ClockThứ Sáu, 28/10/2022 12:30

Môn giáo dục công dân trong chương trình giáo dục phổ thông mới

TTH - Môn giáo dục công dân (GDCD) cấp trung học phổ thông (THPT) trong chương trình giáo dục phổ thông mới trở thành môn lựa chọn có tên mới là giáo dục kinh tế và pháp luật.

Năm học 2022-2023: Năm trọng tâm của đổi mới giáo dục phổ thôngDạy thực hành trong trường học

Làm bài tập nhóm, chia sẻ kỹ năng giúp các em hiểu biết nhiều hơn. Ảnh: MC

Trong chương trình giáo dục phổ thông 2006, môn GDCD là môn học bắt buộc ở cả hai cấp học: trung học cơ sở (THCS) và trung học phổ thông (THPT). Ở cấp THCS, môn GDCD chủ yếu dạy cho học sinh những kiến thức về đạo đức, pháp luật cơ bản, thiết thực để góp phần hình thành cho học sinh những phẩm chất đạo đức, như: siêng năng, kiên trì, tiết kiệm, lễ độ, biết ơn, đoàn kết, khoan dung, tôn trọng kỷ luật, pháp luật, tự trọng, tự tin, yêu thương con người... Đồng thời giúp học sinh biết đánh giá được các hành vi của bản thân và mọi người xung quanh theo các chuẩn mực đã học; biết lựa chọn và thực hiện cách ứng xử phù hợp với các chuẩn mực đạo đức, pháp luật trong hoạt động và giao tiếp hàng ngày.

Đối với cấp THPT, môn GDCD không những trang bị cho học sinh những kiến thức phổ thông, cơ bản, phù hợp với lứa tuổi về thế giới quan khoa học và nhân sinh quan tiến bộ, về các giá trị đạo đức, pháp luật, lối sống, mà còn hình thành và phát triển ở các em những tình cảm, niềm tin, những hành vi và thói quen phù hợp với những giá trị đã học. Nghĩa  là bộ môn này giúp giáo dục cả kiến thức, kỹ năng và thái độ cho học sinh.

Gần mười lăm năm thực hiện chương trình bộ môn GDCD 2006, bên cạnh những mục tiêu đạt được vẫn còn nhiều bất cập cần khắc phục. Ví dụ, chương trình giáo dục được xây dựng sau khi có sách giáo khoa nên sách giáo khoa dường như trở thành pháp lệnh. Chỉ có một bộ sách giáo khoa duy nhất của Nhà xuất bản Giáo dục nên học sinh và giáo viên không có sự lựa chọn khác; sách tham khảo còn hạn chế; nhiều nội dung của sách mang tính hàn lâm, chú trọng lý thuyết, ít thực hành, ít liên hệ cuộc sống thực tiễn nên tính vận dụng chưa cao. Ngoài ra, chương trình môn GDCD 2006 có nội dung giáo dục gần như đồng nhất cho tất cả học sinh. Việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh, ngay cả ở cấp THPT chưa được xác định rõ ràng... Vì vậy, mục tiêu của môn học rất khó đạt được kết quả như mong đợi. 

Cũng như các môn học khác, môn GDCD trong chương trình giáo dục mới phân biệt rõ 2 giai đoạn: giai đoạn giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12). Ở giai đoạn giáo dục cơ bản gọi là môn đạo đức ở tiểu học và giữ nguyên tên giáo dục công dân ở THCS. Giai đoạn này, môn đạo đức và GDCD là môn học bắt buộc, nội dung chủ yếu là giáo dục đạo đức, kỹ năng sống, pháp luật và kinh tế. Đây là môn học định hướng giáo dục về giá trị bản thân, gia đình, quê hương, cộng đồng, nhằm hình thành cho học sinh thói quen, nền nếp cần thiết trong học tập, sinh hoạt và ý thức tự điều chỉnh bản thân theo các chuẩn mực đạo đức và quy định của pháp luật.

