Bé Long Nhật đoạt nhiều giải thưởng cuộc thi “Đồ Rê Mí” 2007, Bảo Ngọc giành ngôi vị quán quân cuộc thi “Đồ Rê Mí” 2015 đều đã từng tham gia học tập, sinh hoạt ở đây.
Việc phát hiện năng khiếu và định hướng tài năng sớm sẽ giúp bé có bước khởi đầu tốt
Tự do lựa chọn
Nhà Thiếu nhi Huế có tổng cộng 17 bộ môn năng khiếu dành cho các em thiếu nhi từ 5 đến 15 tuổi. Vào dịp này, cứ thứ bảy, chủ nhật hàng tuần, bước vào Nhà thiếu nhi là cảm nhận ngay không khí rộn ràng.
Chị Nguyễn Thị Khánh (40 tuổi, trú tại phường Vỹ Dạ, TP. Huế) từng cho con học qua các lớp đàn, hát. Thấy bé hứng thú với môn nghệ thuật hiếu động – khiêu vũ thể thao, chị cũng chiều lòng cho con đăng ký chuyển lớp. Bé Nguyễn Nữ Thục Quyên, con gái chị Khánh, có dáng người khá chắc khỏe và linh hoạt, chia sẻ: “Con thích học khiêu vũ thể thao. Nó hơi khó, nhưng con thấy hứng thú”.
Bé Cao Ngọc Trâm (Trường tiểu học Hương Long) sớm bộc lộ năng khiếu hội họa. Em rất say mê, thích thú với bút và màu vẽ, điểm mỹ thuật ở lớp thường xuyên đạt A+. Mẹ bé tâm lý đã đăng ký cho con theo học lớp hội họa ở Nhà Thiếu nhi.
“Cậu chàng” Ngô Đức Bảo Minh (Trường mẫu giáo Trường An) cười tít mắt nhe hàm răng sún ngộ nghĩnh khi chúng tôi hỏi sao con chọn học vẽ. Bé không trả lời mà lấy từ cặp ra khoe những bức tranh nhiều màu sắc, nét vẽ trong sáng. Bà Ngô Thị Sen (63 tuổi, trú tại phường An Tây, TP. Huế), bà ngoại của Bảo Minh xoa xoa đầu cháu, nói: “Cháu nó thích vẽ lắm, mỗi đợt cuối tuần bà chở qua Nhà Thiếu nhi học vẽ là nhảy nhót, vui vẻ như chim non”.
Anh Võ Tự Tuấn, Phó Giám đốc Nhà Thiếu nhi Huế, chia sẻ: “Các bậc phụ huynh cần lắng nghe con, tìm hiểu con có khả năng ở lĩnh vực nào. Ở đây, nhiều phụ huynh dò ý con bằng cách cho bé trải nghiệm ở một vài bộ môn, sau đó thấy bé lộ năng khiếu và đam mê ở bộ môn nào thì cho con đăng ký học lớp đó”.
Học mà chơi
Trong năm học, để không chồng chéo thời gian học chính khóa của các em nhỏ, Nhà Thiếu nhi mở các lớp năng khiếu vào hai ngày cuối tuần – thứ bảy và chủ nhật. Thời gian này, có khoảng 700 – 800 lượt em theo học mỗi tháng. Vào dịp hè, các môn học sẽ trải dài cả tuần, số lượng học sinh cũng tăng đột biến theo nhu cầu lên đến 2.000 – 3.000 lượt.
Điều thu hút ở các lớp năng khiếu của Nhà Thiếu nhi là không đặt nặng vấn đề học, mà là tạo môi trường cho các em được giao lưu, vui chơi với bạn bè cùng trang lứa, tùy khả năng của mỗi em, giáo viên sẽ có cách dạy phù hợp. Học phí cũng khá “mềm”, phù hợp với khả năng tài chính của nhiều phụ huynh, dao động từ 100.000 – 170.000 đồng, tùy môn học.
Ngoài hệ thống lớp năng khiếu, Nhà Thiếu nhi Huế còn có hệ thống phong trào. Thông qua các cuộc thi “Kỳ thủ nhí”, “Cây bút tuổi hồng”, thi vẽ tranh “Mùa hè ước mơ”; triển lãm tranh “Sắc xuân”; liên hoan “Phím đàn xanh”, liên hoan tiếng hát “Họa mi vàng”... Nhà Thiếu nhi giúp các em được cọ xát, bồi dưỡng niềm đam mê và nâng cao ý chí rèn luyện. Có những cuộc thi có tính sáng tạo và mới lạ, như “Diễn kịch bằng tiếng Anh”. Nội dung thi dựa trên một truyện cổ dân gian Việt Nam để biên tập, dàn dựng thành một tiết mục để các em thể hiện bằng tiếng Anh. Với hình thức kịch nói, có từ ba nhân vật trở lên, có nội dung câu chuyện và trao đổi, giao tiếp bằng lời nói đã tăng tính sinh động, gợi niềm cảm hứng thích thú cho các em nhỏ, khác với hùng biện tiếng Anh, hơi khô khan với các em thiếu nhi.
Anh Hoàng Nguyễn Chân Tú, Quyền Giám đốc Nhà Thiếu nhi Huế, chia sẻ: “Mỗi năm Nhà thiếu nhi tổ chức nhiều cuộc thi cho các em. Các cuộc thi này mang tính khích lệ tinh thần học hỏi, cố gắng của các em, đồng thời tạo cho các em một sân chơi lý thú.”.
Bài, ảnh: Phước Ly