ClockThứ Ba, 06/08/2019 06:30
ÁP DỤNG CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG MỚI:

Bậc đại học cũng có những điều chỉnh

TTH - Trước sự thay đổi về chương trình giáo dục phổ thông mới dự kiến áp dụng từ năm học 2020 - 2021, ở bậc đại học (ĐH) cũng có những điều chỉnh về đào tạo để đáp ứng.

Tạo cảm hứng đam mê khoa học cho học sinh

Giảng viên Trường ĐH Sư phạm, ĐH Huế tham gia khóa tập huấn giáo dục STEM

Nhiều điểm mới

PGS.TS. Lê Anh Phương, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm, ĐH Huế cho biết, mùa tuyển sinh 2019, nhà trường mở thêm 7 ngành mới là: giáo dục công dân, sư phạm âm nhạc, sư phạm công nghệ, sư phạm khoa học tự nhiên, giáo dục pháp luật, sư phạm lịch sử - địa lý và hệ thống thông tin. Đây là các ngành gắn bó mật thiết với chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới sẽ chính thức đưa vào giảng dạy từ năm học 2020 - 2021 theo công bố của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT).

“Theo chương trình GDPT mới, một số môn được giảng dạy theo hướng tích hợp liên môn như công nghệ, khoa học tự nhiên, lịch sử - địa lý. Trên thực tế, sinh viên ĐH sau khi ra trường dạy các chuyên ngành gần như sinh học, hóa học, vật lý, địa lý, lịch sử… chỉ đảm nhận một phần tương ứng trong môn khoa học tự nhiên, lịch sử - địa lý hoặc chỉ dạy đơn ngành. Vì vậy, việc bổ sung đội ngũ dạy học theo hướng tích hợp liên môn ở trường trung học cơ sở là rất cần thiết để đáp ứng sự đổi mới của giáo dục hiện nay”, đại diện Trường ĐH Sư phạm nhấn mạnh.

Chương trình đào tạo có nhiều điểm được điều chỉnh; trong đó, chú trọng bổ sung các nội dung kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp cho sinh viên. Đối với sinh viên khóa mới tuyển (từ năm 2019), chương trình được điều chỉnh, thay đổi ngay từ đầu theo hướng phù hợp với chương trình GDPT mới, tăng tính trải nghiệm, định hướng phát huy tính tích cực của học sinh, khắc phục nhược điểm của phương pháp truyền thụ một chiều. Ngoài ra, Trường ĐH Sư phạm sẽ đưa vào 3 chuyên đề mới trong chương trình đào tạo là giáo dục STEM (về bản chất được hiểu là trang bị cho người học những kiến thức và kỹ năng cần thiết liên quan đến các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học), khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và đào tạo nghề nghiệp giáo viên, đó được xem như các học phần bắt buộc.

Đối với các sinh viên các khóa trước (tuyển sinh từ 2018 trở về trước), việc thay đổi chương trình không dễ do khung chương trình đã được thiết kế từ trước và đào tạo có lộ trình. Tuy nhiên, sẽ có những bổ sung các chuyên đề liên quan đến kiến thức, nội dung và phương pháp kỹ năng nghề nghiệp. Đây là các chuyên đề nằm trong cơ cấu chuyên đề tự chọn của sinh viên.

PGS.TS. Trần Kiêm Minh, Trưởng khoa Toán, Trường ĐH Sư phạm, ĐH Huế cho biết, khoa đang lồng ghép các mô hình toán học minh họa vào các cuộc thi nghiệp vụ. Sắp tới sẽ đẩy mạnh hơn trong các nội dung của môn học, tạo cho sinh viên phương pháp giảng dạy theo định hướng STEM.

Bồi dưỡng cho giảng viên, giáo viên

Theo đại diện lãnh đạo Trường ĐH Sư phạm, ngoài các hoạt động chuyên môn thường kỳ, sẽ có nhiều hoạt động tập huấn, bồi dưỡng giảng viên. Cuối tháng 7/2019, nhà trường phối hợp với các đơn vị và chuyên gia quốc tế tổ chức khóa tập huấn giáo dục STEM và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong thế kỷ 21. Trong đó, có nhiều nội dung hướng đến việc giảng dạy theo phương pháp mới như xây dựng bài học STEM, tổ chức thực hiện bài học STEM, kết hợp bài học STEM với khởi nghiệp và kinh doanh cơ bản…

Hiện, Trường ĐH Sư phạm, ĐH Huế đã kết nối, hợp tác với các Sở GD&ĐT để xây dựng và triển khai các chương trình bồi dưỡng cho giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình và sách giáo khoa. Dự kiến, thời gian tới sẽ triển khai các đợt bồi dưỡng cho giáo viên tại nhiều tỉnh như: Kon Tum, Quảng Nam, Khánh Hòa, Quảng Bình, Quảng Trị…

Ngoài ra, Trường ĐH Sư phạm, ĐH Huế cũng phối hợp các trường sư phạm trọng điểm trong cả nước đồng hành với Bộ GD&ĐT trong việc tư vấn, xây dựng, triển khai các hoạt động nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, đáp ứng yêu cầu của chương trình GDPT mới.

Bài, ảnh: HỮU PHÚC

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Việt Nam ủng hộ thúc đẩy vấn đề giáo dục trong Chương trình nghị sự Liên hợp quốc

Ngày 15/5 tại New York đã diễn ra phiên họp cấp đại sứ của Nhóm bạn bè về giáo dục và học tập trọn đời. Tham dự phiên họp có Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Amina J.Mohammad, Trợ lý Tổng giám đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa LHQ (UNESCO) về Giáo dục Stefania Giannini cùng Đại sứ, Trưởng Phái đoàn và đại diện của gần 30 nước thành viên LHQ.

Việt Nam ủng hộ thúc đẩy vấn đề giáo dục trong Chương trình nghị sự Liên hợp quốc
“Mùa hè cho em” đến với học sinh vùng cao Nam Đông

Sáng 15/5, Quỹ Sen xanh, Chi đoàn Báo Thừa Thiên Huế phối hợp với Công ty CP May xuất khẩu Huế (Hudatex Hue) và Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh tổ chức Chương trình “Mùa hè cho em” tại Trường tiểu học Thượng Lộ (huyện Nam Đông).

“Mùa hè cho em” đến với học sinh vùng cao Nam Đông
Giải pháp cải thiện chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương năm 2024

Sáng 8/5, UBND tỉnh phối hợp với Bộ Khoa học và công nghệ (KH&CN) tổ chức hội thảo “Thực trạng và giải pháp cải thiện chỉ số đổi mới sáng tạo (ĐMST) tỉnh Thừa Thiên Huế (PII) 2024. Tham gia hội thảo có các ông Hoàng Minh, Thứ trưởng Bộ KHCN; Nguyễn Thanh Bình, UVTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; cùng lãnh đạo Cục Phát triển Công nghệ và ĐMST (Bộ KH&CN), các sở, ban ngành, đơn vị, doanh nghiệp tại địa phương.

Giải pháp cải thiện chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương năm 2024
Giáo dục tài chính trong trường học

Giáo dục tài chính cho học sinh không chỉ giúp các em biết sống trách nhiệm, trân quý giá trị lao động, biết chia sẻ với ông bà, cha mẹ mà còn là nền tảng quan trọng giúp các bạn trẻ biết lập kế hoạch ngân sách cho cuộc sống tự chủ ở hiện tại và tương lai.

Giáo dục tài chính trong trường học

TIN MỚI

Return to top