ClockThứ Bảy, 18/03/2023 15:18
TUYỂN SINH, ĐÀO TẠO, TUYỂN DỤNG KHỐI NGÀNH NGHỆ THUẬT:

Nghịch lý hiện hữu

TTH - Nhu cầu đơn vị tuyển dụng lớn, trong khi đơn vị đào tạo chỉ đáp ứng một phần và sức hút thí sinh qua các mùa tuyển sinh cũng rất khó khăn. Đây là nghịch lý đang gặp phải ở khối ngành đào tạo nghệ thuật. Xung quanh vấn đề này, Tiến sĩ Phan Lê Chung, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường đại học (ĐH) Nghệ thuật, ĐH Huế đã có những chia sẻ với Thừa Thiên Huế Cuối tuần.

Triển lãm 43 tác phẩm mới của sinh viên mỹ thuậtHỗ trợ luyện thi mỹ thuật miễn phí cho học sinh trong, ngoài tỉnhSáng tác mỹ thuật về di sản diễn xướng cung đình Huế

leftcenterrightdel
Tiến sĩ Phan Lê Chung, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Nghệ thuật, ĐH Huế 

Nghịch lý đó đang gây ra khó khăn gì cho đơn vị đào tạo các ngành nghệ thuật, thưa ông?

Những năm gần đây, chuyện đào tạo, tuyển sinh và tuyển dụng khối ngành nghệ thuật xuất hiện nghịch lý cung không đủ cầu, nhu cầu việc làm lớn nhưng đơn vị đào tạo lại gặp khó khăn trong tuyển sinh.Vấn đề này xuất hiện trên nhiều khía cạnh.

Đầu tiên là chuyện cung không đủ cầu. Ngay tại Trường ĐH Nghệ thuật, ĐH Huế, hằng năm có khoảng 10 doanh nghiệp đến tham gia tuyển dụng. Mỗi doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng khoảng 30 - 40 vị trí, chỉ tiêu. Song, khả năng đơn vị đào tạo đáp ứng trung bình mới chỉ 30 - 40% so với nhu cầu đơn vị tuyển dụng.

Con số 30 - 40% là tổng nhu cầu có thể đáp ứng. Một thực trạng tồn tại là nhiều sinh viên chưa mặn mà tham gia ứng tuyển vào các công ty. Nói đúng hơn, họ chưa sẵn sàng tham gia môi trường doanh nghiệp, mặc dù mức lương trung bình doanh nghiệp đưa ra khá hấp dẫn, khởi điểm bình quân 10 triệu đồng/tháng, cùng khả năng thu nhập tăng thêm. Nhiều sinh viên nghệ thuật muốn làm tự do, thích trải nghiệm. Cũng có một số sinh viên ra trường chọn những hướng đi khác với lĩnh vực đào tạo, tuy không phải chuyên ngành sâu nhưng vẫn thuộc lĩnh vực nghệ thuật. Thực tế đó đang phổ biến ở nhiều trường trong nước có đào tạo sinh viên khối ngành nghệ thuật.

Sinh viên Trường ĐH Nghệ thuật vẽ tranh

Khía cạnh thứ hai là nhu cầu tuyển dụng lớn, nhưng thí sinh không mặn mà. Nhìn vào tình hình tuyển sinh những năm gần đây, nhiều ngành chỉ tuyển được số lượng khá khiêm tốn. Đơn cử tại Trường ĐH Nghệ thuật, ĐH Huế, tuy kết quả tuyển sinh năm 2022 khả quan hơn năm 2021, tăng 19 sinh viên, nhưng có những ngành chỉ tiêu rất ít, như điêu khắc, hội họa... vẫn chưa thu hút người học. Câu hỏi rất lớn vẫn còn bỏ ngỏ lời giải là, nếu nói việc làm là yếu tố quyết định thì tại sao cơ hội lớn, người học vẫn chưa mặn mà.

leftcenterrightdel
 Tiến sĩ Phan Lê Chung, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Nghệ thuật, ĐH Huế

Nghịch lý trên đang gây khó khăn đến các vấn đề quản lý và đào tạo tại trường ĐH, ảnh hưởng nguồn lực của nhà trường trong vấn đề chi trả kinh phí đào tạo, nguy cơ dịch chuyển đội ngũ từ trường công sang các trường tư. Hiệu ứng đám đông trong chọn lựa ngành nghề và tỉnh, thành cũng dẫn đến tình hình tuyển sinh thêm khó.