Ở giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp, môn học này có tên là giáo dục kinh tế và pháp luật và là môn học được lựa chọn theo nguyện vọng và định hướng nghề nghiệp của học sinh. Nội dung chủ yếu của môn học này là những kiến thức cơ bản về kinh tế, pháp luật phù hợp với lứa tuổi, mang tính ứng dụng, thiết thực đối với đời sống và định hướng nghề nghiệp tương lai. Kiến thức môn giáo dục kinh tế và pháp luật được lồng ghép với nội dung giáo dục đạo đức và kỹ năng sống, giúp học sinh có nhận thức đúng và thực hiện quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm công dân.

Những học sinh có định hướng nghề nghiệp liên quan các ngành giáo dục chính trị, giáo dục công dân, kinh tế, hành chính, pháp luật,... hoặc có sự quan tâm, hứng thú đối với môn học sẽ lựa chọn môn giáo dục kinh tế và pháp luật trong các tổ hợp môn lựa chọn mà nhà trường xây dựng, đồng thời được chọn học các chuyên đề học tập của bộ môn. Những chuyên đề này góp phần tăng cường kiến thức về kinh tế, pháp luật và kỹ năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn, đáp ứng sở thích, nhu cầu và định hướng nghề nghiệp của học sinh.

Em Tôn Nữ Anh Khuê, học sinh lớp 10 chia sẻ rằng: “Sở dĩ cháu chọn học môn giáo dục kinh tế và pháp luật vì kiến thức môn học này liên quan nhiều đến cuộc sống. Cháu muốn học để vận dụng vào cuộc sống, giúp chúng cháu hình thành những kỹ năng sống quan trọng và hoàn thiện nhân cách của chính mình”. Tuy nhiên, không phải học sinh nào cũng có suy nghĩ như vậy, một vài học sinh cho rằng, môn học này khô khan, khó học. Có nhiều học sinh thích học môn giáo dục kinh tế và pháp luật nhưng khi nhà trường ghép chung thành tổ hợp với các môn học lựa chọn khác thì lại không đúng với định hướng nghề nghiệp tương lai của cháu.

Cháu Hoàng Trần Bảo Thy, học sinh lớp 10 lại chia sẻ: “Cháu muốn học môn giáo dục kinh tế và pháp luật vì kiến thức môn học này rất thiết thực, áp dụng ngay trong đời sống hàng ngày nhưng khi ghép thành tổ hợp với các môn lựa chọn khác thì xa với định hướng nghề nghiệp tương lai nên cháu buộc phải chọn tổ hợp môn không có môn học này”. Nhiều học sinh khác cũng có lý do giống cháu Bảo Thy, vì thế mà tỷ lệ lựa chọn môn học này hiện nay ở một số trường vẫn còn hạn chế, chưa thỏa mãn được nhu cầu của người học.

Nguyễn Thị Hoa Phượng

ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khen thưởng 100 khách hàng sử dụng tiết kiệm điện năm 2024

Sáng 21/11, lãnh đạo Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế (PC Thừa Thiên Huế) thông tin, đơn vị đang tiến hành trao giải và giấy chứng nhận cho 100 khách hàng tiêu biểu đã đạt các tiêu chí của chương trình “Hộ gia đình tiết kiệm điện năm 2024” do đơn vị phát động.

Khen thưởng 100 khách hàng sử dụng tiết kiệm điện năm 2024
Phẫu thuật khe hở môi – vòm miệng cho trẻ

Ngày 11/11, Trường đại học Y-Dược, Đại học Huế (ĐHH) và Bệnh viện Trường đại học Y-Dược Huế tổ chức buổi tiếp đón Tổ chức Alliance for Smiles, Tổ chức Rotary Club of Saigon về triển khai chương trình phẫu thuật cho các trẻ em có khe hở môi – vòm miệng.

Phẫu thuật khe hở môi – vòm miệng cho trẻ
Thúc đẩy vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi phát triển

Ngày 9/11, tại thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình chủ trì Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia (MTQG) phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn I (từ năm 2021-2025) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình giai đoạn II (từ năm 2026 đến năm 2030).

Thúc đẩy vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi phát triển

TIN MỚI

Return to top