Nhóm The Sharks gây ấn tượng với dự án tái chế vỏ chai nhựa, túi ni lông đã qua sử dụng thành các tác phẩm nghệ thuật (Ảnh do nhóm cung cấp)
Đa dạng ý tưởng
Các nhóm dự án tuổi học đường của ba trường: THPT chuyên Quốc Học, Cao Thắng và Hương Thủy bắt tay với những sáng kiến đa dạng. Tiêu biểu như nhóm học sinh Trường THPT chuyên Quốc Học, The Sharks - Nghệ thuật rác vì cộng đồng - tái chế các vỏ chai nhựa, túi ni lông đã qua sử dụng thành các tác phẩm nghệ thuật. Tính nhân văn của dự án còn thể hiện ở việc gây quỹ cho các bệnh nhân nhi nghèo từ việc bán sản phẩm “handmade” từ rác thải này.
Với nhóm học sinh của dự án “Vườn treo Babylon”, các em tận dụng rác thải nhựa để tạo ra các sản phẩm như chậu cây. Nhóm chia sẻ, từ những rác thải tưởng chừng như vô ích, cần thời gian rất lâu để phân hủy nay có thể trở thành một mầm xanh làm đẹp hơn cho không gian lớp học và môi trường xung quanh.
Tại Trường THPT Cao Thắng, trong tháng 2/2019, nhóm dự án “Đội tình nguyện vì môi trường” tiến hành thu gom và phân loại rác thải, nhất là rác thải nhựa sau mỗi buổi học, chăm sóc các khu vườn rau của các dự án khác và chậu cây trong khuôn viên trường như tưới nước trước và sau các buổi học. Không những vậy, đội tình nguyện còn tuyên truyền đến học sinh về tác hại của rác thải nhựa đối với sức khỏe của con người và an toàn xã hội, vận động mọi người thay đổi thói quen sử dụng túi ni lông bằng các vật dụng khác thân thiện với môi trường như ống hút cỏ, dùng túi giấy hay túi vải thay thế.
Em Hoàng Thị Tường Vy, học sinh Trường THPT Cao Thắng, chia sẻ: “Sau những lần tuyên truyền đến học sinh về rác thải nhựa, các bạn hiểu rõ hơn về tác hại nguy hiểm của rác thải nhựa đối với sức khỏe. Từ đó, đã thay đổi thói quen sử dụng tràn lan túi ni lông trong sinh hoạt sang sử dụng hạn chế hơn hoặc thay thế bằng các loại vật dụng khác thân thiện với môi trường”.
Cùng chung tay
Hội đồng Anh và Coca-Cola Việt Nam đã hợp tác thực hiện dự án Sáng tạo vì một thế giới không rác thải trong ba năm (2018 - 2020). Thừa Thiên Huế phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo được chọn và trong năm đầu tiên, dự án thực hiện thí điểm tại tỉnh Thừa Thiên Huế từ tháng 9/2018 đến tháng 3/2019.
|
Không chỉ tái chế rác thải thành hàng lưu niệm, đồ thủ công mà các em còn gây ngạc nhiên bởi những sản phẩm có tính ứng dụng cao như “Gạch Polyme” sản xuất sản phẩm gạch bê tông có trộn nhựa thải nhằm giảm thiểu lượng rác thải nhựa ở môi trường, giảm lượng sử dụng cát sạn trong việc sản xuất gạch bê tông bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên hay “xà phòng xanh” sản xuất ra các bánh xà phòng từ nguyên liệu thiên nhiên, thân thiện với môi trường và đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng.
Em Trần Linh Chi, học sinh Trường THPT chuyên Quốc Học, bày tỏ: “Em đã nghe rất nhiều về việc giảm lượng rác thải nhựa do ảnh hưởng xấu đến môi trường. Nhưng cho đến khi thông điệp này lan rộng và được thực hiện ngay tại ngôi trường mình học, em đã bắt đầu suy nghĩ vấn đề này một cách nghiêm túc. Bây giờ, khi đi mua hàng hóa, em hạn chế tối đa việc sử dụng túi ni lông kèm theo, thay vào đó em cất vào cặp hay mang theo túi vải để đựng”.
Ông Nguyễn Tân, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thừa Thiên Huế, cho biết: “Du lịch hiện là một trong những ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Tuy nhiên, du lịch cũng được xác định là một trong những tác nhân có nhiều ảnh hưởng xấu tới môi trường nếu không có giải pháp khắc phục. Huế đang là một trong những địa phương tiên phong trong việc thực hiện du lịch có trách nhiệm. Chúng tôi đã thực hiện nhiều hoạt động làm sạch môi trường, kêu gọi nhiều thành phần cùng tham gia tích cực hơn, nâng cao trách nhiệm bảo vệ môi trường, phối hợp với các bên liên quan tổ chức rất nhiều các hoạt động, trong đó có những hoạt động tiêu biểu và cho thấy hiệu quả rõ rệt, như nhặt rác “Cảm ơn dòng Hương” hay gần đây nhất, là hoạt động phát động “Ngày Chủ nhật xanh - Hãy hành động để Thừa Thiên Huế thêm xanh - sạch - sáng”.
Với những ý tưởng đưa ra, các em học sinh mong muốn thông điệp “Vì một thế giới không rác thải” sẽ là tuyên ngôn sống của người trẻ và toàn xã hội.
Phước Ly