Thông tin trên được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Phùng Xuân Nhạ đưa ra tại buổi tiếp và làm việc với Trưởng đại diện các tổ chức của Liên hợp quốc tại Việt Nam gồm UNESCO, UNICEF, UNFPA và UN Women.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ làm việc với các tổ chức của LHP tại Việt Nam
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đánh giá cao và trân trọng cảm ơn sự hỗ trợ, giúp đỡ của các tổ chức của Liên hợp quốc với ngành GD&ĐT trong nhiều năm qua.
Trao đổi với bà Susan Vize, quyền trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, ngành GD&ĐT đang thực hiện nhiệm vụ rất quan trọng của Chính phủ là đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT. Tinh thần của đổi mới lần này là chuyển từ cách tiếp cận nội dung kiến thức sang tiếp cận phẩm chất, năng lực và hội nhập khu vực và quốc tế theo hướng hiện đại; với triết lý rất quan trọng là “thực học, thực nghiệp và đảm bảo tính dân chủ”tức là học thật, làm thật, học để ra trường có việc làm, học để cùng chung sống, học để phát triển bản thân theo tinh thần chung mà UNESCO đã đưa ragồm 4 trụ cột: Học để biết, Học để làm việc, Học để cùng chung sống và Học để làm người...
“Chúng tôi rất chú trọng đến tăng cường các hoạt động giáo dục, đầu tư phát triển giáo dục vùng dân tộc và các vùng khó khăn, đây là một trong những ưu tiên của Chính phủ Việt Nam. Chúng tôi đồng thời rất quan tâm đến giáo dục suốt đời, nhiệm vụ này nếu quan tâm đầu tư tốt sẽ nâng cao năng suất lao động và đem lại cuộc sống tốt hơn cho nhiều người” - Bộ trưởng nói.
Với tinh thần ấy, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nêu ra 5 nội dung với mong muốn nhận được sự hỗ trợ, quan tâm từ các tổ chức của Liên hợp quốc trong 5 năm tới, bao gồm: Nâng cao chất lượng cuộc sống cho cácnữ giáo viên, đặc biệt nữ giáo viên sống ở khu vực nông thôn, các vùng miền núi, khó khăn, các khu công nghiệp, chế xuất; Nâng cao tầm vóc, thể lực cho học sinh để góp phần phát triển giáo dục toàn diện; Tìm giải pháp để khắc phục, hạn chế bạo lực học đường, tạo ra sự an toàn và thân thiện trong mỗi nhà trường và môi trường giáo dục nói chung; Hỗ trợ kỹ thuật để nâng cao năng lực quản lý giáo dục ở mọi cấp học và trình độ đào tạo từ mầm non đến đại học; Hỗ trợ kỹ thuật về phương pháp thống kê các chỉ số phát triển nguồn nhân lực và chỉ số phát triển con người.
Thay mặt các tổ chức của Liên hợp quốc, bà Susan Vize - Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam - chúc mừng các thành tựu trong lĩnh vực giáo dục mà Việt Nam đạt được trong thời gian qua, trong đó nhấn mạnh việc Việt Nam mới đây đạt kết quả đánh giá PISA tốt, xếp thứ hạng cao hơn một số nước OECD.
Đại diện các tổ chức của Liên hợp quốc cũng chia sẻ về các mục tiêu phát triển bền vững và kế hoạch chiến lược chung giai đoạn 2017-2021 của Liên hợp quốc trong phối hợp với Chính phủ Việt Nam thời gian 5 năm tới. Các đại biểu quốc tế đánh giá cao 5 vấn đề ưu tiên mà Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã đặt ra và nhấn mạnh các nội dung này hoàn toàn trùng khớp với Mục tiêu phát triển bền vững về giáo dục “Đảm bảo nền giáo dục có chất lượng”, cũng như các hoạt động hỗ trợ mà các tổ chức của Liên hợp quốc tại Việt Nam đang và sẽ triển khai với các đơn vị đối tác liên quan của Bộ.
Để thực hiện 5 nội dung trên, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết sẽ tổ chức một nhóm chuyên gia nghiên cứu. Nhóm chuyên gia này sẽ kết nối với các tổ chức của Liên hợp quốc để triển khai hiệu quả và bền vững các ý tưởng hôm nay đặt ra. Đơn vị đầu mối được Bộ trưởng giao thực hiện là Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam.
Đồng thời, Bộ trưởng cũng cho biết: tới đây, GD&ĐT sẽ có công bố báo cáo giáo dục Việt Nam thường niên. Đây sẽ là một báo cáo tiếp cận với chuẩn mực quôc tế về mặt kỹ thuật cũng như những nội dung, mục đích đặt ra. Báo cáo cũng sẽ đề cập tới những vấn đề hai bên đã trao đổi trong buổi làm việc hôm nay. Bộ trưởng đã đề xuất các tổ chức của Liên hợp quốc cùng hợp tác, hỗ trợ kỹ thuật và giới thiệu chuyên gia uy tín để hỗ trợ Bộ GD&ĐT xây dựng và công bố báo cáo giáo dục Việt Nam thường niên này.
“Diễn đàn giáo dục phải được tổ chức hàng năm và phải trở thành một kênh thông tin chính thống và hữu ích công bố về các chủ trương, chính sách lớn về phát triển giáo dục Việt Nam; đồng thời cũng là kênh công bố các thành tựu, kết quả và những nghiên cứu mới trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo của Việt Nam. Việc này rất quan trọng để toàn bộ những người liên quan đến giáo dục cũng như thế giới biết. Đồng thời hướng tới giáo dục Việt Nam phải là một bộ phận của giáo dục toàn cầu, góp phần hướng tới thực hiện thành công các Mục tiêu phát triển bền vững tới năm 2030” – Bộ trưởng nhấn mạnh.
Diễn đàn giáo dục Việt Nam dự kiến tổ chức vào đầu tháng 3 năm 2017.
Theo Dân trí