ClockThứ Sáu, 08/03/2019 05:45
KỶ NIỆM 10 NĂM THÀNH LẬP KHOA GIÁO DỤC MẦM NON, TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM, ĐẠI HỌC HUẾ

Một chặng đường, nhiều thành tựu

TTH - 10 năm xây dựng và phát triển, Khoa Giáo dục mầm non, Trường đại học (ĐH) Sư phạm, ĐH Huế đạt nhiều thành tựu trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và đóng góp cho đất nước hàng ngàn giáo viên có chuyên môn cao.

Trường đại học Sư phạm Huế triển khai thực tập sư phạmTrường ĐH Sư phạm Huế khai giảng sau đại học khóa tuyển sinh 2018212 sinh viên Trường ĐH Sư phạm Huế tham gia hiến máu tình nguyện

Một tiết học trên lớp của sinh viên Khoa Giáo dục Mầm non, Trường ĐH Sư phạm, ĐH Huế

Đào tạo tốt

Đến các trường mầm non trong và ngoài tỉnh, chúng tôi gặp nhiều cựu sinh viên Khoa Giáo dục mầm non (GDMN), Trường ĐH Sư phạm, ĐH Huế. Hầu hết họ được đánh giá cao về chuyên môn cũng như tâm huyết với nghề. Cô giáo Nguyễn Thị Cẩm Tú, Hiệu trưởng Trường mầm non Sơn Ca (thị xã Hương Thủy) chia sẻ, ngay sau khi ra trường, cô được trường tuyển dụng và được đánh giá năng lực chuyên môn tốt. Nhờ đó, sau 3 năm giảng dạy, cô được bổ nhiệm làm công tác quản lý. “Hiện, trong tổng số 29 giáo viên tại trường, có đến 19 cựu sinh viên Khoa GDMN, Trường ĐH Sư phạm. Những giáo viên này có chuyên môn tốt và được trẻ cũng như phụ huynh yêu mến”, cô Tú phấn khởi.

Đại diện lãnh đạo khoa cho biết, con số đáng mừng là sinh viên tốt nghiệp ra trường các khóa xếp loại khá giỏi chiếm 95%; tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi ra trường là 93%; trong đó, tỷ lệ làm việc khu vực Nhà nước chiếm 90%. Nhiều sinh viên Khoa GDMN đã trở thành cán bộ quản lý, cán bộ nghiên cứu và giáo viên đang công tác, giảng dạy trên khắp mọi miền đất nước.

Tổng số sinh viên chính quy từ khóa đầu tiên đến nay của khoa là 2.256 sinh viên. Khoa cũng đào tạo chính quy theo địa chỉ tại ĐH An Giang với 769 sinh viên. Ngoài đào tạo chính quy, khoa còn có hệ đào tạo không chính quy, tính đến năm 2018 loại hình chuyên tu (cũ) và liên thông từ cao đẳng lên ĐH đã đào tạo 3.758 sinh viên, từ trung cấp lên ĐH đào tạo 125 sinh viên, loại hình ĐH văn bằng 2 đào tạo 37 sinh viên, hệ vừa học vừa làm (tại chức cũ) đào tạo được 509 sinh viên.

Điểm nổi bật là địa bàn đào tạo của khoa rộng khắp, từ các trường cao đẳng, ĐH các trung tâm giáo dục thường xuyên tại tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình, Bình Định, Thừa Thiên Huế, Gia Lai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tây Ninh, Bình Thuận, Lâm Đồng, An Giang, Phú Yên, Đồng Nai…

PGS.TS. Lê Anh Phương, Hiệu trưởng nhà trường đánh giá, Khoa GDMN là đơn vị có đội ngũ cán bộ trẻ, năng động trong giảng dạy và các hoạt động chuyên môn. Chất lượng đào tạo luôn được xã hội ghi nhận và đánh giá cao. Đây cũng là khoa có số lượng sinh viên nhiều nhất trường. Khoa không chỉ đào tạo đội ngũ cán bộ giảng dạy mầm non cho Huế mà còn phục vụ việc nâng nâng chuẩn và đào tạo cán bộ quản lý cho khu vực miền Trung – Tây Nguyên và cả nước.

