.
Theo số liệu khảo sát năm 2017 của Trường CĐCN Huế, 86% sinh viên ra trường có việc làm đúng chuyên ngành, riêng khối kỹ thuật con số này đạt mức lý tưởng 100%. Còn tại Trường TCCN số 10 Huế, ông Lê Hòa cho biết trong năm vừa qua có 100 học viên được nhận vào làm việc tại các doanh nghiệp có liên kết với nhà trường. “Vào kỳ thi tốt nghiệp cuối khóa, hội đồng chấm thi sẽ bao gồm cả phía nhà trường và doanh nghiệp. Điều này đảm bảo hiệu quả đầu ra phù hợp với yêu cầu tuyển dụng nhân lực của doanh nghiệp”, ông Lê Hòa nói.
Sự gắn kết giữa nhà trường với doanh nghiệp là lời giải cho bài toán sinh viên ra trường thất nghiệp vì thiếu kỹ năng thực tiễn và doanh nghiệp phải bỏ thêm chi phí đào tạo nguồn nhân lực tuyển dụng. Đó cũng là yếu tố quan trọng giúp học sinh chọn thi tuyển vào ngành học phù hợp với năng lực, sở thích, có tính khả dụng trong việc tạo lập nghề nghiệp cho bản thân.
Bài, ảnh: Phước Ly