Theo ông, nghịch lý trên xuất phát từ đâu?

Có khá nhiều nguyên nhân. Khác với các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, môi trường đào tạo các ngành về nghệ thuật ở Huế chưa sôi động. Ở các thành phố lớn, có nhiều doanh nghiệp với thị trường sử dụng nguồn lao động lớn và phong phú. Việc phát triển kinh tế kéo theo sự kích cầu về sử dụng nguồn lực lao động cao, đặc biệt là đối với ngành sáng tạo về lĩnh vực nghệ thuật. Dễ thấy là trong lĩnh vực mỹ thuật ứng dụng, lượng doanh nghiệp của Huế còn ít và rất nhỏ. Các ngày hội tuyển dụng, đa phần là doanh nghiệp ngoại tỉnh. Sinh viên ra trường không muốn đi làm xa nhà, cũng là lý do quyết định làm tự do.

Trước đây, Trường ĐH Nghệ thuật, ĐH Huế là đơn vị đào tạo nghệ thuật duy nhất ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên, nhưng hiện nay, gần như tỉnh thành nào cũng có đơn vị đào tạo khối ngành này, dẫn đến chia sẻ nguồn lực, cạnh tranh tuyển sinh gay gắt.

Một yếu tố nữa là việc mở ngành mới nhu cầu xã hội cao rất khó khăn. Theo Thông tư 02/2022/TT-BGDĐT ngày 18/1/2022 quy định điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo, đình chỉ hoạt động của ngành đào tạo trình độ ĐH, thạc sĩ, cử nhân thì muốn mở ngành, phải có tiến sĩ đầu ngành. Hiện nay, khối ngành chuyên sâu lĩnh vực này đang thiếu tiến sĩ trầm trọng. Tìm các chuyên gia thì có, nhưng để có tiến sĩ chuyên ngành sâu có mã ngành đào tạo phù hợp (chẳng hạn như chuyên ngành thời trang, media) thì hiện cả nước vẫn chưa có. Trái lại, sức hấp dẫn các ngành truyền thống chưa thực sự thu hút đối với thí sinh.

Mối liên kết giữa đơn vị đào tạo và doanh nghiệp lỏng lẻo là điểm yếu tác động đến vấn đề trên không?

Đúng vậy, phải thừa nhận đây là một trong những điểm đáng trăn trở và cần thay đổi. Đơn vị đào tạo và đơn vị tuyển dụng chưa gặp nhau trong vấn đề đào tạo và sử dụng nguồn lực lao động nhưng nó đến từ cả yếu tố chủ quan và khách quan.

Ở các đơn vị đào tạo công lập, cơ bản mới được đầu tư cơ sở vật chất, các phần mềm cơ bản để giảng dạy, trong khi các công ty lớn hiện nay, đặc biệt là các công ty về lĩnh vực hoạt hình, vẽ truyện tranh lại có các phần mềm chuyên biệt. Hạn chế về cơ sở vật chất, cập nhật chương trình đào tạo, các kỹ thuật mới cũng là nguyên nhân phần nào ảnh hưởng sức hút tuyển sinh, qua đó khiến nguồn cung không đủ cầu trong tuyển dụng.

Mối liên kết giữa các trường trong khối ngành đào tạo nghệ thuật cũng chưa phát huy vai trò tương hỗ, chưa thể hỗ trợ nhau, tạo thành một cộng đồng chung trong khối ngành đào tạo nghệ thuật.

Theo ông, cần có giải pháp gì để tháo gỡ?

Không phải bây giờ, câu chuyện tìm giải pháp mới đặt ra. Tuy nhiên, có những giải pháp có thể làm ngay, có giải pháp cần có lộ trình mới thực hiện được, có giải pháp phải chờ vào các chính sách mang tầm vĩ mô.