TS. Nguyễn Tuấn Vĩnh, Trưởng Khoa GDMN khẳng định, trong 10 năm qua, thông điệp “Nơi ươm những mầm xanh cho đời” được xây dựng và lan toả với sứ mệnh đào tạo những giáo viên mầm non đam mê, hạnh phúc, yêu nghề và yêu trẻ, có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ chăm sóc và giáo dục trẻ thơ. Vì vậy, sinh viên của khoa ra trường được các trường mầm non tiếp nhận làm việc và đánh giá rất cao.

Giờ học thực hành học phần “Vệ sinh và phòng bệnh cho trẻ mầm non”

Hiệu quả trên nhiều lĩnh vực

10 năm qua tại khoa GDMN cũng để lại dấu ấn về khoa học công nghệ. Trong đó, đã phối hợp thực hiện 3 đề tài cấp Nhà nước, chủ trì và phối hợp 9 đề tài cấp Bộ; chủ trì và phối hợp 12 đề tài cấp ĐH Huế; chủ trì 27 đề tài cấp cơ sở; cố vấn khoa học cho 18 đề tài của sinh viên, cho ra mắt 4 giáo trình và 9 sách chuyên khảo (chủ trì và phối hợp) cùng nhiều sách tham khảo và tài liệu bồi dưỡng giáo viên. Đội ngũ giảng viên của khoa sở hữu 80 bài báo đăng tải trên tạp chí chuyên ngành, tạp chí giáo dục, tạp chí các trường ĐH; 53 bài báo đăng kỷ yếu hội thảo khoa học quốc tế, quốc gia, cấp trường… “Nghiên cứu về khoa học giáo dục rất khó, số lượng công trình khoa học giáo dục được công bố, nhất là về ngành mầm non rất ít. So với các cơ sở giáo dục khác trong toàn quốc, những kết quả về nghiên cứu khoa học của khoa là khá nổi bật. Năm 2014, có 1 đề tài của cán bộ và 1 đề tài của sinh viên được lựa chọn tham dự Giải thưởng tài năng khoa học trẻ toàn quốc do Bộ GD&ĐT tổ chức. Trong đó đề tài của cán bộ là đề tài duy nhất thuộc lĩnh vực khoa học giáo dục đạt giải nhì (không có giải nhất)”, TS. Nguyễn Tuấn Vĩnh nhấn mạnh.

Việc phát triển phong trào sinh viên cũng được chú trọng. Khoa tổ chức nhiều hoạt động đặc thù góp phần giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức, kỹ năng mềm cho sinh viên. Tại Trường ĐH Sư phạm nói riêng và ĐH Huế nói chung, hoạt động văn hóa văn nghệ thể dục thể thao luôn là thế mạnh của khoa GDMN. Ngoài việc đạt nhiều giải thưởng tại các cuộc thi, nhiều sinh viên của khoa là hạt nhân trong phong trào văn nghệ, thể thao của trường. Tại Fesstival Huế 2014, khoa có sinh viên Thân Thị Ái Hoa (khoá 2012 - 2016) là gương mặt đại diện cho kỳ festival này.

Thời gian tới, khoa tiếp tục đẩy mạnh việc phát triển, bồi dưỡng đội ngũ; đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học hướng đến nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đào tạo, hỗ trợ người học và mở mã ngành đào tạo thạc sĩ GDMN.

Trường ĐH Sư phạm, ĐH Huế mở mã ngành đào tạo giáo viên mầm non trình độ ĐH từ năm 2002 theo Quyết định số 4110/QĐBGD&ĐT-ĐH, ngày 10/9/2002 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT). Đến ngày 13/03/2009, Khoa GDMN được thành lập theo Quyết định số 349/QĐ-ĐHH - TCNS của Giám đốc ĐH Huế. Đến nay, Khoa GDMN nay đã đi qua chặng đường phát triển với 10 năm thành lập Khoa và 17 năm mở mã ngành đào tạo.

Hiện, Khoa có đội ngũ giảng viên giàu kinh nghiệm: 3 tiến sĩ, 11 thạc sĩ, 1 học viên cao học và 1 chuyên viên trình độ cử nhân.

