Du lịch là ngành đòi hỏi cao về kỹ năng nghề (Ảnh chụp trước thời điểm bùng phát dịch COVID-19)
Lo cho lớp nhân lực du lịch mới
Thống kê từ Sở Du lịch, ở Huế đang có 10 trường đại học, cao đẳng và trung cấp đào tạo chuyên ngành về du lịch; trong đó, 2 cơ sở đào tạo hoàn toàn về du lịch, còn lại đào tạo một số ngành đơn lẻ. Dù ảnh hưởng do dịch bệnh, song trong 2 năm 2020 và 2021, mỗi năm ở Huế, tổng số lao động du lịch ra trường khoảng 1.500 người.
Đây là con số không nhỏ trong bối cảnh du lịch bị tác động lớn từ dịch bệnh. Từ đó, nhiều cái lo bắt đầu xuất hiện cho một thế hệ lao động mới của ngành du lịch. Đầu tiên là số lượng lao động ra trường lớn, nhưng các hoạt động du lịch buộc tạm dừng do dịch bệnh, tỷ lệ lao động tìm kiếm việc trong lĩnh vực du lịch thấp. Không thể làm việc ở lĩnh vực được đào tạo, ít nhiều sẽ tác động đến tâm lý và công việc lâu dài của nhiều lao động, khi chuyển sang làm công việc khác.
Cái lo đáng quan ngại hơn là chất lượng nguồn nhân lực. Du lịch là ngành đòi hỏi tính thực tiễn, kỹ năng nghề nhiều hơn là lý thuyết hàn lâm. Thông thường, sinh viên có một thời gian khá dài thực tập tại các doanh nghiệp lữ hành, lưu trú để học nghề. Tuy nhiên, dịch bệnh khiến việc học nghề không thuận lợi.
Nguồn lao động ra trường lớn, nhưng công việc về du lịch hiện đang gặp khó khăn (Ảnh chụp khi dịch bệnh chưa bùng phát)
Bà Dương Thị Công Lý, Giám đốc Công ty CP Du lịch Việt Nam - Hà Nội - Chi nhánh Huế cho biết, có những đợt thực tập rơi vào đúng giai đoạn dịch bệnh bùng phát nên doanh nghiệp gần như không thể giúp được gì cho sinh viên. Không được đi thực tế để cùng tham gia phục vụ khách, sẽ rất khó để sinh viên hiểu hết ngành dịch vụ du lịch. Để tổ chức một tour du lịch không hề đơn giản, bên cạnh thiết kế lịch trình, sẽ có những phát sinh mới đòi hỏi người làm tour phải biết về luật pháp, thuyết phục khách hàng, biết “cúi đầu” trước “thượng đế” của mình…
Để phần nào tăng kiến thức thực tế cho các sinh viên trong giai đoạn dịch bệnh hiện nay, các cơ sở đào tạo đã có hợp tác với Hội Lữ hành tỉnh đến trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về nghề làm du lịch cho sinh viên.
Một giám đốc doanh nghiệp lữ hành tham gia giảng dạy trăn trở, ngoài những trường chuyên đào tạo về du lịch, kiến thức của sinh viên rất vững, thì qua những buổi lên lớp mới thấy sinh viên ở một số trường đào tạo không chuyên đang rất yếu kỹ năng nghề. Những kiến thức quá cơ bản như sự khác nhau giữa resort và khách sạn; có bao nhiêu hình thức ăn sáng tại khách sạn, hay một số câu chào hỏi về tiếng Anh thường gặp… sinh viên cũng không nắm được. Những buổi giảng dạy của doanh nghiệp chung quy cũng dừng ở mức định hướng nghề nghiệp, giải đáp một số vấn đề thường phát sinh trong quá trình phục vụ khách, chứ không thể thay thế quá trình học tập của sinh viên trên giảng đường.
Cần đánh giá lại chất lượng đào tạo
Vị giám đốc doanh nghiệp trên chia sẻ: “Để tăng tính thực tiễn cho sinh viên, tôi phải bỏ tiền túi ra để đưa các em đến ăn sáng một khách sạn 5 sao ở Huế, trực tiếp trải nghiệm dịch vụ đẳng cấp nơi đây. Nhờ khách sạn bố trí thêm người để trao đổi với sinh viên là nhà hàng của khách sạn được thiết kế theo phong cách gì, phù hợp với dòng khách nào, các dịch vụ bổ sung đi kèm, khi phục vụ khách phải như thế nào, khoảng cách ra sao… Sinh viên cho biết, đây là những kiến thức mới, lần đầu được học”.
Ông Lê Ngọc Sanh, Chánh văn phòng Sở Du lịch đánh giá, đối với các sinh viên được đào tạo bài bản về du lịch, tại những đơn vị được đầu tư cơ sở vật chất, có môi trường thực hành nghề tốt, chất lượng lao động sau ra trường sẽ tốt hơn. Trong giai đoạn mà đào tạo thực tiễn gặp khó bởi dịch bệnh, sinh viên cần phải tự nỗ lực, tìm hiểu về nghề thông qua internet. Về phía doanh nghiệp nhận sinh viên thực tập, cũng cần chủ động hỗ trợ trong khả năng có thể. Phía cơ sở đào tạo cũng chủ động để mời doanh nghiệp du lịch đến trao đổi kỹ năng nghề.
Ông Sanh phân tích, đi sâu vào lĩnh vực đào tạo du lịch và thực tiễn nghề nghiệp sau này đúng là đang có những bất cập nhất định. Chẳng hạn như sinh viên được đào tạo chính quy về lễ tân khi ra trường sẽ rất khó để vào làm vị trí lễ tân ở những khách sạn cao sao, do còn hạn chế về ngoại ngữ. Trong khi đó, sinh viên ngoại ngữ lại được lựa chọn nhiều hơn sau khi học thêm chứng chỉ nghiệp vụ về lễ tân.
Như đã đề cập ở trên, giải pháp tình thế là các doanh nghiệp sẽ trực tiếp đến cơ sở đào tạo chia sẻ với sinh viên về các kiến thức và kỹ năng cần có của người lao động làm việc trong ngành du lịch. Tuy nhiên, theo Hội Lữ hành tỉnh, trong 7 cơ sở đào tạo mà hội gặp gỡ, đặt vấn đề thì có 2 cơ sở không muốn hợp tác, dù đây là hợp tác hoàn toàn miễn phí.
Có lẽ vì lý do Huế là một trong những “trung tâm” du lịch lớn của cả nước nên có nhiều đơn vị đào tạo về du lịch. Tuy nhiên, với tình hình hiện tại, đã đến lúc cần đánh giá lại, liệu chúng ta có dư thừa trong đào tạo nghề du lịch và chuẩn ra có đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động hiện nay?
Bài, ảnh: Đức Quang