Đơn cử, đội ngũ tiến sĩ đầu ngành cần có lộ trình để hoàn thiện theo yêu cầu, từ đó mới mở các ngành “hot”, ngành theo nhu cầu xã hội. Hay như chính sách đặc thù, đã có nhiều kiến nghị về cơ chế đặc thù cho khối ngành đào tạo nghệ thuật, từ cơ chế hỗ trợ trong kinh phí và cả đào tạo, chỉ tiêu tuyển sinh, đội ngũ phục vụ giảng dạy… nhưng đến nay vẫn đang chờ đợi.

Tất nhiên, tự thân các trường ĐH phải nỗ lực trong tuyển sinh và đào tạo, cập nhật chương trình và các yêu cầu giáo dục cũng như thúc đẩy liên kết doanh nghiệp. Các trường ĐH trong khối ngành nghệ thuật cũng cần ngồi lại, kết nối thành cộng đồng, chia sẻ giải pháp và hỗ trợ lẫn nhau để cùng phát triển.

Mảnh đất Cố đô giàu văn hóa, ông nghĩ có thể tận dụng lợi thế này như một giải pháp?

Trước tiên, đội ngũ cán bộ, giảng viên, sinh viên Trường ĐH Nghệ thuật, ĐH Huế phải hòa mình vào dòng chảy chung của văn hóa tỉnh nhà, tích cực tham gia vào các hoạt động nghệ thuật trong địa bàn tỉnh, xem đó là cơ hội để phát triển chuyên môn. Nhà trường cũng đã có nhiều chủ trương gắn các hoạt động chuyên môn trong các hoạt động chung của tỉnh. Điển hình như việc ký kết hợp tác với Sở Văn hóa và Thể thao, phối kết hợp với Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế để tổ chức chương trình mỹ thuật và di sản…

Phía ngược lại, theo tôi cần gắn kết chặt chẽ giữa ĐH Huế và UBND tỉnh nói chung, Trường ĐH Nghệ thuật và các ban, ngành, địa phương của tỉnh nói riêng. Từ đây, nên có các cơ chế đặt hàng về cả nhân lực, sản phẩm, dịch vụ của địa phương… Các hoạt động festival, sự kiện, lễ hội là nơi mà các cán bộ, giảng viên, họa sĩ, nhà thiết kế, sinh viên nghệ thuật có thể tham gia và cơ chế đặt hàng có thể giải quyết mang lại những lợi ích từ nhiều phía trên mục tiêu chung cùng đóng góp cho sự phát triển của tỉnh nhà.

Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!

Hữu Phúc (Thực hiện)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đào tạo & giữ chân người tài

Tròn đúng 10 năm sau hội thảo “Thừa Thiên Huế - đất học và tài năng” (12/11/2014), Hội Khoa học Lịch sử Thừa Thiên Huế lại mở hội thảo khoa học “Chính sách sử dụng người tài - lịch sử và vấn đề đặt ra” vào ngày 16/11/2024. Vấn đề đặt ra ở đây vẫn là câu chuyện về tài năng và vấn đề sử dụng người tài.

Đào tạo  giữ chân người tài
Chuyển đổi số trong thanh niên, sinh viên

Đại học Huế với vai trò là trung tâm đào tạo hàng đầu miền Trung, đã chủ động tích hợp công nghệ số vào công tác Đoàn Thanh niên - Hội Sinh viên (ĐTN - HSV) nhằm nâng cao chất lượng hoạt động, tăng cường hiệu quả quản lý và đẩy mạnh phong trào sinh viên.

Chuyển đổi số trong thanh niên, sinh viên
Đào tạo, hỗ trợ nghề cho thanh niên có hoàn cảnh khó khăn

Tối 17/12, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) TP. Huế phối hợp với Trung tâm REACH Huế tổ chức hội nghị tổng kết 2 năm (2023-2024) dự án đào tạo và hỗ trợ nghề cho thanh niên có hoàn cảnh khó khăn “Mở đường cho thanh niên lập nghiệp”.

Đào tạo, hỗ trợ nghề cho thanh niên có hoàn cảnh khó khăn
Return to top