TS. Nguyễn Tuấn Vĩnh, Trưởng Khoa Giáo dục mầm non, Trường ĐH Sư phạm, ĐH Huế: Uy tín tạo lợi thế và sức mạnh cạnh tranh

Khoa GDMN, Trường ĐH Sư phạm, ĐH Huế là một trong những đơn vị đào tạo giáo viên mầm non trình độ ĐH sớm của cả nước. Những năm gần đây, tỷ lệ đầu vào của sinh viên mầm non thường cao nhất trường, chứng tỏ sức hút và uy tín của khoa trong bối cảnh tuyển sinh sư phạm gặp nhiều khó khăn.

Học sư phạm mầm non ra trường có nhiều cơ hội việc làm hơn bởi ngoài các cơ sở công lập, có thể làm việc tại cơ sở mầm non tư thục, nhóm trẻ gia đình... Nhu cầu học tập rất cao nên sức ép cạnh tranh trong đào tạo cũng rất lớn trong bối cảnh rất nhiều trường ĐH đào tạo giáo viên mầm non trình độ ĐH và cả những trình độ thấp hơn. Vì vậy, việc tạo ra dấu ấn trong đào tạo để nâng cao vị thế cạnh tranh là việc làm rất cần thiết. Khoa không chỉ đào tạo những giáo viên mầm non có nền tảng lý luận vững chắc, kỹ năng thực hành thuần thục mà còn hướng đến phát triển năng lực thích nghi, sự linh hoạt, sáng tạo ở bất kì môi trường và vị trí việc làm nào. Điều này thực sự có ý nghĩa trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay.

Đào tạo không chính quy lại càng nhiều cạnh tranh hơn vì các trường cao đẳng, các trung tâm giáo dục thường xuyên được quyền lựa chọn liên kết với bất kì cơ sở nào có đủ điều kiện đào tạo giáo viên mầm non trình độ ĐH. Song, bên cạnh những địa bàn truyền thống tại các địa phương miền Trung, Tây Nguyên, Tây Nam bộ và Đông Nam bộ, Khoa còn liên kết đào tạo tại các địa phương như Quảng Ninh, TP. Hồ Chí Minh, nơi vốn có những cơ sở giáo dục đại học sư phạm lớn. Điều này khẳng định uy tín của Khoa khi luôn đề cao chất lượng đào tạo không chính quy tương tự đào tạo chính quy.

Từ năm 2019, Khoa bắt đầu đào tạo thạc sĩ giáo dục học (GDMN). Là đơn vị thứ 5 trên toàn quốc đào tạo trình độ cao học chuyên ngành này, Trường ĐHSP, ĐH Huế có nhiều lợi thế khi được kế thừa kinh nghiệm tổ chức đào tạo và đội ngũ nhà giáo trình độ cao của chuyên ngành giáo dục học (giáo dục tiểu học) đã được cấp mã ngành từ năm 2012. Đây là cơ hội để nhà trường và Khoa tập trung vào định hướng nghiên cứu và ứng dụng chuyên sâu trong lĩnh vực GDMN, đáp ứng yêu cầu nâng cao trình độ chuyên môn và năng lực nghiên cứu khoa học của học viên cao học.

Minh Tâm (thực hiện)

Bài, ảnh: Hữu Phúc

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

ĐẠI HỌC HUẾ HƯỚNG ĐẾN ĐẠI HỌC QUỐC GIA:
Nhiều tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu

Trong tiến trình xây dựng và phát triển, đặc biệt kể từ sau 30 năm tái thành lập, Đại học Huế (ĐHH) đã cơ bản đạt các tiêu chuẩn, tiêu chí để trở thành Đại học Quốc gia theo quy định.

Nhiều tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu
Chuyện nghề của những cô giáo mầm non

Làm cô giáo mầm non, cái nghề “sớm con muộn chồng” ấy trải qua biết bao câu chuyện buồn vui. Thật sự yêu nghề, mến trẻ bằng tất cả cái tâm sáng trong của một người mẹ thì các cô mới có thể làm tròn sứ mệnh của mình.

Chuyện nghề của những cô giáo mầm non
Return to top